(Tổ Quốc) - Điện thoại màn hình cuộn của Motorola đã thu hút sự chú ý của người dùng. Nhưng có những lý do chưa nên mua vội thiết bị này khi nó ra mắt.
Điện thoại màn hình cuộn sẽ là tương lai?
Hãy tưởng tượng nếu điện thoại hoặc máy tính bảng của bạn có thể thay đổi kích thước màn hình tùy ý? Đó là hình dung của Motorola và Samsung trong tương lai, khi cả hai công ty đều giới thiệu các thiết bị có khả năng mở rộng hoặc thu nhỏ màn hình chỉ bằng một nút bấm.
Motorola phô diễn khái niệm của mình tại Mobile World Congress tuần này, trong khi Samsung trưng bày một loạt các nguyên mẫu điện thoại thay đổi hình dạng tại CES mới đây.
Những mô hình mới chứng tỏ các nhà sản xuất điện thoại đang hướng về sự phát triển tiếp theo của các thiết bị cá nhân sử dụng màn hình cảm ứng tĩnh ngày nay. Họ thậm chí còn đang nhìn xa hơn những chiếc điện thoại gập, vốn chỉ mới được phổ biến rộng rãi trong hơn ba năm qua.
Nhưng dù bắt mắt là vậy, có thể sẽ còn lâu nữa điện thoại cuộn mới trở nên phổ biến. Giá cao, những thách thức về kỹ thuật và độ bền cũng như việc thiếu các tình huống sử dụng cần thiết là những lý do chúng sẽ không sớm trở thành sản phẩm thực tế.
Motorola đã giới thiệu chiếc điện thoại nguyên mẫu có kích thước bằng lòng bàn tay, có thể mở rộng chỉ bằng việc nhấn nút hai lần. Và tuyệt vời hơn nữa, màn hình sẽ tự động mở ra khi người dùng sử dụng một số ứng dụng nhất định như YouTube.
Điện thoại cũng có thể chuyển đổi giữa chế độ nhỏ và lớn tùy thuộc vào những gì bạn đang làm trong một ứng dụng. Ví dụ: điện thoại có thể vẫn nhỏ khi bạn cuộn qua hộp thư đến nhưng nó có thể tự động mở rộng khi bạn soạn email.
Khi thiết bị ở dạng nhỏ gọn, màn hình sẽ cuộn xuống phần dưới của thiết bị để trở thành màn hình phụ ở mặt sau của điện thoại. Mặc dù chưa thể hiện được nhiều tính ứng dụng nhưng sản phẩm này vẫn mang đến những kỳ vọng lớn lao.
Theo Ross Young, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Display Supply Chain Consultants, mặc dù điện thoại màn hình cuộn đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng chúng có thể mang lại một số lợi thế đáng chú ý so với điện thoại màn hình gập ngày nay.
Không chỉ nếp gấp nhỏ hơn mà điện thoại cuộn cũng có thể sẽ mỏng hơn so với các thiết bị hiện tại như Galaxy Z Fold 4, vốn được ví như hai chiếc điện thoại xếp chồng lên nhau khi gập lại.
Nhưng những lợi ích đó sẽ dẫn đến một số vấn đề kỹ thuật, khi động cơ và cơ chế trượt có thể cần nhiều điện năng tiêu thụ hơn.
Một số thương hiệu thừa nhận vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Đừng nên mua vội?
Motorola không phải là công ty duy nhất quan tâm đến sản xuất điện thoại có màn hình cuộn, trượt và mở rộng. Gần hai tháng trước, Samsung đã thể hiện tầm nhìn của riêng mình về những chiếc điện thoại và máy tính bảng tương lai có thể trông như thế nào.
Ngôi sao của Samsung là bản mẫu Flex Hybrid, thiết bị trông giống như một cuốn sổ tay khi đóng lại nhưng có thể chuyển đổi giữa kích thước màn hình 10,5 inch và 12,4 inch khi mở ra.
LG cũng gây chú ý với khái niệm điện thoại cuộn mà hãng giới thiệu tại CES 2021. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Oppo cũng phát triển khái niệm điện thoại cuộn với màn hình 6,7 inch có thể biến thành màn hình cỡ máy tính bảng 7,4 inch.
Nhưng ngày nay, ngay cả điện thoại gập – vốn được coi là tiền thân của các thiết bị có thể cuộn lại trong tương lai - vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường điện thoại thông minh nói chung.
Theo International Data Corporation, điện thoại gập ước tính chỉ chiếm 1,1% số lượng điện thoại thông minh xuất xưởng vào năm 2022 và dự kiến sẽ chiếm 2,8% vào năm 2026.
Nhưng điều đó không ngăn được các nhà sản xuất điện thoại tiến về phía trước.
Brad Akyuz, giám đốc điều hành và nhà phân tích di động tại NPD Group cho biết: "Họ phải tiếp tục đổi mới để tạo sự khác biệt. Đó là cách duy nhất họ có thể vượt lên trước đối thủ cạnh tranh."
Ở thời điểm hiện tại, những chiếc điện thoại màn hình cuộn không phải là sản phẩm. Thay vào đó, chúng chỉ là bản mẫu minh họa hướng đi mà các công ty có thể thực hiện khi phát triển điện thoại thông minh trong tương lai.
Cho dù một chiếc điện thoại cuộn lại có xuất hiện trong thời gian tới hay không, các nhà phân tích tin rằng sẽ mất vài năm để chúng trở thành sản phẩm cố định trong thế giới công nghệ.
Có nhiều lý do, về cơ bản chính là những thách thức mà ngành công nghiệp điện thoại gập đang phải trải qua. Giá cả phải hợp túi tiền và điện thoại phải đủ bền để sử dụng hàng ngày mà không cần lo lắng.
Các nhà sản xuất cũng phải cung cấp các tính năng hấp dẫn giúp thay đổi đáng kể cách bạn sử dụng thiết bị di động của mình để khiến sản phẩm trở nên đáng giá.
Mặc dù các thiết bị gập ngày nay có thiết kế khác biệt giúp điện thoại nhỏ gọn hơn khi đóng lại, nhưng trải nghiệm tổng thể vẫn giống như trải nghiệm sử dụng điện thoại tiêu chuẩn.
Ngay cả khi các công ty như Motorola hay Samsung phát hành một chiếc điện thoại cuộn lại trong tương lai gần, có lẽ bạn cũng không nên mua nó. Các sản phẩm thế hệ đầu tiên có thể đắt tiền, dễ hư hỏng và không bóng bẩy như các sản phẩm sau này.
Lấy ví dụ về Galaxy Fold từ năm 2019, Samsung đã hoãn ra mắt sau khi một số ít người báo cáo sự cố với màn hình. Chiếc điện thoại đó cũng có giá 1.980 USD, trong khi Galaxy Z Fold 4 được cải tiến nhiều, vừa ra mắt vào tháng 8, có giá khởi điểm 1.800 USD.
Galaxy Z Flip, điện thoại màn hình gập nhỏ hơn của Samsung cũng vừa được hoàn thiện, có một màn hình nhỏ hầu như không hữu ích và thiếu 5G.