Giải Trần Hữu Trang lần thứ 10 năm 2007 đã kết thúc với kết quả nói chung cũng khá hài lòng mọi người. Tuy nhiên vẫn còn những điều chưa nói hết được, chỉ mong "hậu giải thưởng" sẽ tiếp tục phát huy để những tài năng trẻ kia không bị thiệt thòi.
Giải Trần Hữu Trang lần thứ 10 năm 2007 đã kết thúc với kết quả nói chung cũng khá hài lòng mọi người. Tuy nhiên vẫn còn những điều chưa nói hết được, chỉ mong "hậu giải thưởng" sẽ tiếp tục phát huy để những tài năng trẻ kia không bị thiệt thòi.
Đầu tiên là sự chân phương của các diễn viên ở tỉnh đã chinh phục trái tim người xem. Họ diễn bằng cả tấm lòng, chưa bị pha tạp, nhuốm màu kỹ thuật. Cải lương của họ là thứ cải lương đẹp mộc mạc, gần gũi, dễ chịu. Chợt lo, làm sao những đợt tập huấn của đàn anh đàn chị chỉ bồi đắp cho họ vững vàng hơn thôi, chứ đừng biến họ thành cái bóng của mình, thì uổng lắm! Một vài diễn viên quá "thuộc bài" tập huấn đến nỗi khi diễn thì không chê vào đâu được, vì trình thức, kỹ thuật đều đạt chuẩn, nhưng người ta chỉ thấy bóng dáng của ngôi sao A, ngôi sao B, thì cũng khó có cảm tình.
Thứ hai là sự bất ngờ ở những địa phương trước nay vẫn khiêm tốn nép mình sau lũy tre làng, thậm chí là ở vùng sâu vùng xa, không ngờ lại xuất hiện những gương mặt đầy hy vọng. Chẳng hạn Oanh Kiều của đoàn cải lương Aánh Hồng -Trà Vinh. Ca hay, diễn tốt, chỉ tiếc là đạo diễn chưa biết tạo những điểm nhấn cho cô, thành ra trích đoạn hơi đơn điệu. Nhưng dù không đoạt giải xuất sắc, Oanh Kiều vẫn đầy tiềm năng, chỉ mong địa phương biết cách tạo điều kiện cho những gương mặt trẻ như thế phát triển hơn nữa. Hoặc như Mỹ Hạnh (đoàn Bạc Liêu), cũng không đoạt giải nhưng vẫn chiếm cảm tình khán giả với vóc dáng cao ráo, sáng sân khấu, rất ra vẻ "đào". Ước gì các đài truyền hình cho họ xuất hiện thường xuyên trước công chúng, coi như một cách cọ xát và quảng bá tên tuổi, kẻo quá thiệt thòi so với diễn viên thành phố, dù tài năng không hề thua kém.
Thứ ba là ấn tượng của Phan Minh Đức, một diễn viên "kiêm" giảng viên tiếng Anh và là một doanh nghiệp thành đạt. Minh Đức so kè với các huy chương vàng xuất sắc khác trong một sợi tóc, nhưng ấn tượng thì chắc chắn anh đã hơn xa. Khán giả chợt suy nghĩ về một thế hệ diễn viên có trình độ văn hoá cao, đưa cải lương thoát khỏi "tiếng đời" là... quê mùa, lạc hậu! Không phải khi Minh Đức trả lời ứng xử và nói tiếng Anh lưu loát người ta mới thấy anh "trình độ", mà ngay cả khi diễn rõ ràng anh thẩm thấu nhân vật sâu hơn trong lúc vài người khác diễn bản năng khá nhiều, không hứa hẹn sẽ đi xa. Trình độ văn hoá ấy, cộng với tài hoa ấy, Minh Đức tạo được niềm tin rằng anh không chỉ diễn mà còn có thể làm "đại sứ" giới thiệu được cải lương đến với bè bạn thế giới trong thời hội nhập. Chúng ta đang rất cần những nghệ sĩ như Minh Đức, để cải lương không "đóng khung" như chỉ dành cho giới khán giả bình dân.
(Theo TNO)