(Tổ Quốc) – NSƯT Trung Anh sẽ tái ngộ khán giả bằng vai diễn “sát thủ” máu lạnh trong phim truyền hình “Người phán xử”. Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc, NSƯT Trung Anh cho biết, đây là một vai diễn hoàn toàn trái ngược với những vai diễn trước đó của mình.
Tự đi tìm câu hỏi vì sao đạo diễn mời mình vào vai “sát thủ”
-Khán giả vốn quen NSƯT Trung Anh trong những vai diễn hiền lành, khắc khổ nhưng sắp tới, anh sẽ xuất hiện với vai trò một tên sát thủ trong bộ phim truyền hình “Người phán xử, theo anh lý do nào đạo diễn lại mời anh đóng nhân vật này?
NSƯT Trung Anh |
+ Bộ phim “Người phán xử” thuộc dòng tâm lí tội phạm được mua kịch bản của nước ngoài. Theo tôi, đây là một bộ phim rất hay. Có thể sẽ là dòng phim mới thay thế cho dòng phim cảnh sát hình sự.
Trước đó tôi từng nhận được hai lời mời đóng phim “Cảnh sát hình sự” nhưng không sắp xếp được thời gian nên phải từ chối. Còn phim “Người phán xử” lại đúng dịp tôi có thời gian, hơn nữa tôi rất thích kịch bản này.
Tôi thích những cái xuất phát từ con người, đó là phải thật, con người sống trong hoàn cảnh nào sẽ có tâm lí đó. Bộ phim “Người phán xử” có nói về cảnh sát nhưng không đặt nặng thành tích, họ hy sinh, chiến đâu một cách thầm lặng, trong phim nói rất ít về công an nhưng lại rất sâu sắc.
Khi nhận kịch bản “Người phán xử”, tôi đã đặt ra câu hỏi, vì sao đạo diễn lại mời mình vào nhân vật này, đặc biệt nhân vật này hoàn toàn ngược với những vai diễn trước đây mình từng thể hiện. Sau đó, tôi đã đi tìm yêu cầu của kịch bản cho nhân vật, yêu cầu của ê kíp đối với diễn viên. Dựa trên những yêu cầu đó để tự trả lời cho câu hỏi của mình.
Lần đầu tiên NSƯT Trung Anh sẽ hóa thân thành một kẻ sát thủ máu lạnh trên phim truyền hình |
-Vai diễn “sát thủ” của anh trong “Người phán xử” có gì đặc biệt?
+ Trong lúc quay có nhiều phân đoạn tôi thực sự chưa ưng vì mình một kiểu, đạo diễn một kiểu. Vai diễn của tôi trong kịch bản là một tên sát thủ nhưng khi dựng thành phim tính sát thủ còn lại rất ít.
Thật ra, vai diễn này cũng chỉ là thứ chính, là “chất xúc tác” để làm nổi bật trí tuệ, những tính toán của nhân vật “ông trùm” - Phan Quân - NSND Hoàng Dũng đảm nhận.
Đặc biệt, tôi đã bàn bạc với đạo diễn để thay đổi cái kết nhân vật để làm điểm nhấn cho nhân vật.
-Trong phim anh vào vai “cánh tay phải” của nhân vật Phan Quân - NSND Hoàng Dũng đóng, anh nhận xét thế nào về người bạn diễn của mình?
+ Có một hôm, tôi cùng NSND Hoàng Dũng và đạo diễn Danh Dũng (đạo diễn “Người phán xử” - phần hai - PV) ngồi ăn cùng nhau và anh Hoàng Dũng có nói một câu “Trong bộ phim này, có cái hay và rất thuận lợi đó là ekip lại chọn Trung Anh đóng chung với Hoàng Dũng”
Phải nói là rất lâu hai anh em không đóng cùng nhau, hơn nữa “tình bạn, tình anh em” giữa Trung Anh và Hoàng Dũng ngoài đời rất giống ở trong phim.
Tuy chúng tôi không làm cùng nhà hát, ít gặp nhau nhưng NSND Hoàng Dũng là người tôi “cực kỳ” tôn trọng từ nghề nghiệp đến cách sống. Thứ nhất Hoàng Dũng là người rất giỏi về “nghề”, thứ hai trong cuộc sống anh Dũng là người sống rất đoàng hoàng, là một người đàn anh đúng nghĩa.
-“Người phán xử” là một trong những bộ phim được thu tiếng đồng bộ, cá nhân anh là một trong những diễn viên sở hữu đài từ chuẩn, anh nhận xét gì về phim lồng tiếng của Việt Nam hiện nay?
+ Theo tôi, nếu bỏ được lồng tiếng thì nên bỏ. Tuy nhiên, điều này vẫn còn bất cập đối với phim truyền hình Việt Nam vì chúng ta chưa có cơ sở vật chất, phim trường và kinh phí còn hạn chế. Những diễn viên nghiệp dư tôi không tính, nhưng đã là một diễn viên chuyên nghiệp hầu hết đều đã học về tiếng nói, đài từ phải chuẩn.
Nhưng khi về lồng tiếng vẫn chưa thật vì bị “làm màu quá”, từ những lời thoại, hơi thở, nụ cười, hay những câu “ư, hự”… không thể nào làm thật được như người đóng. Người lồng có cố gắng cũng không thật và rất bất cập.
NSND Hoàng Dũng và NSƯT Trung Anh |
Trong nghệ thuật khó ai hài lòng được với mình
-Anh xuất hiện trong khá nhiều phim truyền hình nhưng hầu hết ở dạng vai thứ chính, có bao giờ anh cảm thấy chạnh lòng?
+ Tôi hoàn toàn không có suy nghĩ như vậy. Với những vai tôi tham gia phải thích tôi mới làm, thậm chí có cả những vai có rất ít phân đoạn nhưng tôi vẫn nhận lời.
Nhân vật thì phải có tuổi, cũng giống như trong phim “Người phán xử”, tuy tôi ít tuổi hơn NSND Hoàng Dũng nhưng vào vai lại đóng nhiều tuổi hơn và không thể đóng vai con của Hoàng Dũng.
Với vai diễn của mình, tạo hình trong kịch bản gốc là một người to cao, khỏe mạnh và bặm trợn nhưng tôi không thể làm được điều đó. Thứ nhất, mình không có lợi thế về ngoại hình. Hơn nữa, trong phim vai diễn này không có điểm nhấn nên tôi phải nghiên cứu thật sâu để tìm điểm nhấn cho nhân vật.
Vì thế tôi rất chú trọng đến nội tâm để làm sao cho khán giả nhìn vào để thấy đang ở một góc độ khác. Ngoại hình có thay đổi cũng chỉ được một phần, cái chính mình phải diễn sao cho thuyết phục được người xem.
"NSND Hoàng Dũng là người tôi “cực kỳ” tôn trọng từ nghề nghiệp đến cách sống. Thứ nhất Hoàng Dũng là người rất giỏi về “nghề”, thứ hai trong cuộc sống anh Dũng là người sống rất đoàng hoàng, là một người đàn anh đúng nghĩa"
|
-Diễn viên trẻ hiện nay chỉ cần một vai diễn có thể “bỗng dưng thành sao”, anh có suy nghĩ gì về điều này?
+ Tôi thấy ngày nay thành công đến với cách bạn trẻ rất dễ dàng, chỉ một hay hai vai diễn đã trở nên nổi tiếng. Nhưng chính vì thế các bạn đã bỏ qua và không để ý, đầu tư tìm hiểu xem nghề này cần có những cái gì. Đấy chính là cần cái “tôi” của người diễn viên trong nhân vật đấy.
Theo tôi, không thể cứ làm theo ý của đạo diễn, mà mình còn phải nói điều gì trong nhân vật đó. Để làm được điều này đòi hỏi cần phải có kiến thức, vốn văn học. Nếu không thể hiện được tư duy của mình trong vai diễn thì khó đạt được sự sâu sắc, đạt đỉnh cao cho nhân vật. Như vậy chỉ là người làm thuê.
-Gần 30 năm trong nghề, anh đã hài lòng với những gì mình có?
+ Với nghệ thuật biểu diễn khó ai hài lòng với bản thân mình, vì khó cái mốc nào để khẳng định mình là nhất, là nhì…nghề diễn việc học hỏi, trau dồi là quan trong nhất. Phải học ngay người bên cạnh mình, không nhất thiết phải học người lớn tuổi, bằng tuổi, mà ngay cả người kém tuổi nếu họ giỏi mình vẫn có thể học hỏi.
Cách đây hàng chục năm tôi có xem Công Lý diễn hài trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trong vai một thằng say mà Công Lý diễn rất lạ, rất hay và tôi không hiểu sao bạn ấy có thể diễn được như vậy, cái quan trọng là bạn ấy đã tư duy trong cái diễn của mình.
Tôi luôn suy nghĩ, mình cứ nhìn những người bên cạnh mình để học hỏi. Ngay phim mình đóng đôi khi còn chưa làm hài lòng mình thì không thể hài lòng về nghề. Do đó, tôi chỉ có suy nghĩ, mình hãy cố gắng hết sức khi còn có thể để nhìn lại không hối tiếc.
-Anh có thể hé lộ, đâu mới là “điểm yếu” của mình?
+ Tôi thấy mình “xã giao” rất kém. Ngoài chuyện ít nói thì người lạ là không thích tiếp xúc, hơn nữa chỉ thích ngồi với bạn thân.
Bên cạnh đó, có cái dở không biết biết “uống rượu”. Khi phải ngoại giao mà ngồi bàn rượu là “rất khổ”. Vì thế, đôi khi mình vẫn bị người ta nghĩ thế này, thế kia….nhưng đó là tính cách thì khó thay đổi. Tôi nghĩ đó là do mình gây ra nên không thể xem đó là thiệt thòi./.
+ Xin chân thành cảm ơn NSƯT Trung Anh!
Ngọc Hà Lê (thực hiện)