(Tổ Quốc) - Giữa tâm dịch Covid-19, mở đọc những trang sách của tập tác phẩm "Sức mạnh gia đình" (Hùng Cửu Long), "Đôi bàn tay Mẹ" (Hồ Xuân Đà)... thấy đó là những món quà thật ý nghĩa vào lúc này.
Những người phụ nữ với đôi bàn tay luôn dang rộng chào đón ở trước cánh cửa mỗi gia đình. Người bà, người mẹ, người dì, người chị, người em... là hình ảnh thân thuộc đã được khắc sâu trong tâm trí không thể nào quên được. Mỗi sự quan tâm, hỏi han, động viên rất đỗi bình thường hằng ngày nhưng trải dài qua năm tháng lại là nguồn động viên luôn dõi theo chúng ta suốt chặng đường đời.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, NXB Văn hóa- Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh ra mắt những tác phẩm đậm chất yêu thương của người phụ nữ trong gia đình.
Bạn còn nhớ không? Mỗi khi mình đau ốm, mệt mỏi, Mẹ là người không quản ngày đêm chăm sóc vất vả, mẹ luôn giả vờ không mệt mỏi dẫu là người thức khuya dậy sớm để chăm mình. Người chị luôn bảo vệ đứa em mình mỗi khi ba mẹ vắng nhà hay có ai đó bắt nạt. Người dì luôn hóng xem bé con lớn lên như thế nào cùng những những món quà nhỏ mong cháu mau ăn chóng lớn… Những người phụ nữ quanh ta, xem ra quá quen thuộc có vẻ như bình thường nhưng không hề tầm thường.
Có một "Đôi bàn tay mẹ" thật ấm áp của tác giả- cô giáo mầm non Hồ Xuân Đà, lúc khổ đau hay khắc nghiệt cũng chính là lúc cuộc đời tôi luyện cho người phụ phụ nữ một trái tim nóng ấm nhưng không bao giờ tan chảy trước những khó khăn trong cuộc sống này. Cô giáo tâm niệm, "Đặc biệt với những người phụ nữ, những cô gái trẻ, chúng ta biết khởi tạo cho mình những giấc mơ đẹp, thì phải biết bắt tay vào xây dựng nó, dù có khổ đau vẫn tin vào cuộc đời, tin vào ngày mai tươi sáng, thì nỗi buồn của hôm nay là nền tảng, sức mạnh cho sự kiến tạo tương lai, mai sau. Hãy tin điều đó!".
Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, "Đôi bàn tay mẹ dung dị, đơn sơ như chính bàn tay của những người mẹ qua bao thế hệ, mưa nắng thăng trầm, nuôi dưỡng những đứa con, với những cảm xúc chân thật, không cần quá nhiều sự điểm tô bằng khuôn vàng thước ngọc... Bằng trải nghiệm của cá nhân, sự nhạy cảm và thức thời, Đôi bàn tay mẹ đã góp thêm tiếng nói, mong muốn được khẳng định vị thế của nữ giới trong đời sống hiện đại".
Ở "Sức mạnh gia đình" là một khác biệt, tác giả Hùng Cửu Long gạt bỏ hết những hào nhoáng, gai góc thường nhật để chia sẻ những tâm tình, "Tôi mong sao có thể đồng cảm, thấu hiểu, lắng nghe, ủng hộ cho bất cứ ai muốn xây dựng, cần bảo vệ ước mơ có một gia đình một vợ một chồng cùng các con sống như ý mình". Mượn trang sách, nói lên lời "Cho phép tôi xin lỗi"tận đáy lòng, Hùng Cửu Long, sau tất cả, trở về nhà để được thấy nụ cười của vợ và những đứa con thơ mỗi ngày là điều quan trọng nhất.
Cuốn sách nhẹ nhàng yêu thương của tác giả Trúc Thiên "Mình gọi nhau là cưng" lại khéo léo gỡ từng nút thắt định mệnh của mỗi con người. Con người sinh ra không tự lựa chọn được số phận nhưng có quyền sống một cách đẹp nhất với chính chiếc áo số phận của đời mình. Hạnh phúc là một từ khóa, ai cũng phải tự tìm chiếc chìa khóa mở lối cho tình yêu đời mình, kể cả tuổi mới lớn vừa biết rung động cho đến ông lão hay bà lão tóc hoa râm. Ở bến cuối của cuộc đời, hai con người tóc đã bạc gá nghĩa gánh nhau một chặng đường yêu thương mà không ngại ngần với thế gian. Ông lão nói: "Đâu còn bao nhiêu năm nữa bây nghe tao gọi bả là cưng ơi"…
Chúng ta đang sống ở những năm 2020, thời đại tiến bộ, nhịp sống thay đổi rất nhanh với những tư tưởng đã thoáng hơn trước rất nhiều. Đứng trước lựa chọn của cuộc đời, phụ nữ cũng cần có những thành công riêng bên cạnh những mưu cầu hạnh phúc gia đình.
Những đóa hoa chỉ nở một lần trong đời, nên phải kiêu hãnh và sống một cuộc đời đáng sống. Chính mình tự chủ cuộc đời thì mọi việc sẽ bắt đầu có cách giải quyết mà thôi.