• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điều trị người nghiện bằng Methadone tiết kiệm gần 4.500 tỉ mỗi năm

Thời sự 01/11/2017 06:00

(Tổ Quốc) -Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là một điều trị lâu dài, có kiểm soát, giá thành rẻ, tiết kiệm gần 4.500 tỉ đồng/năm.

Kết quả triển khai điều trị Methadone

Methadone là một chất dạng thuốc phiện tổng hợp, có tác dụng dược lý tương tự như các chất dạng thuốc phiện khác nhưng không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và không gây khoái cảm ở liều điều trị, có thời gian bán hủy dài – trung bình 24 giờ, nên chỉ cần sử dụng 1 lần/ngày là đủ để không xuất hiện hội chứng cai. Bên cạnh đó, Methadone có độ dung nạp ổn định nên ít phải tăng liều khi điều trị lâu dài.

Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là một điều trị lâu dài, có kiểm soát, giá thành rẻ, được sử dụng theo đường uống, dưới dạng siro nêm giúp dự phòng các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, C, đồng thời giúp bệnh nhân phục hồi chức năng tâm lý, xã hội, lao động và tái hòa nhập cộng đồng.

Ảnh minh họa. Dantri.com.vn

Tính đến hết 30/6/2017, chương trình điều trị Methadone đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố , với 294 cơ sở điều trị, 185 cơ sở cấp phát thuốc và điều trị cho 51.979 bệnh nhân.

Sau 6 tháng đầu năm 2017, đã mở mới thêm 11 cơ sở điều trị và 36 cơ sở cấp phát thuốc Methadone, điều trị thêm cho 1.747 bệnh nhân so với cuối năm 2016, đạt 64%chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg. Chương trình đã tiếp tục mở rộng phát thuốc tại tuyến xã (hiện có 26 địa phương triển khai, với tổng số bệnh nhân chiếm 22% tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị). Các tỉnh miền núi như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La có đến 40%-50% bệnh nhân uống thuốc tại xã. Chương trình về cơ bản được triển khai theo đúng các quy định của pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn.

Đối với các cơ sở giam giữ thuộc ngành công an, Trại giam Phú Sơn 4 (tỉnh Thái Nguyên) hiện đang điều trị Methadone cho 14 phạm nhân (giảm 1 phạm nhân so với cuối năm 2016, giảm 17 phạm nhân so với thời điểm bắt đầu triển khai điều trị, do các phạm nhân mãn hạn tù). Đối với các cơ sở cai nghiện thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội số lượng cơ sở triển khai điều trị tăng từ 23 cơ sở tại 13 tỉnh lên 30 cơ sở tại 17 tỉnh, số lượng học viên được điều trị tăng từ 2.721 người lên 3.314 người. Trong đó, đáng chú ý số bệnh nhân điều trị Methadone trong ngành y tế chiếm số lượng đông nhất; năm 2016 có 251 cơ sở điều trị, số bệnh nhân lên đến 47.927 thì đến tháng 6/2017 có 269 cơ sở điều trị với 48.561 số bệnh nhân.

Hiệu quả chính của điều trị Methadone

Điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai thí điểm tại Việt Nam từ năm 2008, đến nay tính hiệu quả được cho là tương đương với hiệu quả của chương trình tại nhiều nước trên thế giới.

Điều trị bằng Methadone đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng Heroin, sau 24 tháng tỉ lệ này chỉ còn 15,87%. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48,5% bệnh nhân sử dụng trên 5 lần/ngày, 45,1% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6,3% bệnh nhân sử dụng tần suất 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên, sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.

Bệnh nhân giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV. Nếu trước điều trị có tới trên 86,9% số bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy thì sau 6 tháng điều trị tỷ lệ này chỉ còn 53,9% và sau 24 tháng giảm xuống còn 42,4% trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng. Phân tích tình trạng sử dụng chung bơm kim tiêm cho thấy tỉ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm giảm rõ rệt chỉ còn 2% trong nhóm bệnh nhân còn tiêm chích ma túy tham gia điều trị trên 24 tháng so với 21% trước điều trị.

Ảnh minh họa. tiengchuong.vn

Bệnh nhân tham gia chương trình Methadone đã có sự cải thiện về mặt sức khỏe (thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống). Đa số bệnh nhân cũng có chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống sau một thời gian điều trị. Thời gian bệnh nhân tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định về sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao.

Chương trình cũng đem lại nhiều lợi ích về an ninh, xã hội. Tỉ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng tham gia vào chương trình điều trị. Mâu thuẫn trong gia đình, xã hội củng giảm mạnh khi bệnh nhân tham gia điều trị. Tỉ lệ bệnh nhân có các hành vi bán và cầm cố đồ đạc, nói dối hoặc thậm chí cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy giảm nhanh chóng từ 90,3% trước điều trị xuống 2,27% sau 24 tháng điều trị.

Chương trình Methadone cũng mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế cho cá nhân, gia đình người bệnh và toàn xã hội. Tỉ lệ bệnh nhân có việc làm trước điều trị là 64,4% đã tăng lên 75,9% sau 24 tháng điều trị. Nếu không tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, trung bình một người bệnh tiêu tốn 230.000 đồng/ngày mua heroin (khoảng 84 triệu đồng/năm), trong khi đó, chi phí điều trị trung bình cho 1 bệnh nhân chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/năm. Hiện nay đang điềy trị cho 52.231 bệnh nhân thì đã tiết kiệm được khoảng 4.387 tỷ đồng/năm.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ