(Tổ Quốc) - Với Digital Marketing, du lịch Thừa Thiên – Huế hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.
“Digital Marketing” hay còn gọi là tiếp thị kỹ thuật số chính là việc sử dụng công nghệ số, Internet vào việc quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình, bằng mọi cách đưa sản phẩm và thương hiệu của mình đến với người dùng.
Sử dụng tiếp thị kỹ thuật số để đẩy mạnh phát triển ngành du lịch là hướng đi mới mà tỉnh Thừa Thiên – Huế đang hướng đến. Vấn đề này đã được đưa ra bàn luận trong Hội thảo “Vai trò của Digital Marketing trong xu hướng phát triển ngành du lịch Thừa Thiên – Huế” vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế và Tập đoàn Thiên Minh phối hợp tổ chức.
Xu hướng mới của du lịch hiện đại
Xuất hiện từ vài năm trở lại đây, Digital Marketing là một lĩnh vực rất quan trọng trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Với những ưu điểm của mình, Digital Marketing đang là một giải pháp để phát triển của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong đó có ngành du lịch. Thế nhưng hiểu rõ và biết cách vận dụng Digital Marketing như thế nào để mang lại hiệu quả thì chưa nhiều nơi làm được.
Hội thảo “Vai trò của Digital Marketing trong xu hướng phát triển ngành du lịch Thừa Thiên – Huế” vừa tổ chức tại TP. Huế đã chỉ ra một thực tế, so với nhiều quốc gia tại ASEAN, con số đóng góp trực tiếp GDP và số khách quốc tế của du lịch Việt Nam còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân chính xuất phát từ 4 vấn đề: thị thực, môi trường, quảng bá và sản phẩm.Trong những vấn đề trên phải kể đến hai vấn đề rất cần được quan tâm là quảng bá và sản phẩm du lịch.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thế Trung |
Hiện nay, ngân sách quảng bá du lịch của nước ta chỉ khoảng 2 triệu USD/năm, chiếm tỷ lệ % rất nhỏ so với các nước trong khu vực ASEAN trong khi đó ta vẫn chưa có được chiến lược xúc tiến quảng bá tập trung và hiệu quả. Chúng ta có nhiều sản phẩm du lịch nhưng những sản phẩm du lịch này chưa thực sự đặc trưng hay tạo ra nhiều đột phá mang tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu thì trường khách hàng tiềm năng.
Đối với Thừa Thiên – Huế, so với nhiều tỉnh khác đây là địa phương có nhiều thế mạnh trong xây dựng điểm đến di sản văn hóa đặc sắc, thành phố Festival mang nét đặc trưng của Việt Nam. Tuy nhiên do hình ảnh điểm đến chưa được quảng bá sâu rộng nên lượng khách thăm quan và lưu trú còn hạn chế. Điều này đã đặt ra câu hỏi, cần phải làm thế nào để quảng bá, giới thiệu được thương hiệu, các sản phẩm du lịch của Huế đến được với nhiều người hơn?
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Trọng Kiên – TGĐ, CEO Tập đoàn Thiên Minh cho hay, quảng bá du lịch thông qua Digital Marketing sẽ là giải pháp thiết thực trong xu hướng phát triển ngành du lịch của Thừa Thiên – Huế hiện nay.
“Digital Marketing đang trở thành xu hướng toàn cầu góp phần phát triển kinh doanh, đặc biệt cho ngành kinh doanh du lịch, khách sạn. Digital Marketing là cách tốt nhất để tiếp cận khách hàng một cách nhanh nhất nhờ vào sự phát triển của những yếu tố như công nghệ kết nối, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội”, ông Kiên nói.
Theo CEO Trần Trọng Kiên, quảng bá du lịch thông qua Digital Marketing sẽ tạo ra hiệu quả lâu dài dựa trên các lợi ích bởi so với maketing truyền thống chi phí của Digital Marketing hiệu quả hơn do tiếp cận được chính xác đối tượng khách hàng liên tục 24/7. Thông tin nội dung quảng bá cũng có thể điều chỉnh cho phù hợp. Việc phân vùng khách hàng cũng chính xác hơn. Việc đo lường tính hiệu quả cũng dễ dàng được thực hiện thông qua các công cụ phân tích kỹ thuật.
Khách hàng tin tưởng người quen thân hơn tất cả các kênh quảng cáo. Bằng việc ứng dụng mô hình truyền miệng thông qua các kênh xã hội sẽ cho phép người sử dụng chia sẻ, bình luận, đánh giá dưới trạng thái của những người dùng khác, đưa ra những ý kiến thực tế và chính xác.
“Digital Marketing không chỉ là giải pháp phát triển cho du lịch Thừa Thiên – Huế hiện nay, đây còn hứa hẹn sẽ là một xu hướng mới của du lịch hiện đại”, CEO Trần Trọng Kiên nhận định.
Ông Trần Trọng Kiên – TGD, CEO Tập đoàn Thiên Minh nói về Digital Marketing. Ảnh: Thế Trung |
Tìm chiến lược cho Digital Marketing du lịch Huế
Trong định hướng phát triển du lịch, tỉnh Thừa Thiên – Huế đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đón 5 triệu khách nội địa và quốc tế hàng năm và 7 triêu lượt khách năm 2025, đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới.
Để làm được điều này, ngoài việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hoàn thiện môi trường du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, ngành du lịch Thừa Thiên – Huế cũng đang hoà mình vào xu hướng chuyển dịch sang số hoá, ứng dụng nhiều hơn các hình thức của tiếp thị kỹ thuật số, đặc biệt trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch nhằm gia tăng cạnh tranh, tạo sự hấp dẫn cho điểm đến.
Theo thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế, toàn tỉnh hiện có có 590 cơ sở kinh doanh lưu trú với 10.516 phòng, trong đó khách sạn: 204 cơ sở với hơn 7.477 phòng; hiện có 5 khách sạn 5 sao, 13 khách sạn 4 sao, 10 khách sạn 3 sao, khoảng hơn 20 cơ sở homestay và 89 doanh nghiệp du lịch đăng ký hoạt động.
Hầu hết các khách sạn từ 1-5 sao và các doanh nghiệp du lịch đã có website riêng, và đều đăng ký dịch vụ với các trang mạng trực tuyến hỗ trợ dịch vụ đặt phòng như: Agoda, Booking.com, Expedia.com, Hotels.com, iVIVU.com, Chudu24.com, Mytour.vn, TripAdvisor, Airbnb, HotelQuickly,… Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế cũng có website giới thiệu thông tin du lịch chung của tỉnh.
Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong ngành du lịch tỉnh đã bắt đầu chú trọng về xây dựng và phát triển tiếp thị kỹ thuật số ở những hình thức đơn giản ban đầu. Tuy nhiên mức độ ứng dụng công nghệ chỉ ở mức cơ bản như website, thư email, facebook,.. nên chưa khai thác và tối ưu những lợi ích từ Digital Marketing.
Hầu như chưa có đơn vị nào có một chiến lược cụ thể, có chiều sâu về mảng này. Tổng thể phần tiếp thị kỹ thuật số của Thừa Thiên – Huế so với các tỉnh thành khác như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng còn nhỏ hẹp chưa mang lại nhiều hiệu quả cho các hoạt động của ngành du lịch.
Digital Marketing hứa hẹn sẽ là giải pháp tạo ra điểm nhấn, thu hút nhiều du khách đến với Huế hơn. Ảnh: Thế Trung |
Trước thực trạng này, tại buổi hội thảo các cơ quan ban ngành cùng nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ngồi lại cùng thảo luận nhằm đưa ra giải pháp, lựa chọn chiến lược để đưa du lịch Huế nổi bật trên môi trường Ditigal trong nước và quốc tế.
Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch nhận định: “Đây sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy ngành du lịch Thừa Thiên – Huế phát triển nhưng để làm được các đơn vị liên quan cũng cần phải lưu ý đến nhiều vấn đề. Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế phải xây dựng được một chiến lược phát triển cụ thể bám vào chiến lược phát triển chung của quốc gia. Nên biết tập trung vào thị trường nào là chính, hướng đến đối tượng khách du lịch chất lượng cao. Phải lựa chọn một công ty chuyên nghiệp để thực hiện công việc Digital Marketing với định hướng, mục tiêu rõ ràng. Khi đưa vào thực hiện cũng cần chú ý đến vấn đề pháp lý, thường xuyên có ý kiến đóng góp của các chuyên gia và đội ngũ kỹ thuật”.
Hội thảo diễn ra đã giúp nhiều người nhận thức được vị trí, vai trò và sự cần thiết của Digital Marketing đối với sự phát triển của ngành du lịch Thừa Thiên – Huế. Nhiều ý kiến khác cũng được đưa ra thảo luận sôi nổi tại hội thảo, đây sẽ là cơ sở để các đơn vị hình thành nên chương trình hành động cụ thể.
Ông Lê Hữu Minh – GĐ Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế cho hay: “Trong thời gian tới Sở sẽ tiến hành xây dựng một Hội đồng Tư vấn du lịch Huế với chiến lược Digital Marketing cụ thể gắn liền với chiến lược phát triển chung của tỉnh. Sở cũng sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện, có môi trường phù hợp để mọi người cùng tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng du lịch Thừa Thiên – Huế ngày càng phát triển hơn”.
Thế Trung