(Tổ Quốc) - Đây là thông tin mà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cung cấp tại cuộc họp báo của Bộ Y tế chiều 5/2 về dịch virus Corona (nCoV).
Trả lời câu hỏi của báo điện tử Tổ Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, thông tin đỉnh dịch nCoV tại Việt Nam vào 7 - 10 ngày tới là không chính xác.
Chiều 5/2, Bộ Y tế đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV).
Phát biểu tại buổi họp báo này, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, dịch nCoV bắt đầu từ Vũ Hán, đến thời điểm này con số mắc tăng rất nhanh, con số tử vong cũng tăng theo hằng ngày.
Tuy nhiên, hôm nay trên phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện dấu hiệu khả quan trường hợp nghi nhiễm giảm, số chữa khỏi tăng nhiều. Bộ Y tế cũng rất hy vọng vào nỗ lực của các giải pháp phòng dịch của Trung Quốc.
Nhắc lại câu chuyện chống dịch SARS của Việt Nam nhiều năm trước, khi Việt Nam chữa thành công ca bệnh đầu tiên, đó là niềm tự hào của ngành y tế Việt Nam.
Về nCoV, ông Nguyễn Thanh Long cho biết sau khi soi qua kính hiển vi, các chuyên gia thấy rằng chủ vi rút này có cấu tạo khá đơn giản nhưng khả năng lây lan rất nhanh. Chính vì vậy cần phải triển khai các biện pháp cần thiết.
nCoV3 có các phương thức lây chủ yếu đó là lây qua không khí, tiếp xúc với nước bọt của người ho, sổ mũi và đường hô hấp; lây truyền trực tiếp với người bệnh như bắt tay, nếu không rửa tay bằng xà phòng cũng có thể lây.
Đặc trưng của vi rút này đó là bám vào các vật dụng xung quanh là lâu nhất, đây là đường lây truyền rất quan ngại. Cũng có ý kiến cho rằng nCoV lây qua phân nhưng trường hợp này khó.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc phòng chống nCoV hiện nay chưa có vắc xin chưa có thuộc điều trị dự phòng. Chính vì vậy, cần phải tránh tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm, điều này rất quan trọng.
Thứ hai là tránh việc đào thải mầm bệnh ra môi trường, khi ho hắt hơi sổ mũi cần phải che bằng khẩu trang, giấy nhưng sau đó phải vứt đi và rửa tay. Tránh tiếp xúc với những bệnh nhân ở trong phòng kín.
Trả lời câu hỏi khẩu trang có phải là cứu cánh trong trường hợp này không? Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học chứng minh có lợi ích với người khỏe mạnh”.
Về thời gian thực hiện cách ly 14 ngày, Thứ trưởng Long cho biết thực ra đó là thời gian dài nhất nhưng thường thì khoảng dưới 11 ngày. Khi tổng kết 10 trường hợp mắc nCoV tại Việt Nam thì đa phần bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng, chỉ 1 trường hợp bệnh nhân Trung Quốc do nhiều bệnh lý nền nên mới cho thở oxy.
Về điều trị, Bộ y tế đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. “Chúng ta không quan tâm đến xây dựng bệnh viện dã chiến mà chỉ sắp xếp lại những cơ sở hạ tầng mà các bệnh viện đang có. Các địa phương đã chuẩn bị phương án phù hợp nhất” - theo Thứ trưởng Long.
Ông Nguyễn Thanh Long thông tin thêm, ngay từ đầu thì Chính phủ, Bộ y tế không che giấu bất kỳ thông tin nào, trong bối cảnh hiện nay thì không giấu được, có nhiều thông tin báo chí còn đưa trước.
Trên mạng xã hội có đưa nhiều thông tin không đúng, cụ thể như việc cần tích trữ lương thực, vàng là không đúng.
Thứ trưởng Long cũng thông tin, hiện có khoảng 900 người đã được cách ly tại biên giới, hầu hết là người Việt Nam./.