(Tổ Quốc) - Nếu công tác truyền thông định hướng việc làm vẫn đi theo cách làm truyền thống, chúng ta sẽ gặp rất nhiều bất cập về thời gian, công sức, tính hiệu quả.
Ngày 23/8 tại Thái Nguyên, Cục Việc làm (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức Hội nghị truyền thông về việc làm với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý và đông đảo cơ quan báo chí truyền thông.
Tại hội nghị đã đặt ra nhiều vấn đề về công tác truyền thông việc làm hiện nay, trong đó, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm lớn nhất là "Truyền thông định hướng việc làm trong thời đại cách mạnh công nghệ 4.0".
Bất cập trong cách làm truyền thống
Theo Ths nguyễn Hồng Anh, Giám đốc TT Phát triển Công nghệ giáo dục (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đắng Việt Nam) cho biết, hiện tại, với nhu cầu tuyển dụng của hơn 700 nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam, cùng việc cần thiết phải định hướng và nhanh chóng hỗ trợ sinh viên có cơ hội việc làm, nếu công tác truyền thông định hướng việc làm vẫn đi theo cách làm truyền thống, chúng ta sẽ gặp rất nhiều bất cập về thời gian, công sức, tính hiệu quả vì số lượng sinh viên đã lên tới con số khổng lồ là khoảng 1,8 triệu.
Nguồn tìm kiếm công việc của các sinh viên đã tốt nghiệp hiện nay chỉ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp hỗ trợ, tuyển dụng trực tiếp tại trường; thông qua ngày hội việc làm cho sinh viên...
Theo số liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn cho thấy, nguồn tìm kiếm công việc của các sinh viên đã tốt nghiệp hiện nay chỉ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp hỗ trợ, tuyển dụng trực tiếp tại trường; thông qua ngày hội việc làm cho sinh viên; các sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp của trường đại học; các mạng thông tin việc làm như vietnamworks, linkedin; thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp đăng trên website, internet, báo đài... Nếu chỉ nhìn qua những nguồn cung trên có vẻ khá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, những nguồn cung trên lại khá đơn lẻ, mang tính độc lập cao, sự liên kết yếu ớt.
Việc thiếu cập nhật thông tin và thiếu tính liên kết gây ra vấn đề là thị trường lao động chậm trong việc cung ứng việc làm cho sinh viên cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
"Việc bỏ sót các thông tin cần thiết để giúp sinh viên học sinh có hành trang vào đời, vào việc đã gây ra những phí tổn không nhỏ"- Ths Nguyễn Hồng Anh nhấn mạnh.
Xây dựng hệ thống xử lý mới
Theo báo cáo về thị trường ứng dụng đi động tại Việt Nam của Appota, tại thời điểm này, những con số về nhân khẩu học của Việt Nam được coi là đẹp nhất với lượng người tiêu dùng trẻ và thuộc tầng lớp trung lưu lớn. Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh cao, lên tới 72%, có mức tiêu thụ phương tiện truyền thông trực tuyến và thói quen chơi game di động cao. Sự gia tăng nhanh chóng về tỉ lệ sở hữu điện thoại và hành vi lên mạng bằng điện thoại lên đến 68%, Người Việt dùng smartphone để lên mạng xã hội chiếm 89% hành vi mỗi ngày.
Bên cạnh đó, 25% những người sở hữu điện thoại thông minh sử dụng internet trên di động thường xuyên, thực hiện nhiều tác vụ, dịch vụ khác nhau. 75% người Việt cầm lấy điện thoại trong 15 phút sau khi thức dậy, và chỉ 7% không dùng điện thoại tới 2 tiếng sau khi dậy. Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, 72% tổng số lượt truy cập các trang thương mại điện tử xuất phát từ điện thoại thông minh. 53% các giao dịch mua hàng trực tuyến thực hiện qua điện thoại.
Việc xây dựng Big Data có thể giúp giải quyết vấn đề của cách làm truyền thống (Ảnh: Machinelearningcoban)
Những số liệu trên cho thấy việc xây dựng, định hướng truyền thông việc làm theo cách làm truyền thống trở nên khá bất cập. Vì thế, một phương pháp để xây dựng công tác truyền thông hiệu quả tận dụng được lợi thế 4.0 đó là Dữ liệu lớn (Big Data).
Với những đặc trưng bao gồm Volume (Dung lượng); Variety (Tính đa dạng); Velocity (Vận tốc); Veracity (Tính xác thực), Big Data hoàn toàn có thể xử lý những bất cập hiện tại mà việc định hướng việc làm truyền thông không giải quyết được.
Những nguồn dữ liệu để xây dựng phục vụ cho công tác truyền thông định hướng việc làm là: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Các trường đại học và dạy nghề, các tổ chức phi chính phủ NGO, Số liệu nghiên cứu từ các công ty điều tra, phân tích trong nước & quốc tế, Số liệu từ World Bank, IMF..., Các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ, giới thiệu, cung cấp việc làm, các công ty săn đầu người..., chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp các nguồn dữ liệu việc làm thành một cơ sở dữ liệu lớn, đơn nhất, mang tính cập nhật liên tục.
Khi đã có được một cơ sở dữ liệu chung ban đầu, Big Data sẽ được duy trì tính cập nhật của dữ liệu, tiếp tục thu thập, xử lý, phân tích và sử dụng dữ liệu thông qua các ứng dụng OTT như Facebook, Messenger, Viber, Zalo, Wechat...Từ đó có thể xây dựng thêm các trường dữ liệu khác nhau.
"Những dữ liệu được cập nhật liên tục qua các nền tảng kỹ thuật số khác nhau thể hiện tính đa dạng của Big Data. Và để thực hiện được công tác này trên một lượng dữ liệu khổng lồ, có lẽ không còn cách nào khác là phải xây dựng được hệ thống AI, hoặc Machine Learning dựa trên đặc thù về dữ liệu... Hiện đây vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ đối với Việt Nam"- Ths Nguyễn Hồng Anh cho biết.
Dữ liệu lớn (Big Data) là một thuật ngữ cho việc xử lý một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp mà các ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không xử lý được. Dữ liệu lớn bao gồm các thách thức như phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và tính riêng tư.