• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đình làng trong tâm thức văn hóa Việt

08/02/2016 09:15

(Cinet) – Đối với mỗi người Việt từ thành thị tới nông thôn, đình làng luôn giữ vị trí vô cùng quan trọng bởi đây không chỉ là một địa điểm tâm linh mà đình làng còn gắn bó với cuộc sống thường nhật và là hình ảnh đi sâu vào tâm thức mỗi người dân.

Đình làng xứ Đoài. Ảnh nguồn Đình làng Việt

(Cinet) – Đối với mỗi người Việt từ thành thị tới nông thôn, đình làng luôn giữ vị trí vô cùng quan trọng bởi đây không chỉ là một địa điểm tâm linh mà đình làng còn gắn bó với cuộc sống thường nhật và là hình ảnh đi sâu vào tâm thức mỗi người dân.

Đình làng thường “nhộn nhịp” không chỉ vào dịp Tết Nguyên Đán mà lệ cúng đình làng được duy trì liên tục nhiều dịp mỗi năm như một hình thức tín ngưỡng văn hóa của người Việt.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì đình làng được tạo dựng lên phục vụ nhiều mục đích từ thờ tự, tế lễ, đồng thời là nhà hội đồng chung, là nơi xử kiện, nộp sưu thuế…đình làng cũng là nơi để vui chơi, tổ chức các hoạt động lễ hội của làng và đôi khi còn được xử dụng để làm lớp học.

Khởi đầu việc nghiên cứu có hệ thống các làng xã Việt Nam là do các viên chức cai trị người Pháp thực hiện khi họp chiếm lĩnh thuộc địa. L.Cadière đã viết trong nghiên cứu của mình: Đình là nơi thờ thành hoàng đồng thời là nhà chung của làng xã. Là một trú sở Việt của thần linh. (Trích dẫn từ sách Những bài dã sử Việt của nhà viết sử Tạ Chí Đại Trường). Đình làng còn được coi là biểu tượng của quyền lực làng xã, có chức năng như một ngôi nhà lớn của cộng đồng.

Vào những thế kỷ trước, mỗi làng đều có riêng một đình làng để thờ đức thành hoàng làng, phúc thần đồng thời cũng để có nơi hội họp hành chính, phục vụ những việc chung của làng. Chính vì vậy trong công trình nghiên cứu biên khảo Đình miếu và lễ hội dân gian, nhà văn Sơn Nam đã viết: “Xây dựng đình làng là nhu cầu tinh thần, có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ, bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, viên gạch rời rạc, một dạng “lưu dân tập thể”, mặc dầu làng lắm gạo nhiều tiền”.

Quan trọng là vậy nhưng theo dòng chảy của thời gian, đình làng mất dần đi chức năng gốc và trở thành đền thờ, chủ yếu tập trung vào chức năng tổ chức sinh hoạt lễ hội của làng, song vai trò gắn kết cộng đồng của đình làng vẫn còn ít nhiều duy trì được đến ngày nay. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: sự chuyển dịch chức năng là tất yếu trong xã hội phát triển và không thể tránh khỏi đói với đình làng Việt nói chung.

Ảnh trên: Đình Phương Bản

Ảnh dưới: Đình Phần xã Cổ Am



Mặc dù có những chuyển dịch chức năng như vậy bắt đầu từ thế kỷ 18, nhưng theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền thì: Đình làng là sản phẩm của dân tộc Việt Nam, mà không một cư dân nào trên thế giới có được. Kết cấu tổ chức làng xã của Việt Nam khác với tất cả các nước khác, nên đình làng chỉ Việt Nam mới có. Người Việt Nam muốn dựa vào tâm linh, dựa vào tôn giáo tín ngưỡng để làm bệ đỡ tinh thần cho mình, bởi vậy, họ sáng tạo ngôi đình để đề cao tín ngưỡng thờ cúng của mình, là nơi sinh hoạt cộng đồng thay cho tất cả các di tích khác và tạo nên được một thế cân bằng cho tâm hồn người Việt trong khủng hoảng tinh thần của xã hội, để người Việt Nam luôn là người Việt Nam. Và trên tinh thần ấy, ngôi đình góp phần cho người Việt yêu nước và bảo vệ sự tồn vong của dân tộc.

Cũng cùng quan điểm trên, Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng: văn hóa làng là cốt lõi của văn hóa Việt Nam trong đó đình làng là cốt lõi, là nơi tích tụ của văn hóa làng. Đình làng đảm nhiệm tới 4 chức năng một lúc, từ chức năng tín ngưỡng - tôn giáo, đến nhà văn hóa, nhà hành chính và là nơi hoạt động kinh tế.

Đó là cách lý giải có chuyên môn của các nhà nghiên cứu còn đối với người dân Việt nói chung thì đình làng đã và luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như trong tâm thức của họ.  Qua bao nhiêu thế hệ, cây đa, bến nước, sân đình đã là một hình ảnh quen thuộc, khắc sâu tới mức không thể thay thế hay xóa nhòa trong tâm trí.

Cho đến nay, cúng đình và lễ hội vẫn là hình thức sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu ấn tượng nhất của làng xã. Trong sinh hoạt tín ngưỡng đó, người dân vẫn tin vào sự phù hộ của các vị thần trong mùa màng và đời sống. Đồng thời việc cúng đình cũng chứng tỏ sức sống bền bỉ của tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng. Ngoài ra còn là minh chứng cho việc Đình làng là một biểu tượng của tính cộng đồng, tự trị dân chủ của làng xã. Ngôi đình chính là trung tâm văn hóa của làng được thể hiện rõ nhất và cô đọng nhất tại các lễ hội từ xưa đến nay.

Hình ảnh mái đình, sân đình cũng đã xuất hiện trên hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật từ hội họa, nhiếp ảnh cho tới sân khấu, điện ảnh chính vì vậy không chỉ người Việt mà bạn bè quốc tế cũng thân thuộc với hình ảnh Đình làng. Trong số những hình ảnh gợi nhớ hay nói cách khách là mang tính biểu tượng của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế thì Đình làng giữ vai trò rất quan trọng. Với tất cả những lý do nói trên, chúng ta có thể hiểu vì sao trải qua hàng trăm năm, qua bao biến cố lịch sử, Đình làng vẫn là một biểu tượng văn hóa, tâm linh trong tâm thức người Việt.

Có thể nói, đình làng không chỉ là hình ảnh quen thuộc đối với người dân nông thôn mà từ lâu đã trở thành hình ảnh không thể thay thế trong tâm thức mỗi người con đất Việt và là một trong những biểu tượng về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.



(Ảnh nguồn Đình Làng Việt)

NLH


 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ