(Toquoc)- Và, rốt cuộc, không gì khác, lục bát với thi sĩ họ Đinh dường như được đem lại và tỏa sáng từ chính nội lực hồn người, một vai trò chủ thể trước thế giới quanh mình. Trước những cơn khắc khoải, hoài thai mà nhà thơ cất lên thi hứng.
(Toquoc)- Sau gần chục đầu sách, khẳng định tài năng của mình trên con đường lao động, sáng tạo nghệ thuật, “Lặng lẽ một dòng sông” là sự tiếp nối một chọn lựa, một sở trường của Đinh Nam Khương với “thơ Lục bát.”
Không ít người cầm bút nói rằng: “Muốn biết người ấy có thực sự là thi sĩ hay không? Xin hãy đọc đôi ba câu lục bát của họ.” Với Đinh Nam Khương, từ những năm 1981 - 1982, ở cuộc thi thơ Tuần Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, chùm lục bát đoạt giải A, đã vinh danh tên tuổi chàng thi sĩ trẻ, tuổi “tam thập nhi lập” này trước niềm quý yêu, hẹn đợi của đông đảo công chúng.
Quả tình, dọc lộ trình thăng hoa, khai sáng chính mình, qua tiểu thuyết và thơ. Qua nhiều hình thức khám phá và thử thách, lục bát là bến bờ trội vượt trong thành công, neo đậu. Trong nguồn cội tâm hồn. Trong giọng điệu khá phong lưu, lấp lánh của Đinh Nam Khương, một thi sĩ của niềm yêu thương, mê đắm.
Khổng Tử viết: “Thi trí chi sở chi dã/ Trí Tâm chi sở chi dã…” Vâng. Lần theo lăng kính này. Lần theo bất cứ ngả tìm nào hay lát cắt nào có được. Người đọc luôn gặp một Đinh Nam Khương ở “Lặng lẽ một dòng sông,” ở “cái hồn,” “cái Tâm.” Cái dễ ngân rung, vang vọng. Cái khoảnh khắc tan hòa, giao nhập, ngỡ không nhìn rõ, cái ranh giới mong manh đâu là “hồn thi sĩ” với “cái vô biên độ” rộng-lớn-ngoài-ta. Bởi, từ một tiếng “Mưa đêm” Đinh Nam Khương đã nặng chìm với bao nhiêu nỗi niềm nhân thế, là thế:
Gió như là tiếng thở than
Mưa như người khóc từ ngàn năm nay
Đêm dài như cuộc chia tay
Nỗi buồn dăng khắp nơi này, nơi kia …
Đến phút giây “Thức đợi” nghe thiên địa chuyển vần, thì:
Đêm nghe lá rụng tơi bời
Chăn đơn đắp chẳng ấm người cô đơn…
Rồi từ “cái trực giác đã dẫn đến “cái linh” trong cái nhìn, cái cảm:
Kiến bay những lúc giở giời
Mỡ gà đầy cả khoảng trời chiều hôm…
Thật không thể nghi ngờ gì nữa. Lục bát với Đinh Nam Khương là trạng thái của phút giây khắc khoải. Của “hung trung vô ổn định.” Của gốc rễ “vạn sự sinh tình. Rồi, từ tình đã đẻ ra bao nhiêu cảm hoài, liên tưởng…
Bìa sách
Ở "Lặng lẽ một dòng sông,” sau những tập thơ: “Phía sau những hạt cát", "Đợi chờ gió và trăng", "Đá vàng", "57 lá bùa mê", rồi: "Hóa đá trước heo may"… Đinh Nam Khương đã đắp dầy thêm thế mạnh “lục bát” của mình, làm nên gương mặt thi nhân trong nét riêng hiển lộ.
Không gào thét. Không chủ tâm bới đào những góc khuất, xa lạ, dị kỳ. Thơ với Đinh Nam Khương có từ gió, từ mây. Từ mưa chiều, nắng sớm. Từ “Ánh trăng. Từ “Im lặng.” Từ một bóng “Áo dài.” Từ cái ngỡ như chẳng có gì. Nó giản dị, gần gũi quanh mình. Nó “tự hát lên.” Tự dạt dào, tỏa rạng từ con tim giàu có.
Người ta câu cá giữa đời
Tôi câu không lưỡi giật chơi đỡ buồn …
(Người ta và Tôi)
Thế đấy. Cái vu vơ, cái hồn nhiên, thanh thản. Cái “thoát mình.” Cái luôn gửi hồn mình vào mung lung vũ trụ đã làm nên “một Đinh Nam Khương,” “một lục bát” vừa đi, vừa da diết, vừa êm xanh, vừa nặng đằm dòng chảy.
Bám vào gốc rễ truyền thống, lấy sự bùng nổ của ngôn ngữ. Lấy tâm thế mới của người đi giữa cõi đời mà tỏ bày. Mà ngẫm ngợi cái “Thời,” làm sâu thêm cái muôn thuở là “Đời,” Đinh Nam Khương có những câu thơ nhiều ngẫm suy và lay động:
Đời như một khúc sông sâu
Ta người lơ đễnh ngồi câu trên bờ
(Thơ)
Hoặc, bám vào những gì “nhất niệm” mà nhà thơ phát hiện, kiến giải để tìm được “cái thiên thu” sau đó. Ví như:
Ái tình từ xửa xưa nay
Chông gai lẫn với cỏ may rất nhiều
(Ái tình)
Hoặc từ bao nhiêu cái đối diện, nó có từ đối thoại được dẫn về độc thoại nơi khỏa lấp bao khoảng trống hồn mình.
Ai người còn lại với ta
Cùng nhau đi tới sân ga cuối cùng
(Những ga tầu)…
Và, rốt cuộc, không gì khác, lục bát với thi sĩ họ Đinh dường như được đem lại và tỏa sáng từ chính nội lực hồn người, một vai trò chủ thể trước thế giới quanh mình. Trước những cơn khắc khoải, hoài thai mà nhà thơ cất lên thi hứng.
Không hăm hở lao vào những gì dồn xô, bề bộn nơi bề mặt của cuộc sống thường nhật mà khắc họa những bức tranh thế sự. Không cố tạo nhiều góc nhìn bằng nhiều lối ngắm nghía, xới lật. Có cảm giác một Đinh Nam Khương. Một thi sĩ như chính câu lục bát đang thanh thản, lặng xa. Đang chầm chậm thả êm từng bước trong nỗi niềm da diết. Trong nhấn nhá những cung bậc. Trong khắc khoải, ám ảnh. Trong cái dội vang ở bến bờ còn loang dài vệt chảy: Một hồn thơ giàu cảm rung, nhân ái. Một nhà thơ đã găm lại hồn người nhiều câu thơ tài hoa, đáng nhớ. Một khoảng sáng. Một tự thức “từ chân trời một người được mở ra chân trời tất cả…” *
Từ “Phía sau những hạt cát” đến “Lặng lẽ một dòng sông,” với Đinh Nam Khương, một nhà thơ từng năm lần giành được giải thưởng văn học trên phạm vi cả nước. Trong đó, hai lần đoạt giải chính thức, bậc cao cho thể thơ Lục bát ở các cuộc thi của Báo Văn nghệ. Người được nhân dân địa phương vinh danh thi sĩ trên đất quê mình.
Và như thế, qua “Lặng lẽ một dòng sông”… Cái lặng lẽ mà trầm sâu, xoáy xiết. Mà chảy dài về phương trời mà Đinh Nam Khương đã tới được bến bờ lộ trình. Của một thi nhân. Của một người cầm bút… hằng khát khao, mơ ước.
Kim Chuông
Nhà thơ Đinh Nam Khương Sinh năm: 1949 Quê quán: Hương Sơn - Mỹ Đức - Hà Nội Hội viên Hội nhà văn Việt Nam Hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội Đã in: Nén hương trên mộ người đàn bà (tiểu thuyết), 1992; Và các tập thơ: Phía sau những hạt cát, 2001; Đợi chờ gió và trăng, 2003; Đá vàng, 2005; Trên lối đi thời gian, 2007; Thơ tình Đinh Nam Khương, 2009; 57 lá bùa mê, 2009; Hóa đá trước heo may, 2011; Lặng lẽ một dòng sông, 2013 Giải thưởng: Giải A cuộc thi thơ 1981-1982 của Báo Văn nghệ Tặng thưởng bài thơ hay nhất 1992 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội Tặng thưởng chùm thơ hay nhất 2001 của Báo Văn nghệ Giải B cuộc thi thơ Lục bát 2002-2003 |
-------------------
* ÊluyA – Nhà thơ cộng sản Pháp.