• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dinh Tân Xá - Vẻ đẹp kiến trúc cổ giữa lòng đô hội

20/07/2016 09:09

(Cinet)- Nhắc đến Sài Gòn, người ta thường nghĩ tới một thành phố ồn ào, năng động với những công trình kiến trúc hiện đại, hào nhoáng. Nhưng trong dòng chảy tấp nập, hối hả ấy vẫn có những khoảng lặng rất đỗi bình yên…

(Cinet)- Nhắc đến Sài Gòn, người ta thường nghĩ tới một thành phố ồn ào, năng động với những công trình kiến trúc hiện đại, hào nhoáng. Nhưng trong dòng chảy tấp nập, hối hả ấy vẫn có những khoảng lặng rất đỗi bình yên…

Dinh Tân Xá. Nguồn ảnh: VNE



Dinh Tân Xá - ngôi nhà cổ nhất nơi đây nằm trong khuôn viên Tòa Giám mục, tọa lạc tại số 180 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1790, Nguyễn Ánh, 12 năm trước khi lên ngôi (Vua Gia Long năm 1802), cho cất một ngôi nhà bằng tre lợp tranh bên hữu ngạn rạch Thị Nghè, làm nơi trọ cho Giám mục Bá Đa Lộc dạy học cho hoàng tử Cảnh. Thừa sai Lestrade, ngày 3/5/1797, gọi ngôi nhà đó là dinh Giám mục, mặc dù nhà làm bằng tre tranh như bao nhiêu nhà khác trên đất Sài Gòn lúc bấy giờ.



Năm 1799, Nguyễn Ánh cho làm lại dinh Giám mục bằng gỗ lợp ngói. Sau khi Giám mục Bá Đa Lộc từ trần, ngôi nhà được làm nơi trọ cho linh mục thừa sai Liot từ 1799 đến 1811. Năm 1819, tác giả John White ghi nhận dinh Giám mục trở thành kho chứa quân cụ. Năm 1864, sau hoà ước Việt - Pháp, vua Tự Đức giao ngôi nhà gỗ lợp ngói đó cho Giám mục tiên khởi giáo phận Tây Đàng Trong là Đức Cha Dominique Lefèbre (1844-1864) để làm Toà Giám mục. Sau khi Đức Cha Lefèbre từ trần, thừa sai Colombert, thư ký của Đức Cha Miche (1864-1873), trọ tại Toà Giám mục đó, lui tới họ đạo Thị Nghè và Cầu Bông để thăm viếng giáo dân, và cử hành các bí tích cho cộng đoàn công giáo.

Trải qua thời gian và nhiều lần tu sửa, nâng cấp nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nét cổ kính vốn có.

Nguồn ảnh: VNE



Năm 1864 là cũng năm có quyết định xây dựng Thảo Cầm viên. Vì thế, thời gian sau đó ngôi nhà gỗ lợp ngói được dời về khu đất các thừa sai. Khu đất này, sau năm 1975 là Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, ở đường Alexandre de Rhodes, phía bên phải nhìn vào dinh Thống Nhất, song song với đường Lê Duẩn. Năm 1897, khi đề cập đến ngôi nhà gỗ lợp ngói đó, ông Trương Vĩnh Ký gọi là Dinh Tân Xá. Năm 1911, khi xây xong Toà Giám mục hiện tại, Đức Cha Mossard (1899-1920) dời ngôi nhà gỗ lợp ngói về chỗ hiện tại làm nhà nguyện Toà Giám mục. Năm 1962, Đức cố Phaolô Nguyễn Văn Bình cho xây tường gạch thay một số vách ván mục nát của ngôi nhà nguyện cổ. Năm 1980, Ngài cho gia cố một số cột mục. Năm 2011, khi Toà Tổng Giám mục Sài Gòn được 100 tuổi, ngôi nhà nguyện cổ được 212 tuổi.


 

 
Ngôi nhà được làm bằng gỗ với kỹ thuật ghép tinh tế. Nguồn ảnh: VNE



Mặt bằng ngôi nhà có dạng hình chữ "Nhất", tuy xây dựng phục vụ cho việc thờ thượng Công giáo nhưng ngôi nhà vẫn được quay về hướng nam theo quan điểm dựng nhà truyền thống của người Việt. Nhìn chung, ngôi nhà được dựng theo kiểu ba gian hai chái Nam Bộ với diện tích 136m2, trên mái có lợp ngói âm dương, dưới mái có 6 hàng cột chạy dài, mỗi hàng có 6 cột gỗ, gian giữa rộng nhất dùng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, khung cửa và các cánh cửa đều chạm trổ hoa lá như tạo thêm sức sống cho mặt tiền của căn nhà. Trên cao là một khám thờ bằng gỗ để mộc, chạm trổ các đề tài: "song phượng triều dương" ở trên, "tam phúc" ở bao lam, hình hoa lá ở phần chân.

Các chi tiết bên trong cũng được giữ gìn gần như nguyên bản. Nguồn ảnh: 24h.com



Chính diện gian giữa là nơi đặt án thờ cầu nguyện, hầu hết chi tiết bên trong được giữ nguyên từ hơn 200 năm trước. Tuy là một khám thờ Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria cùng Thánh Giuse qua các tượng bằng thạch cao, nhưng hai bên có cặp câu đối bằng chữ Hán lấy ý từ sách Trung Dung của Khổng Tử: "Thần chi cách tư, Đức kỳ thạch hĩ" (việc thần thánh không thể lường được, cái đức của thần thánh thịnh lắm thay). Dưới khánh thờ là một bàn lễ đặt trên bục gỗ cao, có một căn nhà tạm (nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa) đặt ở giữa. Ngoài ra còn có tượng thánh Têrêsa và thánh Antôn bằng thạch cao, đặt cao trên thân cột. Bên dưới là các dãy băng ghế dành cho giáo dân cầu nguyện.



Một điều đặc biệt là trên mái nhà lợp bằng ngói âm dương, riềm mái trước bằng ngói tráng men xanh, có phù điêu hình hai con rồng chầu một chiếc Thánh giá rất hiếm thấy.

Các họa tiết trang trí được khắc tỉ mỉ, công phu. Nguồn ảnh: VNE
Mái được lợp ngói âm dương với những họa tiết hoa văn viền tinh xảo. Nguồn: vietnamnet.vn



Về ý nghĩa của bức phù điêu trên đã có một số nhận xét khác nhau. Có nhà nghiên cứu cho rằng đó là sự kết hợp giữa hình tượng của tôn giáo phương Tây buổi đầu hội nhập với tín ngưỡng phương Đông. Chúng ta ai cũng biết rằng, rồng là một trong tứ linh (lân, long, quy, phụng) được xem trọng và có vị trí đặc biệt trong các thú linh ở các quốc gia phương Đông. Ở Việt Nam rồng là một trong các biểu tượng văn hóa cổ, được dùng để đặt tên cho nhiều nơi. Trên các đồ sứ cổ, trong các hình trang trí ở cung điện đền chùa Việt Nam ẩn hiện hình bóng rồng. Thân thiết từ bao đời như thế nên rồng gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt. Có lẽ để tạo hình mỹ thuật cho ngôi nhà cổ nhất Sài Gòn nói trên, nhà kiến trúc đã nghĩ đến việc đưa rồng tiếp cận với chiếc thánh giá để giúp cho toàn cục của phù điêu trở nên mềm mại và hợp nhãn hơn với người Việt Nam. Dù sao đi nữa, phù điêu hai con rồng uốn lượn quanh cây thánh giá trên nóc ngôi nhà cũng là một nét độc đáo mang ý hướng “Việt Nam hóa” những giá trị thiêng liêng tiếp nhận từ bên ngoài vào.



Trải qua hơn 200 năm tồn tại cùng lịch sử, mặc dù ngôi nhà có một số chi tiết đang xuống cấp nhưng do được trùng tu kịp thời nên vẫn gìn giữ được nguyên vẹn mỹ thuật kiến trúc. Ngày nay, mỗi khi tới Sài Gòn, người ta vẫn không quên ghé thăm dinh Tân Xá để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà cổ nhất nơi đây.



M.N (Tổng hợp: VNE, TP, plo.vn)

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ