(Tổ Quốc) - Trong một cuộc khủng hoảng, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt về nguồn lực Tài chính và Con người. Khủng hoảng do dịch bệnh chu kỳ thường ngắn, giờ nếu sa thải hết thì lấy gì phát triển trong tương lai? Ở góc độ người lao động, đây cũng là lúc nhìn cách doanh nghiệp hành xử với mình để đưa lựa nơi chốn gắn bó sau này...
Tính đến 16 giờ ngày 21/3/2020, đại dịch COVID-19 đã lan ra 181 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 280.000 ca nhiễm và hơn 11.400 ca tử vong. Tác động tới kinh tế từ đại dịch lần này không còn được so với dịch SARS năm 2003, mà được đưa lên bàn cân với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Trong cuộc khủng hoảng này, nhiều doanh nghiệp đang vật lộn sinh tồn, tìm cách cắt giảm chi phí.
Doanh nhân nào thời bình cũng khẳng định con người là tài sản quý nhất của công ty, nhưng trong khủng hoảng, con người là yếu tố hàng đầu được rất nhiều doanh nhân lựa chọn để cắt giảm
Doanh nhân nào thời bình cũng khẳng định con người là tài sản quý nhất của công ty, nhưng trong khủng hoảng, con người là yếu tố hàng đầu được rất nhiều doanh nhân lựa chọn để cắt giảm.
Tọa đàm "Covid-19: Doanh nghiệp chung tay vượt qua thử thách" do VnExpress tổ chức mới đây cũng nhận được câu hỏi từ một doanh nhân liên quan đến việc hành xử với nhân sự trong tâm bão COVID-19, cần nhắc việc nên sa thải hay giảm lương trong bối cảnh bài toán chi phí không còn kham nổi.
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Phú Trường - CEO Công ty Tư vấn Hội Nhập Toàn Cầu (GIBC) kiêm Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM cho rằng cách hành xử thế nào sẽ tùy thuộc vào kịch bản của doanh nghiệp.
Tùy vào dự báo khủng hoảng lần này kéo dài 3 tháng hay 6 tháng mà người doanh nhân sẽ đưa ra quyết sách phù hợp. Tuy nhiên, theo góc nhìn của ông Trường, đa số nền kinh tế sau thời gian khủng hoảng ngắn sẽ bật lên rất nhanh. Doanh nghiệp nào không sẵn sàng sẽ bị tụt hậu lại, bình bình như cũ hay thậm chí tệ hơn, nếu không có sự chuẩn bị.
"Sự chuẩn bị ở đây là về tiềm lực về Tài chính, và Con người. Nếu sa thải hết thì lấy gì phát triển trong tương lai? Ở góc độ người lao động, đây cũng là lúc nhìn cách doanh nghiệp hành xử với mình để đưa lựa nơi chốn gắn bó sau này", ông Trường chia sẻ.
Ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc ABC Bakery – đơn vị được báo Mỹ ca ngợi sau khi sáng tạo ra bánh mỳ thanh long để hỗ trợ nông dân giải quyết vấn đề đầu ra khi nông sản dồn ứ - cũng đồng tình với ý kiến này.
"Ở công ty, tôi coi công nhân là anh em. Bao nhiêu năm có được hôm nay là nhờ anh em, hôm nay mình gặp khó khăn lại tính chuyện sa thải họ, thực sự tôi làm không được. Công nhân là tài sản của tôi, tôi rất quý, tôi không dám nghĩ tới việc sa thải đó", ông Lực chia sẻ.
Khi câu chuyện sa thải nhân sự kéo theo một cuộc suy thoái kinh tế
Ảnh: Bloomberg.
Ở góc độ vĩ mô, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM phân tích: Khi người lao động bị sa thải, việc mất đi nguồn thu nhập sẽ kéo lực cầu giảm xuống, trở thành vòng xoáy kéo cả một nền kinh tế.
"Lúc ấy, khủng hoảng do dịch bệnh sẽ trở thành suy thoái kinh tế thực sự. Còn chúng ta cố gắng cầm cự, cố gắng xử lý vấn đề nhân sự, đảm bảo một số yếu tố, chúng ta có thể ngăn không cho dịch này biến thành một cuộc suy thoái kinh tế", ông Trường nói.
Ông Phạm Phú Trường - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM
Cùng chung ý kiến với ông Trường, ông Võ Minh Nhựt - Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam - so sánh giữa khủng hoảng do đại dịch và khủng hoảng kinh tế và cho rằng: Hai cuộc khủng hoảng này có khác biệt.
"Khủng hoảng do dịch bệnh chu kỳ thường ngắn, trong khi khủng hoảng kinh tế sẽ kéo dài vài năm", ông Nhựt nói.
Lấy ví dụ ảnh hưởng tới kinh tế từ dịch SARS năm 2003, ông Nhựt cho biết chu kỳ khủng hoảng do SARS kéo dài dưới 8 tháng, tức chỉ diễn ra trong một giai đoạn ngắn.
Nay thay vì giải quyết một bài toán ngắn hạn, doanh nghiệp nào cũng tính chuyện phải cắt giảm nhân sự, đẩy một lực lượng lao động lớn ra ngoài xã hội, sẽ tạo nên một gánh nặng rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
"Nhân viên hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn, nếu bị sa thải lại càng chồng chất thêm khó khăn hơn nữa. Chúng ta phải nhìn nhận rất tỉnh táo các kịch bản. Tôi vẫn cho rằng đây là kịch bản ngắn hạn và chúng ta phải bình tĩnh quyết định, tránh vấp phải sai lầm lớn hơn", ông Nhựt nói.
Một số gợi ý ứng xử với nhân sự của các doanh nhân:
- Cắt giảm một số chi phí không ảnh hưởng nhiều đến người lao động và khách hàng như chi phí Marketing, Thương hiệu
- Không tuyển mới hay thay thế nhân sự trong giai đoạn này thay vì nghĩ đến phương án giảm thiểu nhân viên
- Dùng hết ngày phép trong năm, thậm chí cho "mượn" trước ngày phép của năm sau.
"Có thể tôi sẽ không được quyền quyết định vì công ty có những chính sách từ tập đoàn đi xuống, nhưng trong phạm vi tôi có thể quyết định được, tôi sẽ không chọn phương án sa thải công nhân trong giai đoạn này".
"Nếu doanh số giảm tôi sẽ có biện pháp khác. Ví dụ cả người lao động và người sử dụng lao động cùng nhau giảm ngày phép mà chúng ta chưa sử dụng hết, hoặc cho mượn trước ngày phép sang năm. Những giải pháp này sẽ ít ảnh hưởng tới đời sống của người lao động nhất", Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam chia sẻ.
- Sáng tạo ra sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, thậm chí tạo cầu cho thị trường, từ đó hút thêm doanh số và tạo việc làm cho nhân viên, ông chủ thương hiệu bánh ABC gợi ý. Sau khi ABC cho ra đời bánh mỳ thanh long, thị trường xuất hiện thêm pizza thanh long của Pizza Home và burger thanh long của KFC.
- Bố trí nhân viên ở các công đoạn phải giảm năng suất do ít việc, bù qua các công đoạn cần tăng năng suất, đại diện Vissan hiến kế.
"Dịch này ngắn hạn chứ không thể dài hạn. Với cách quản lý tốt như Việt Nam, tôi nghĩ sẽ sớm dập tắt dịch", ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Vissan – nhìn nhận.