• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đỏ lửa giữ vị cay nồng món mứt nức danh xứ Huế ngày Tết

Văn hoá 30/01/2022 08:29

(Tổ Quốc) - Tuy gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các lò mứt gừng nức tiếng tại Kim Long (Thừa Thiên Huế) vẫn đỏ lửa để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn, qua đó cũng gìn giữ một nét đẹp trong những ngày Tết.

Món mứt nức danh kinh kỳ

Những ngày cuối năm, nhiều cơ sở làm mứt gừng tại phường Kim Long, TP Huế lại đỏ lửa vào vụ Tết. Đây được biết là vùng đất làm ra những mẻ mứt gừng thơm ngon vào loại bậc nhất xứ Huế.

Mứt gừng Kim Long được nhiều người biết đến không chỉ bởi hương vị thơm ngon đặc trưng mà còn bởi truyền thống lâu năm với nguồn gừng tươi sạch trồng ven thượng nguồn sông Hương. Củ gừng vùng Kim Long tuy nhỏ nhưng chắc, có vị cay nồng đặc trưng. Quy trình sản xuất hoàn toàn theo phương thức thủ công, không phẩm màu, không chất bảo quản.

Giữ vị cay nồng món mứt nức danh xứ Huế ngày Tết - Ảnh 1.

Các cơ sở làm mứt gừng tại Kim Long đỏ lửa ngày giáp Tết.

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (chủ lò mứt gừng Ánh Nguyệt – phường Kim Long) cho biết, mứt gừng được làm quanh năm, tuy nhiên tháng cuối năm thường làm số lượng lớn để phục vụ nhu cầu ngày Tết. Để có được những lát mứt gừng thành phẩm thơm ngon, người làm cũng phải trải qua nhiều công đoạn chế biến khá vất vả.

Theo đó, gừng tươi sau khi thu mua về sẽ được sơ chế bằng cách rửa sạch, gọt bỏ vỏ và phần bị sâu hỏng. Người làm mứt sau đó sử dụng những lưỡi thái được mài sắc lém để cho ra lát gừng mỏng đều, đẹp. Gừng sau khi thái sẽ được rửa sạch rồi đưa đi ngâm nước vo gạo khoảng một giờ, vớt ra để ráo sau đó sẽ được đun qua với nước sôi có pha ít nước cốt chanh trong vòng 5 phút.

Giữ vị cay nồng món mứt nức danh xứ Huế ngày Tết - Ảnh 2.

Để cho ra miếng mứt gừng cay nồng thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn chế biến.

Công đoạn quan trọng tiếp theo để cho ra những miếng mứt ngon chính là ngào đường, rim gừng... Những mẻ gừng mới ra lò sẽ được để ra nơi khô thoáng cho nhanh ráo rồi đóng gói để đưa ra thị trường.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Kim Long nguyên là phủ của Chúa Nguyễn, sau này vua Gia Long cấp đất cho các đại thần của mình xây nhà và ở đó. Ngày xưa chợ Kim Long chỉ dành riêng cho giới quan lại, quý tộc, do vậy những hàng ăn thức uống được bán nơi đây cũng mang những đặc trưng riêng, trong đó có các loại bánh mứt.

Người Huế rất coi trọng bánh mứt, bánh mứt ngày Tết không chỉ để tiếp khách mà còn để cúng gia tiên, ông bà. Từ đó những làng nghề làm bánh mứt khu vực Kim Long, trong đó có nghề làm mứt gừng cũng được hình thành để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của giới qua lại, quyền quý nơi đây.

Mứt gừng Kim Long có vị cay nồng nhưng cũng ngọt ngào không kém. Trong những ngày Tết, miếng mứt gừng thơm ngon được nhiều người lựa chọn để dùng chung với trà.

Gặp khó… vẫn đỏ lửa giữ nghề

Hàng năm, những ngày cận Tết, các cơ sở mứt gừng ở Kim Long không ngừng đỏ lửa. Người làm mứt cũng vất vả, không ngơi nghỉ tay để làm ra những miếng mứt thơm ngon đúng chuẩn mứt xứ kinh kỳ phục vụ cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên năm nay nhu cầu thị trường giảm. Việc sản xuất mứt chỉ cầm chừng, sản lượng mứt gừng làm ra không bằng như mọi năm. Người sản xuất, kinh doanh mứt gừng cũng gặp nhiều khó khăn.

Giữ vị cay nồng món mứt nức danh xứ Huế ngày Tết - Ảnh 3.

Đóng gói mứt gừng để đưa ra thị trường phục vụ ngày Tết.

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho hay, mọi năm từ đầu tháng chạp các thương lái các tỉnh phía Nam đã đặt mứt và các cơ sở cũng đã xuất hàng. Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng dịch bệnh nên số lượng đơn hàng đặt rất ít, sản xuất bằng một nửa năm ngoái.

"Giá mứt gừng Kim Long hiện giao động từ 70.000 – 90.000 đồng/kg, tùy loại. Cơ sở của tôi năm nay chỉ sản xuất cầm chừng, dự trữ từ 5 – 7 tạ mứt để bán dần giờ đến cuối năm thôi, chứ năm ngoái thời điểm này đã làm hơn 2 tấn rồi", bà Nguyệt chia sẻ.

Giữ vị cay nồng món mứt nức danh xứ Huế ngày Tết - Ảnh 4.

Mứt gừng Kim Long nổi tiếng cay nồng thơm ngon, nức danh xứ kinh kỳ.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Long (TP Huế) cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên số lượng người làm mứt trên địa bàn giảm nhiều so với mọi năm. Hiện chỉ có 3 hộ làm mứt quy mô lớn, còn lại là những hộ làm nhỏ lẻ phục vụ trong gia đình và tặng người thân khi Tết đến xuân về.

"Để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình làm mứt gừng, hàng năm chính quyền kết hợp với ngân hàng chính sách thông qua hội phụ nữ cho vay với lãi suất thấp đối với các hộ làm mứt gừng. Đặc biệt, tại các gian trưng bày, bán hàng hóa khi Tết đến xuân về thì sản phẩm mứt gừng Kim Long luôn được ưu tiên bày bán ở những vị trị thuận lợi để thu hút người tiêu dùng", ông Hiếu cho biết thêm.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ