(Tổ Quốc) - Nhận được bản thảo “Xác”, điều đầu tiên làm tôi chú ý là cách đặt nhan đề các tập thơ của Đỗ Thành Đồng. Từ “Cỏ vô danh” (2010), “Rác” (2012), “Rỗng” (2014) và đến “Xác” (2017) là một lịch trình sáng tác khá đều đặn (dù anh bén duyên thơ khi đã ngoại tứ tuần).
Tên gọi ba tập thơ sau “Cỏ vô danh” gọn, tối đa đến mức có thể: từ đơn. Nếu “Cỏ vô danh” chỉ chuyên chú vào thể thơ Đường luật, chưa hề có bóng dáng của thơ hiện đại thì đến “Rác”, đó là sự lột xác hẳn về đề tài và chất liệu, kĩ thuật mẫu tự; đặt dấu ấn cho những triết lý, chiêm nghiệm đúc rút từ bản thể đời sống; và đó cũng là nền tảng để Đỗ Thành Đồng bước vào lãnh địa thơ cách tân. “Rỗng” tiếp nối mạch nguồn của “Rác” nhưng cao trào hơn ở sắc màu tình yêu. “Xác” lại là điểm hội tụ, gặp gỡ giữa “Rác” và “Rỗng”: hiện thực được dựng lập như ma trận của một ván cờ chấp chới thực-ảo và những bài thơ tình lồng ghép ruột gan - trí tuệ.
Các tập thơ đã xuất bản của tác giả Đỗ Thành Đồng (ảnh nvcc) |
Hiện thực là nguồn sống nuôi dưỡng của văn chương. Nhưng hiện thực trong văn chương nếu chỉ là sự sao chép, chụp lại thì tất yếu tác phẩm sẽ chết ngay khi nó vừa ra đời. Thông qua phản ánh hiện thực, bất kì một người nghệ sĩ nào cũng có nhu cầu bộc bạch quan điểm, tư tưởng, tình cảm mà mình gửi gắm trong đó. Hiện thực khi được tắm táp trong bầu-không-lòng của mỗi người nghệ sĩ sẽ mở ra những góc nhìn, cảm quan khác nhau, tạo nên tính đa chiều của hiện thực. Hiện thực trong thơ Đỗ Thành Đồng được mô tả trực diện, thẳng thắn. Thái độ rạch ròi “rác của người này là máu của người khác” ở “Rác” cũng không kém phần quyết liệt trong “Xác”. Anh phản ánh đúng chân tướng của đời sống, gọi đúng bản chất của đời sống. Những chiều kích của lịch sử không hề bất ngờ, không hề lạ đối với con người khi bản thân nó luôn tồn tại hai mặt trắng-đen, thật-ảo:
thật ảo
ảo thật
đời gieo chuỗi hạt ngổn ngang”
(Ngổn ngang)
Ta thường xác định vòng tay để định lượng hạt. Còn cuộc đời này, thật-ảo tồn tại, gắn kết như hai mặt sấp ngửa của bàn tay, biết bao bất ngờ có thể xảy ra, cho nên việc dự đoán, xác định được giới hạn để phân biệt đâu là thật đâu là ảo không hề dễ. Đấy là lý do vì sao Đỗ Thành Đồng xem cuộc đời là một chuỗi hạt không hạn định, “ngổn ngang”. Con người trong môi trường đổ vỡ, “ngổn ngang” ấy, muốn tồn tại, tất yếu bị ảnh hưởng, chịu sự tác động từ nhiều phía. Trong cơ chế đời sống hiện nay, anh nhận ra: “… thế giới mỏng bàn tay/ lòng người trắng đen/ khuôn mặt ti vi lạ” (Lạ) liên tục chuyển kênh, liên tục co duỗi. Thế giới ấy còn được anh lột tả rõ nét hơn khi soi vào cận cảnh điểm nhìn, âm thanh: “(...) những ánh mắt màu chuông/ những nụ cười thắt/ chuỗi hạt/ không ai thêu dệt nổi tấm phông//(...) những nụ cười lưỡi câu/ những ánh mắt thắt/ số tám/ không ai mua bán nổi mo cau// (...) những ánh mắt lân tinh/ những nụ cười thắt/ lá cỏ ống/ không ai cho tặng cỗ quan tài” (Khuôn mặt). Không gian cuộc đời được mở rộng, biến ảo như một sân khấu tấu đủ bi hài kịch. “Rác” nhặt nhạnh những “đau lòng”, những xót đắng của cuộc đời rồi cân đo bằng chính mạch-thơ-máu của thi sĩ. “Xác” cũng xoáy vào không gian ấy. Nhưng điều khác biệt của “Xác” là không hoàn toàn lệ thuộc vào môi giới tương phản âm-dương, giàu-nghèo, sống-chết, thực-ảo,... như trước đây nữa, mà anh biết cách lý giải, chỉ ra ngọn nguồn, thiên về tư duy hình tượng tự nhiên hơn, gần hơn, giúp người đọc dễ dàng đồng cảm, chiêm nghiệm trước những biến cố của đời sống. Nghĩa là thi sĩ bày ra ma trận nhưng không để đó, đánh đố người đọc mà còn trao bản đồ và la bàn cho người đọc, để người đọc định vị, đưa ra phương án hợp lý trước những hỗn tạp của đời sống. Vì thế, với “Xác”, Đỗ Thành Đồng đã cởi bỏ được chiếc áo huyền ảo của sự thật, gọi tên và bày tỏ thái độ: con không hề lạ/ đêm sóng lừng ngày sóng thần/ nhọn hoắt lịch sử/ đáy biển xác người tham vọng (Lạ)
Những câu thơ thế sự sắc lạnh khởi từ ngữ ngôn tự nhiên như thế này, xét ở một góc độ nhất định, đã đi đến tận cùng âm vực cộc kệch của đời sống. Luồng gió thuần túy này tự thân dung chứa trong đó những bất an mà đôi khi thi sĩ chỉ cần những bước phác thảo đi về giữa những ký tự bản năng và lý trí là đã truy lật được vóc hình, thanh âm của nó. Với Đỗ Thành Đồng, một thi sĩ sở hữu 4 tập thơ và đã định hình được phong cách của mình thì điều này quá đỗi thuận lợi. Bài thơ “Xác” là một dẫn chứng:
anh ngửi thấy
mùi văn minh trong từng xác người
từ một bãi biển xa xôi
chân trời vỡ tiếng bom
những xác chết mang hồn sống
anh nhìn thấy
màu đêm trong đôi mắt xác cá
trên bãi biển miền Trung
mở những ngọn đèn
màu đỏ
anh nhận thấy
trong những xác ngày
mùi văn minh thơm như lời nói
màu biển xanh như lời nói
những cái xác
di động
anh nghe thấy.
Để dịch chuyển từ “ngửi thấy” - “nhìn thấy” - “nhận thấy” đến “nghe thấy”, Đỗ Thành Đồng lai ghép đa hình ảnh - âm thanh - cảm giác: biển xa xôi - xác người - tiếng bom - xác chết - xác cá - ngọn đèn màu đỏ - xác ngày - mùi văn minh - những cái xác di động. Cấu trúc chỉnh thể này lại sản sinh ra những tiểu kết cấu không hoàn chỉnh - đó là sự nứt gãy và cạm bẫy của hiện thực, là sự rời rạc, đứt đoạn, khoảng trống thăm thẳm của tình người. “Những cái xác” không nằm im mà “di động”, được thi sĩ “nghe thấy” là tín hiệu của sự phân rã, rạc rời, ngổn ngang của hiện thực đời sống. Thế giới và con người đang tồn tại trong hình hài của một cái xác đúng nghĩa - vô cảm, lạnh lùng, giả dối.
Thơ thế sự không hề dễ nếu thi sĩ non tay. Vấn đề người nghệ sĩ xử lý và đẩy nó vào thơ bằng cách nào để bật lên đặc trưng riêng của mình mới quan trọng. Chênh một chút về tư liệu, sự kiện thì sa vào trần trụi, tê liệt mạch cảm xúc. Chênh một chút về bản năng - nguồn sống của tâm hồn dễ bề rơi vào trạng huống nghèo nàn tư tưởng, triết lý. Nói như Lương Đức Thiệp: “Trật tự của “thơ” phải là trật tự của nguồn cảm xúc. Mà trí tuệ là dải đê, dãy đồi hướng dẫn cảm xúc xuôi dòng”(*). Thơ Đỗ Thành Đồng đảm bảo được trật tự ấy. Sự tiết chế giữa bản năng tự nhiên và tư duy lí trí đã giúp Đỗ Thành Đồng “tiêu hóa” những gập ghềnh, chông gai đã nói ở trên mà không ít người làm thơ còn mắc phải. Do đó, hiện thực của “Xác” vẫn đảm bảo được nguồn rung động tinh tế, sâu sắc và một tâm thế đầy bản lĩnh của thi sĩ. Mà quá bản lĩnh đi chứ! Đỗ Thành Đồng thẳng thắn định nghĩa “Những kẻ không thấy mặt trăng” và làm phép so sánh với chính mình quả là một cuộc đo lường mạnh mẽ, phô bày được tâm thơ trước sau như một của anh:
dưới ánh sáng bàng bạc
có những con mắt chỉ nhìn thấy lưỡi
những chiếc lưỡi chỉ biết liếm quanh mồm
những cái mồm chồng trên xác thịt
bầy đàn
là những kẻ không bao giờ nhìn thấy mặt trăng
đổi thay hằng ngày và tỉ tỉ năm không thay đổi
với những vòng khuyên nóng hổi
trong ánh sáng bàng bạc
tôi thức với giấc mơ.
Từ “Rác”, chúng ta đã bắt gặp hình ảnh "tôi lang thang thế gian/ túi ba gang đầy thơ và máu" (Nhặt); "tôi ôm thơ bên tượng/ nam - mô" (Nghiệp chướng) rồi, cho nên, việc đối sánh này ở "Xác" thêm lần nữa khẳng định sự dấn thân vì mục đích cao cả của sáng tạo nghệ thuật. Cần phải thấy rằng, ở đây không hề có sự lên gân, làm dáng, kiểu cách, mà lối tuyên ngôn bộc trực này, theo tôi, đã thể hiện giọng điệu, ngữ ngôn, cá tính riêng của Đỗ Thành Đồng. Việc anh ôm thơ, sống với thơ và bây giờ gieo quẻ bằng thơ thì quả là một tinh thần nhập cuộc cao độ rồi: "vượt qua thế giới của những gã thầy bói/ anh gieo quẻ bằng thơ" (Bất ngờ).
Thi sĩ vốn dĩ là người mang trong mình dòng máu nghệ sĩ, đa sầu đa cảm mà ông hoàng thơ tình - Xuân Diệu đã từng khẳng định trong bài “Cảm xúc”: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Bởi thế, năng lượng bản năng vô thức được xem như là tài sản vô giá mà không phải ai cũng cơ may sở hữu được. Tuy nhiên, “Tình cảm để bừa bãi đến hỗn loạn, tình cảm quá lãng mạn, có hại cho tài nghệ của thi sĩ”(**). Nghĩa là bên cạnh bản năng tự nhiên mà trời phú cần có sự hợp tác của tư duy để cấu tạo nên một chỉnh thể thơ độc đáo, biệt lạ. Trong tập “Xác”, có một nửa là thơ tình. Có thể xem những bài thơ ấy như là cuộc đối thoại giữa tôi và em về cuộc đời, tình yêu và lẽ sống. Điều đáng chú ý ở đây là đọc cõi thơ tình của Đỗ Thành Đồng, chúng ta không có cái cảm giác dềnh dang ướt át, chấn động ủy mị, bởi cái vô thức luôn được cất giấu tài tình trong cái ý thức. Hay nói cách khác, khi bản năng chịu sự kiểm duyệt của trí tuệ, cõi thơ tình vẫn ẩn giấu chiều sâu của hiện thực. Như vậy, thơ Đỗ Thành Đồng dù ở trạng thái hiển lộ hay ám dụ, đều cần ở người đọc góc cạnh tưởng tượng và kiến tạo. Thơ tình của anh ở trong tập “Xác”, so với các tập trước, khi dung chứa lát cắt của hiện thực, ít nhiều anh đã tạo dựng vũ điệu riêng. Nền nhạc tình nhưng khoảng lặng là những suy tư về bất trắc của cuộc sống.
Bìa tập thơ mới xuất bản của tác giả Đỗ Thành Đồng |
“Xác” khởi điểm từ những “câu thơ ruột gan”. Để viết nên “những câu thơ vàng mười/ câu thơ bầm máu” (Bên mộ danh nhân), nhà thơ phải biết đau với nỗi đau của chính mình, của người khác và của cả con chữ. Nỗi đau, nỗi cô đơn - duyên nợ truyền kiếp của người nghệ sĩ từng dày đặc trong “Rỗng”: “ta trần truồng bởi ta rất thật/ ta cô đơn bởi ta rất thật/ bước chân trần đi trong nhói đau/ sợ trái tim không về tới đích” (Chẳng có gì giấu được), nay, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh thi sĩ trong tâm thế đớn đau khi truy lật chính bản ngã của mình trước muôn nẻo sự đời: “câu thơ meo mốc đường ren/ ta ngồi giặt là dấu hỏi” (Hỏi); một mình/ đối diện với bức tường câm/ đớn đau với sự cứng cỏi/ à ơi// nỗi buồn (Giọng nói); “tôi đã trầm mình từ mấy ngàn năm trước/ cô đơn nổi lềnh phềnh” (Thở). Tuy nhiên, nếu ở “Rỗng”, Đỗ Thành Đồng mãi xô lệch cả kí ức, bươn tới thế giới ảo của giấc mộng để kiếm tìm khát khao hòa hợp, đồng điệu thì “Xác” lại là một không gian buồn, tĩnh lặng, đầy chiêm nghiệm, suy tư của thi sĩ. Dường như nỗi niềm cô đơn chưa một phút nào rời bỏ người thơ từng “trầm mình từ mấy ngàn năm trước”. Trước đây, dù anh có “lấp liếm”, “xé rách”, “vá lại”, “xóa đi” thì những cơn sóng tình vẫn dày vò anh, trái tim vẫn hoạt động theo lý lẽ riêng của nó: “anh lấp liếm nỗi nhớ này bằng một nỗi nhớ khác - xé rách niềm đau rồi vá lại - vẽ niềm vui rồi xóa đi - hàng cúc áo vẫn không che kín ngực” (Mùi hương - trong tập “Rỗng”). “Rỗng” là nơi anh giãi bày, trút bỏ, cởi bỏ chân thành, mãnh liệt, nương theo những quẫy đạp của trái tim. “Xác” vẫn chịu đựng những nhọc nhằn mà trái tim yêu mang đến nhưng nó không “ồn ào” như “Rỗng”, ngược lại, khi nhập cuộc với chông gai của số phận, thi sĩ biết cách hoá giải nỗi đau, tìm kiếm và thể hiện bản ngã của chính mình:
những sợi tóc chật lối đi
yêu thương cong mình từng cọng
hoàng hôn đồng lõa rác rưởi
bước chân giẫm phải nụ cười
ta về nhặt lại đêm qua
xòe tay cho hương trắng muốt
trăng
khờ khạo một hoa.
(May)
Cuộc đời vốn dĩ không bằng phẳng. Những khoảnh khắc u trầm của nó đôi khi lại là chất xúc tác, là nội lực thặng dư quyền năng cô đơn - vẻ đẹp riêng có của người nghệ sĩ. Ở đây, Đỗ Thành Đồng đã biến hóa nỗi đau, nâng lên thành cái đẹp tâm hồn: “Em tìm gì giữa con đường mưa bão/ những hố nước mặt cười/ rưng rưng sợ hãi/ níu bước chân về phía trái// đắng ngắt cơn mưa tẩy trần tội lỗi/ đan chéo vào nhau sự ham hố/ cái vuốt mặt khô như tàu lá chuối/ mặt trời rách// anh vẫn bước trên con đường ấy/ ngày cô đơn nở hoa/ đến đích sẽ thiếu// em/ đớn đau danh phận” (Danh phận). “Ngày cô đơn nở hoa” là một ý tưởng hay và cũng là tâm thức xuyên suốt những bài thơ tình của “Xác”. Ngày cô đơn, đớn đau khai sinh cũng là ngày phục sinh “màu trăng” tâm hồn. Tính chất phức điệu này là chìa khóa, là tín hiệu phát sáng cái tôi chủ thể: “mồ côi ý nghĩ/ tôi vay em/ đa nghi chính mình/ lãi chồng lên lãi// trong chiêm bao hấp hối/ hái vầng trăng trả nợ” (Vay). Vay trả là chuyện xưa nay. Nhưng vay nỗi đời mà trả “vầng trăng” thì đã soi rọi hết cái sinh khí thuần khiết của tâm tưởng. Có lẽ vì thế mà hình ảnh trăng xuất hiện khá nhiều trong các bài thơ của anh. Sắc vẻ trinh nguyên của trăng lay gọi, thức tỉnh, phục sinh tâm hồn thi nhân trước cõi đời thô rám: “anh tỉ mẩn nhặt hết hoàng hôn/ và mong ngóng đêm hạ huyễn/ có gió/ hương vị trinh nguyên/ thoát thai tử lộ// hy vọng ngày siêu thoát/ gặp gỡ mùi/ trăng” (Hy vọng). Hành động tỉ mẩn của Đỗ Thành Đồng đã được đền đáp, những cơn đau trở trăn, dằn vặt được dịch chuyển sang trạng thái khác - trạng thái thanh nhã. Con người như nhập cuộc với thiên nhiên, tưới tắm trong dòng nguyên khởi bình minh. Trong tập “Xác”, ánh sáng không thiên về huyền hoặc, ma quái nhưng vương giả để tái sinh bầu không tinh khiết của tâm hồn. Như thế, sắc màu này đã dự phần làm nên màu của tâm trạng, của tâm hồn khát khao hướng cái đẹp, của sự trân quý: “không có vị trí nào cho em/ nỗi cô đơn/ người tri kỷ/ tìm kiếm trong màu trăng hoàng anh tố nữ/ kiên nhẫn một con đường sắc/ hương (Vào đêm). Vậy, ở mảng thơ tình, ẩn sau những cảm xúc buồn đau là những lời gửi gắm của thi sĩ với cuộc đời. Thế gian dù có tối tăm trong màn đêm đau khổ, chia ly, mất mát thì ánh sáng của tâm hồn luôn lan tỏa, bẻ ghi những khúc quành phồn tạp, khuất tất. Ánh sáng của“Xác” đã chiếu vào ngực đời đêm đêm.
Nói về thơ, theo cảm quan riêng tôi, tôi vẫn thích những câu thơ tuôn chảy tự nhiên theo sự căng mọng của cảm xúc và theo tính chất phong nhiêu của con chữ hơn những câu thơ lý trí, nặng về kỹ thuật lồng ghép. “Xác” không hiện lên bằng âm bản mà bằng chính hình hài rất thực của nó: ngổn ngang, chua xót. Cho nên, đường vân của “Xác” đôi chỗ còn gấp khúc bởi sự chi phối nghiệt ngã của hiện thực, và đôi chỗ con chữ bị cô nén quá chặt, dễ dẫn đến cảm giác lựng khựng, phá bỏ mất dòng nhựa nóng bỏng của tâm hồn, chất sống của tập thơ. Trên cơ sở góc nhìn tương quan giữa các tập thơ của Đỗ Thành Đồng, tôi thấy anh đã có nhiều cố gắng đổi mới, có những nghiền ngẫm, tìm tòi, hoạch định lối đi cho mình. Cuối cùng, gạt qua một số hạn chế, với “Xác”, Đỗ Thành Đồng khẳng định được miền sâu lắng của tâm thơ, luôn ngả về phía thánh thiện, về ánh sáng tinh khôi của tâm hồn. Đây chính là yếu tố làm nên sức nặng cho cả tập “Xác”.
Hoàng Thụy Anh
--------
(*). Lương Đức Thiệp, Việt Nam thi ca luận và văn chương xã hội, Nxb Hội Nhà văn, 2016, tr.73
(**). Lương Đức Thiệp, Sđd, tr.73.