• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Doanh nghiệp đã đăng ký tới hơn 120.000 tỷ để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Kinh tế 13/06/2017 10:51

(Tổ Quốc) -Đại biểu Tô Ngọc Hạnh, Bình Phước đã chia sẻ về những thực tế khó khăn trong việc triển khai các dự án công nghệ cao thuộc gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.

Tại phiên chất vấn sáng 13/6, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, ngay sau khi Thủ tướng chỉ đạo về gói tín dụng 100.000 tỷ, các bộ, ngành đã bắt tay ngay vào triển khai.

Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc cùng với 8 ngân hàng thương mại để thúc đẩy thủ tục cho vay. Các doanh nghiệp đã đăng ký số vốn lên tới 120.000 tỷ. Mức lãi suất đưa ra chênh với lãi suất thương mại từ 0,5-1,5% tùy từng lĩnh vực. Hiện đã giải ngân được khoảng 30.000 tỷ đồng và xác định đây không chỉ là hướng đầu tư cho an sinh mà là ngành kinh doanh tiềm năng.

 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đà Nẵng.

Về những vấn đề đại biểu Bình Phước nêu như tài sản hình thành trên đất nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề: nhà kính, nhà lưới có giá trị hàng chục tỷ đồng tại sao không được hoàn thiện thành tài sản tín chấp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao.

“Thủ tướng đã yêu cầu không phải xin ai, bất kể nơi nào ứng dụng công nghệ cao là thực hiện với các tiêu chí như đưa hàm lượng khoa học, quy mô hàng hóa, những dự án được quy hoạch thành khu nông nghiệp công nghệ cao…  Trên tinh thần là mở bung nên không có rào cản gì. Các địa phương cần phải xúc tiến đầu tư, phối hợp… các bộ cũng sẽ phối hợp xử lý.”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại phiên chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đà Nẵng đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp đột phá của ngành nông nghiệp trong tiêu thụ nông sản chứ không phải là các giải pháp: tiếp tục, đẩy mạnh, tập trung nghiên cứu, rà soát… Bởi đó không phải là giải pháp đột phá.

Về tiêu thụ mặt hàng nông sản, Bộ trưởng cho hay, cần có thời gian tổ chức lại từng ngành hàng, trong một thời gian nữa, nơi này, nơi kia sẽ bị thừa- thiếu mặt hàng này hay mặt hàng khác.

“Chúng tôi đang tổ chức thành từng ngành hàng một, vùng nguyên liệu, chế biến liên thông thị trường. Ví dụ như Tây Ninh thời gian qua làm rất bài bản, ra thế giới xem họ cần gì rồi quay trở lại tỉnh khảo sát, quy hoạch lại nhà máy, vùng sản xuất. Đây là chặng đường gian khổ” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Trả lời về các giải pháp đột phá cho ngành nông nghiệp, Bộ trưởng cho hay, ngành đang rà soát theo hướng: nhóm trục sản phẩm quốc gia gồm những mặt hàng có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ đô la, từ đó dồn chính sách, quản lý, chỉ đạo vào khu vực đó với 10 sản phẩm quốc gia.

Trục thứ 2 là 10 sản phẩm của tỉnh như cây con lợi thế của tỉnh đó như xoài Đồng Tháp, Vải thiều Lục Ngạn… Thứ 3 là nông sản đặc thù của từng địa phương có sinh thái đa dạng.

“Từ những định dạng đó, ngành tập trung vào quy mô, tổ chức sản xuất, ở đâu, trách nhiệm cơ quan nào, chính sách ra làm sao…”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết./.

Song Đào, Ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ