• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Doanh nghiệp du lịch, lữ hành đề xuất sẵn sàng mua vắc xin để tiêm phòng sớm nhất cho người lao động

Du lịch 30/07/2021 07:30

(Tổ Quốc) - Khảo sát các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch vào tháng 6 vừa qua đã đề xuất lên Chính phủ nhiều nhóm giải pháp góp phần phục hồi cho ngành kinh tế không khói này.

Trung tuần tháng 6 vừa qua, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng) đã tiến hành cuộc khảo sát ý kiến doanh nghiệp (DN), Hiệp hội về đề xuất với 3 nhóm chính sách cụ thể.

Cụ thể là nhóm Chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; Chính sách tiếp tục hỗ trợ DN giảm thiểu thiệt hại, khó khăn trong dịch và nhóm Chính sách thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Đề xuất cho phép các doanh nghiệp vay lại 80% tiền ký quỹ lữ hành quốc tế

Theo đó, các DN trong lĩnh vực du lịch đã đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chính sách cho phép các doanh nghiệp vay lại 80% tiền ký quỹ lữ hành quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh. Các DN cho hay, theo quy định hiện hành, các DN không được vay khoản tiền đó. Trường hợp rút giấy phép hoặc rút tiền ký quỹ thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín, thương hiệu của các DN.

Doanh nghiệp du lịch, lữ hành đề xuất sẵn sàng mua vắc xin để tiêm phòng sớm nhất cho người lao động - Ảnh 1.

Nhiều đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch. Ảnh minh họa.

Đồng thời đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giảm thuế suất thuế GTGT cho các hoạt động du lịch đón khách quốc tế vào Việt Nam (Inbound) và các sản phẩm lưu trú phục vụ khách du lịch Inbound.

Theo Ban IV, Du lịch Inbound mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, giúp sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh mang tầm quốc tế, khiến cái nhìn của du khách Quốc tế với Việt Nam thiện cảm hơn. Về tổng thể Chính phủ không bị giảm thu ngân sách, bởi du khách sẽ đến nhiều hơn, đất nước thu được nhiều ngoại tệ hơn, và những doanh nghiệp kinh doanh Inbound sẽ tăng mức đóng thuế thu nhập DN nhờ chính sách này.

Phối hợp công tư để kích cầu và tiếp thị dài hạn với thị trường nội địa

Báo cáo mới nhất của Ban IV cũng cho hay, qua khảo sát, các DN ngành du lịch rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để hồi phục và phát triển du lịch với 3 vấn đề chính: Hồi phục "sức khỏe" cho các DN du lịch thông qua các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp; các biện pháp hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp du lịch. Thứ hai là hồi phục và phát triển du lịch nội địa và thứ ba là chuẩn bị mở cửa cho du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Ngành du lịch cũng rất cần sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương trong các vấn đề sau: Hỗ trợ và ưu tiên bảo vệ các DN tốt của địa phương; Xây dựng chiến lược và các kịch bản quản lý khủng hoảng trong du lịch; Hỗ trợ chiến lược chuyển đối số trong ngành du lịch.

Có chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp địa phương về chuyển đổi số và phát triển thị trường du lịch nội địa trong bối cảnh hoạt động du lịch tương đối ngừng trệ; Phối hợp công tư để kích cầu và tiếp thị dài hạn với thị trường nội địa; Đẩy mạnh liên kết vùng và xây dựng năng lực tổ chức, quản lý điểm đến theo vùng; Tổng kết những bài học điển hình của các DN tốt và phổ biến đến các DN khác tại địa phương.

Đề nghị xây dựng gói vay ưu đãi cho DN để đào tạo lại lao động

Kết quả khảo sát cũng cho biết, các ngành nghề bị "đóng băng" do tác động của đại dịch, đặc biệt là du lịch, dịch vụ nhà hàng, lưu trú… đều không thể giữ được người lao động. Người lao động trong các lĩnh vực này đã chuyển đối công việc, hoặc đang thất nghiệp dài ngày. Khi hoạt động trở lại sau đại dịch, thách thức với các DN này là không có lao động và phải bỏ ra chi phí vô cùng lớn để tuyển dụng, đào tạo lại lao động.

Do đó, các DN đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xây dựng gói vay ưu đãi cho DN để đào tạo lại lao động.

"Hiện để có một lao động trình độ Đại học, có thể giải quyết công việc độc lập, doanh nghiệp sẽ tốn không dưới 50 triệu (ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM) bao gồm cả chi phí tuyển dụng, đào tạo, thử việc, rủi ro thử việc...Nên gói hỗ trợ đào tạo lại lao động 1 triệu đồng/1 lao động không giúp được nhiều cho doanh nghiệp"- báo cáo khảo sát cho hay.

Do vậy, DN đề xuất cơ chế: Khoản vay với lãi suất ưu đãi được tính trên số lượng lao động DN cần đào tạo lại mà doanh nghiệp đề xuất. Tất cả các khoản vay này sẽ được xác minh lại cùng với kỳ khai thuế của DN. Nếu DN ký hợp đồng lao động mới, có đóng BHXH cho người lao động trong khoảng thời gian tính từ khi được giải ngân gói vay đến 12 tháng sau đó, sẽ được tính là khoản vay phù hợp với chính sách hỗ trợ DN đào tạo lại lao động. Với những DN không thể sử dụng hết gói vay ưu đãi, cho dù đã được giải ngân, sẽ phải trả lại số tiền đã giải ngân thừa, kèm theo lãi suất cho vay thương mại cho thời gian vay tương ứng ngay sau kỳ khai thuế tương ứng không quá 30 ngày.

Sẵn sàng mua vắc xin để tiêm phòng sớm nhất cho người lao động

Ngoài ra, các DN lớn trong ngành du lịch qua khảo sát đã cho hay, sẵn sàng mua vắc xin để tiêm phòng Covid-19 sớm nhất cho người lao động, vì đây sẽ là biện pháp hỗ trợ các DN và người lao động du lịch có cơ hội phục hồi các hoạt động du lịch.

Một số tập đoàn lớn trong ngành du lịch (như Vingroup, Sun Group...) sẵn sàng đồng hành với Chính phủ tìm kiếm, đàm phán, mua và tổ chức tiêm vắc xin Covid 19. Các tập đoàn này cũng sẵn sàng hỗ trợ chính quyền các địa phương để tiêm chủng cho người dân địa phương ở một số điểm đến du lịch trọng điểm (như Phú Quốc, Nam Hội An...) nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Vì thế, báo cáo đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế sớm có các quy trình, hướng dẫn để phối hợp hiệu quả nguồn lực công - tư trong việc thúc đẩy chiến dịch tiêm phòng này vì mục tiêu cao hơn cả là tạo cơ hội phục hồi cho cả một ngành kinh tế lớn.

Cuộc khảo sát đã thu hút sự tham gia của 21 hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc trong cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ cùng 01 tổ chức chuyên gia (Hội đồng Tư vấn Du lịch - TAB) và 01 tổ chức quốc tế (Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN), đại diện cho hơn 17.600 DN và hàng triệu lao động. Liên quan tới báo cáo kết quả cuộc khảo sát này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan chủ trì hoặc điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.


Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ