(Tổ Quốc) - Đó là chia sẻ của các doanh nghiệp khi tham gia Hội thảo Nghị định 86 về kinh doanh vận tải ô tô đang được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) lấy ý kiến, trình Chính phủ thông qua. Hội thảo được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 21/8 tại Hà Nội.
Có lợi ích nhóm hay không?
Theo đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi (TP HCM) thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải “sống dở, chết dở” để hoạt động theo những quy định mang tính làm khó và liên tục điều chỉnh, thay đổi. Bản thân công ty cũng đã nhiều lần gửi văn bản góp ý đến Bộ Giao thông - Vận tải, nhưng đến nay vẫn có nhiều ý kiến chưa được tiếp thu và điều chỉnh.
Đai diện Công ty Thành Bưởi phát biểu |
Cụ thể, đại diện đơn vị này đã chỉ ra rằng, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ- CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, còn rất nhiều nội dung chưa phù hợp, bất cập, cấm đoán hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, can thiệp sâu vào việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Dự thảo Nghị định thay thế cắt bỏ được 12 điều kiện kinh doanh nhưng lại bổ sung và tăng cường tới 85 điều kiện đăng ký kinh doanh. Trong đó tổng số đăng ký kinh doanh bổ sung là 64, tổng số đăng ký kinh doanh được quy định theo Bộ giao thông vận tải là 21. Điều này chẳng khác nào đánh đố doanh nghiệp”, đại diện công ty Thành Bưởi bức xúc nói.
Ngoài ra, trong Dự thảo Nghị định thay thế còn có quy định “Đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết hợp đồng vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 01 hợp đồng”. Về điều này, đại diện Công ty Thành Bưởi cho rằng trái với Luật Doanh nghiệp, đồng thời làm khó cho doanh nghiệp vận tải cũng như gây thiệt hại cho người dân (khách hàng). “Ví dụ một gia đình có 5 người muốn đi hợp đồng xe giường nằm hoặc muốn đi ghép với các cá nhân khác để giảm chi phí, nhưng quy định là phải thuê nguyên một xe, chẳng khác nào việc thuê một phòng để ngủ nhưng phải bao trọn cả khách sạn…”, đại diện Công ty Thành Bưởi nhấn mạnh.
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị mình cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải nói chung đang gặp phải, ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) cho biết, “Việc quy định đơn vị kinh doanh vận tải không được gom khách, không được xác nhận đặt chỗ cho từng khách đi xe, không được bán vé và thu tiền cho từng khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau…Đây là các quy định mang tính cảm tính, áp đặt, không có quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Những quy định này mang tính chất triệt tiêu cái mới, bảo hộ cho doanh nghiệp xe tuyến cố định. Chúng tôi đặt ra câu hỏi rằng có lợi ích nhóm hay không và có phải đây chính là chính sách mang tính chất triệt tiêu xe hợp đồng hay không?
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan trả lời PV |
Cùng chung cảnh ngộ “sống dở, chết dở” vì quy định mang tính làm khó doanh nghiệp, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM nói: "Thời gian qua, chúng ta chứng kiến nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã chuyển qua tay các tập đoàn kinh tế và ông chủ nước ngoài…Chúng tôi có cảm nhận Dự thảo có ý tạo cho xe hợp đồng điện tử (Grab) cơ hội tiếp tục lấn át, lũng đoạn để triệt tiêu taxi chính thống. Rất có thể đây sẽ là lần cuối cùng các Hiệp hội Taxi Việt Nam được tham dự diễn đàn này nếu các chính sách không được Bộ Giao thông - Vận tải thay đổi, điều chỉnh…
Đi ngược với chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hãng luật Basico cho biết, trong khi Luật giao thông đường bộ năm 2008 giữ nguyên, nhưng 3 Nghị định số 91, 93 và 86 thì liên tục thay đổi theo hướng quá khác nhau “nếu tốc độ soạn thảo văn bản nhanh hơn, thì tốc độ thay đổi còn lớn hơn nữa….10 năm phải thay đổi tới 4 Nghị định đã chứng tỏ quy định bất cập, vô lý, vướng mắc. Nghị định 86 đã tạo ra quá nhiều quy định bất hợp lý, gây rất nhiều khó khăn, tiêu cực, đội chi phí, tăng giá thành vận chuyển.
Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến |
“Những nội dung thay đổi trong Dự thảo không phải đổi mới, càng không phải là đột phá mà chỉ mới là sửa chữa sai lầm, nhầm lẫn, vô lý, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, Dự thảo này đã trình Chính phủ tới 4 lần và chuẩn bị lần thứ 5, tức là đã được soạn đi, soạn lại, trình lên, trình xuống vẫn không đạt yêu cầu. Lần trình Chính phủ vào ngày 30/12/2016, nếu khi ấy được Chính phủ ban hành, thì giờ cũng phải sửa đổi lần nữa. Theo tôi, dù Dự thảo này có được ban hành hay không trong thời gian tới, thì cũng cần cấp bách sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, vì đã ban hành được 10 năm, trong đó có những cái đang bị vô hiệu hóa…”, ông Trương Thanh Đức phân tích.
Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 mà Bộ Giao thông - Vận tải soạn thảo cần được xem lại vì đang đi ngược lại với cải cách hành chính. Quy định rất nhiều về phát triển kinh doanh điện tử, về 4.0 nhưng thực chất là làm khó cho doanh nghiệp và không hiệu quả.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc quy định các nhà xe phải lắp camera giám sát cho xe ô tô sẽ gây lãng phí lớn, trong khi đã có hộp đen.
"Với 340.000 ô tô hiện nay, mỗi cái camera chi phí 4 - 5 triệu đồng, phí duy trì 120.000 đồng/xe/tháng. Mỗi năm, các doanh nghiệp mất thêm từ 1.500 đến 1.900 tỷ đồng/năm. Điều này có hiệu quả hay không? Trong khi đó, người phải chịu thiệt trực tiếp từ điều này không ai khác chính là khách hàng – người dân khi sử dụng dịch vụ vận tải. Chúng ta cần làm sao để các doanh nghiệp chủ động sáng tạo, chủ động tuân thủ áp dụng theo luật chứ không phải lách luật và làm luật như hiện nay", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói./.
Bài, ảnh: Vi Phong