(Tổ Quốc)-Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phàn nàn về bức xúc nổi cộm hiện nay: tình trạng tham nhũng.
(Tổ Quốc)-Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phàn nàn như vậy về bức xúc nổi cộm hiện nay: tình trạng tham nhũng.
Chiều 24/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá về nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Dẫn lại thông tin trên báo chí, ông Giàu cho hay, tham nhũng đang gây bức xúc nhất hiện nay và các doanh nghiệp Nhật nói rằng, chi phí dưới gầm bàn là nỗi sợ lớn nhất khi làm ăn ở Việt Nam.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa được báo cáo của Chính phủ phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng
Về vấn đề này, theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa được báo cáo của Chính phủ phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm.
Trong đó, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tình trạng lãng phí còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu…
Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật còn cho rằng, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để, vẫn còn tình trạng luật được ban hành và đã có hiệu lực pháp luật nhưng phải chờ nghị định, thông tư để thực hiện.
Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách hành chính, nhưng ông Phan Trung Lý cũng cho rằng, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”; bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh... tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao…
Trước đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định đã trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những kết quả quan trọng trong điều hành như kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối, đã bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giữ được hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội …
Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Trong đó có việc thể chế hóa, ban hành các kế hoạch, chương trình hành động… trong một số lĩnh vực và ở một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng. Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực còn chậm được hoàn thiện. Việc thực thi pháp luật có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả…
Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, Chính phủ cũng nhìn nhận việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và chăm lo đời sống nhân dân nhiều mặt còn hạn chế; Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi…/.
Thái Linh