• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Doanh nghiệp nói gì khi sắp chịu sự “quản thúc” của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước?

Kinh tế 12/03/2018 07:49

(Tổ Quốc) - “Có thể sau này chịu sự quản lý của Uỷ ban rồi thì chức năng, nhiệm vụ, chiến lược, công tác cán bộ... của doanh nghiệp sẽ được rà soát, điều chỉnh. Nhưng dù Uỷ ban hay Bộ quản lý thì doanh nghiệp vẫn phải lo hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm, thu nhập, an sinh xã hội... cho người lao động”, ông Phan Xuân Quế - Chủ tịch HĐTV, Tổng Công ty lương thực miền Bắc  (Vinafood 1) cho hay.

Đến thời điểm này, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức được thành lập theo Nghị quyết 09 của Chính phủ.

Ông Phan Xuân Quế - Chủ tịch HĐTV, Tổng Công ty lương thực miền Bắc  (Vinafood 1)       (Nguồn: Báo Hà Tĩnh)

Theo đó, sẽ có hơn 20 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là các tập đoàn, tổng công ty (TCty) có quy mô lớn sẽ được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay vì đang chịu sự quản lý của các bộ như hiện tại.

Đơn cử như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam với tổng tài sản ước tính trên 66.837 tỷ đồng. Tổng Công ty Lương thực miền Nam –  doanh nghiệp được đánh giá lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc với tổng tài sản ước tính trên 10.600 tỷ đồng. Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam với tổng tài sản ước tính trên 5.700 tỷ đồng, Tổng Công ty Càphê Việt Nam…

Ngoài 5 DNNN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có 17 tập đoàn, tổng công ty khác cũng sẽ chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đặc biệt, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng sẽ chịu sự quản lý của Uỷ ban. Đơn vị này mà không còn trực thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, SCIC vẫn là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các bộ, UBND cấp tỉnh…

Trước đó, tại buổi Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng việc tách chức năng quản lý chính sách của các bộ ra khỏi chức năng quản lý doanh nghiệp là đúng, vì nếu để như vậy sẽ mâu thuẫn lợi ích cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế.

Ông Tuyển dẫn chứng thực tế rằng, thời gian đầu nhiệm kỳ ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Bộ Công Thương (2011-2016), Tổng công ty Thép Việt Nam có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Khi Cục Quản lý cạnh tranh chuẩn bị đi kiểm tra theo luật, thì lập tức một thứ trưởng phụ trách ngành công nghiệp thép chỉ đạo không được làm.

“Vậy khi thành lập Ủy ban này thì quản như thế nào?” ông Tuyển đặt câu hỏi. Ông cho rằng, không ai có thể quản được số lượng lớn DNNN. Do đó, việc tách ra phải đi đôi với đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, với quan điểm “những gì Nhà nước không cần thì bán hết”, qua đó số đầu mối DNNN sẽ gọn lại.

Chuyên gia Võ Trí Thành cũng thể hiện đồng tình với việc thành lập Ủy ban vì cơ quan này sẽ giảm thiểu xung đột lợi ích ở các bộ.

“Nếu làm quyết liệt thì sẽ đẩy nhanh được việc thu nhỏ khu vực DNNN trước khi có thể quản lý các DNNN một cách hiệu quả”, chuyên gia Võ Trí Thành nói.

Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc, đại diện phía doanh nghiệp, ông Phan Xuân Quế cho biết, Vinafood 1  vốn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) nên mọi định hướng, hoạt động của doanh nghiệp đều thực hiện đúng theo văn bản pháp luật của Nhà nước.

“Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập với chức năng tách  bạch sự quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp của các bộ chủ quản. Đây là Nghị quyết của Đảng, Nhà nước nên chúng tôi hoàn toàn chấp hành. Hơn nữa, việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được các cơ quan nghiên cứu, lãnh đạo Chính phủ....bàn thảo, tính toán kỹ ở mọi góc độ”, ông Phan Xuân Quế cho hay.

Theo đại diện Vinafood1, có nhiều ý kiến cho rằng Bộ vừa là chủ sở hữu doanh nghiệp lại vừa ban hành chính sách thì các doanh nghiệp của Bộ quản lý sẽ được ưu ái hơn, tạo ra sự không bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Tuy vậy, đó cũng chỉ là ý kiến chứ một khi quy định ra đời thì mọi doanh nghiệp đều phải thực thi. Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ra đời dẫu sao cũng sẽ tách bạch điều này, để Bộ không phải quản lý vốn nữa.

“Uỷ ban sẽ thay mặt nhà nước quản lý phần vốn của nhà nước hiện nay đang nằm rải rác ở các Bộ. Uỷ ban sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội và cả người dân về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Uỷ ban cũng sẽ cân nhắc hiệu quả đầu tư, từ đó luân chuyển, xử lý vốn sao cho phát huy hiệu quả nhất nguồn lực, chứ như hiện nay các doanh nghiệp đang nằm rải rác tại các Bộ thì không thực hiện được”, ông Phan Xuân Quế cho biết.

Trước nhiều quan điểm e ngại về việc Uỷ ban sẽ gặp không ít khó khăn khi phải quản lý trên 20 doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, theo ông Quế, do Uỷ ban mới thành lập nên sẽ có những cục, vụ quản lý chuyên trách tại các Bộ góp phần với Uỷ ban giải quyết các vấn đề theo từng lĩnh vực.

Còn đối với doanh nghiệp, ông Quế chia sẻ, Vinafood 1 cũng chưa có thay đổi gì vì việc thành lập Uỷ ban cũng chỉ mới bắt đầu. Nghị định chính thức chưa có bởi Bộ KH&ĐT hiện còn đang lấy ý kiến. Doanh nghiệp cũng chỉ mới đóng góp ý kiến cho dự thảo.

“Có thể sau này chịu sự quản lý của Uỷ ban thì sẽ có việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, điều chỉnh về chiến lược, kế hoạch, công tác cán bộ... liên quan đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước mắt thì chưa có gì cả. Mọi hoạt động, định hướng chúng tôi đều đang thực hiện theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Chỉ tiêu, nhiệm vụ vẫn do Bộ giao, còn Đảng uỷ khối doanh nghiệp Trung ương quản lý về công tác Đảng... Vì thế, tôi cho rằng, Vinafood 1 sau này thuộc quản lý của Uỷ ban thì cũng không thoát khỏi khung pháp lý mà hiện nay các doanh nghiệp, tổng công ty đang thực hiện. Sẽ không có gì quá xáo trộn. Về lĩnh vực hoạt động, chuyên ngành có những việc vẫn do Bộ NN PTNT tham mưu. Ví như về chiến lược xuất khẩu lúa gạo, tổ chức sản xuất như thế nào...? Hoặc chế độ, chính sách... cho người lao động thì chúng tôi vẫn phải làm việc với bộ LĐ-TB-XH như trước đây.

Do vậy, dù Uỷ ban hay Bộ quản lý thì doanh nghiệp chúng tôi vẫn phải lo hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập, an sinh xã hội cho người lao động”, ông Phan Xuân Quế khẳng định./.

Hà Giang

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ