• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Doanh nghiệp tư nhân vẫn bị chi phí “đè nặng”

Kinh tế 30/05/2017 21:44

(Tổ Quốc) - Doanh nghiệp tư nhân tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho đất nước thế nhưng vẫn bị coi rẻ, bị “đè nặng” bởi chi phí.

Nhiều chuyên gia kinh tế cùng chung quan điểm như vậy tại Hội thảo Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và Phát triển kinh tế tư nhân diễn ra chiều 30/5 tại Hà Nội.

Ảnh: Hà Giang

PGS.TS  Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, trong những năm vừa qua, một làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra, đem lại sức sống mới, năng động hơn cho nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân đang góp phần tích cực giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cơ bản của đất nước.

Tuy nhiên, sự phát triển của khối doanh nghiệp này ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản, khiến cho khu vực này chưa phát huy được hết tiềm năng để thực sự đóng vai trò là “động lực quan trọng của nền kinh tế” cũng như đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh phát triển mới cả trong nước và quốc tế.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, các rào cản có liên quan đến khung khổ pháp luật, việc thực thi các quy định đối với hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân, rào cản liên quan đến chi phí không chính thức, rào cản liên quan đến hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân…

“Việc phải trả các khoản chi phí không chính thức là một gánh nặng lớn mà các doanh nghiệp ngoài nhà nước phải đối mặt ở Việt Nam. Giá trị của các khoản chi phí không chính thức so với doanh thu của các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng tương đối lớn. Bên cạnh tỷ lệ tương đối lớn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (khoảng 65%) và doanh nghiệp vừa (62%) cho rằng, có “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn dẫn chứng.

Hiện đóng góp GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước duy trì ở mức gần 50% GDP, riêng khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên dưới 11% GDP hàng năm. Tuy tốc độ tăng giảm hàng năm không đều song kinh tế ngoài ngoài nhà nước vẫn chiếm khoảng 37% – 38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tạo công ăn việc làm cho trên 86% tổng số lao động toàn xã hội và tạo công ăn việc làm cho trên 86% tổn số lao động toàn xã hội.

T.S Trần Đình Thiên cho rằng, ba khu vực: kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân và FDI trong thời gian qua đều không cải thiện về chất lượng tăng trưởng. Kinh tế tư nhân được hô hào nhưng khu vực này cũng chưa thực sự phát triển mạnh vì còn quá nhiều rào cản.

So sánh giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trong khi doanh nghiệp FDI dù có đóng góp cho tăng trưởng GDP, tăng thu ngân sách nhưng lại nhập siêu lớn, tách rời khỏi các khu vực kinh tế khác.

“Như vậy, chúng ta sẽ xuất hiện nhiều vùng kinh tế, nhiều nền kinh tế. Điều đó đã thỏa mãn với việc chúng ta trải hàng loạt thảm chính sách cho họ hay chưa?”, ông Trần Đình Thiên đặt câu hỏi.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cùng sống trong một hệ sinh thái, cùng một môi trường kinh doanh, đầu tư nhưng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước được thừa hưởng rất nhiều lợi thế từ: đất đai, thị trường, chính sách… Như vậy thì doanh nghiệp tư nhân không thể phát triển được.

“Chúng ta phải tìm cách giải tỏa điểm nghẽn, nút thắt, sự bất bình đẳng từ môi trường đầu tư để cho doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh”, ông nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp để gỡ rối cho doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực cho khu vực doanh nghiệp này phát triển như: Tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng thể chế và quản trị của khu vực kinh tế tư nhân; tạo lập môi trường bình đẳng, dỡ bỏ các rào cản; xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích áp dụng công nghệ và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo…/.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ