(Tổ Quốc) - Đây là số liệu được công bố tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được tổ chức ngày 24/12.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2021, Bưu điện Việt Nam đã thực hiện thành công nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về việc phủ điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ tại 100% các xã trên toàn quốc. Tổng doanh thu Tổng công ty năm 2021 đạt hơn 26.600 tỷ đồng; tổng lợi nhuận đạt hơn 700 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 900 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 6,12%. Đặc biệt tại thời điểm dịch bệnh phức tạp nhất, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, Vietnam Post đã kích hoạt 3.400 điểm cung cấp hàng thiết yếu tại các tỉnh, thành phố, cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm cho người dân. Trong đó có nhiều khu vực đang bị phong tỏa, cách ly.
Bưu điện Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong trong việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đến nay đã có 2,5 triệu triệu hộ nông dân được hỗ trợ mở tài khoản trên sàn TMĐT Postmart.vn, qua đó tiêu thụ hơn 20.000 tấn nông sản các loại.
Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào phát biểu tại Hội nghị
Đặc biệt lĩnh vực chuyển đổi số,Bưu điện Việt Nam đã đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số trên toàn mạng lưới, lấy công nghệ thông tin làm nền tảng và là công cụ và giải pháp hữu hiệu thúc đẩy quá trình hiện đại hóa sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng. Ngay từ đầu năm, toàn Tổng công ty đã triển khai sâu rộng dự án "Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin Bưu chính Việt Nam" (MPITS) thông qua việc kết hợp thế mạnh về dòng chảy vật lý song song với dòng chảy dữ liệu. Đồng thời Bưu điện Việt Nam cũng đã tích hợp các hệ thống ứng dụng và nền tảng khác tạo thành một hệ sinh thái số Bưu điện Việt Nam và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán như ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, chuyển tiền điện tử, thu hộ, chi hộ. Trong đó, đáng chú ý là ví điện tử PostPay.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh năm 2021, trong đại dịch, Bưu điện Việt Nam đã chứng minh được năng lực, phẩm chất, tấm lòng của người Bưu điện trên tất cả các lĩnh vực. Duy trì ổn định mạng lưới, đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất, hàng hóa cho đất nước, đảm bảo việc làm, đời sống cho hàng vạn lao động trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác gặp rất nhiều khó khăn.
Đồng thời, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng lưu ý Bưu điện Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số, mặc dù quy mô của Bưu điện Việt Nam hiện nay khá lớn nhưng nếu không chuyển đổi, không đột phá, không tăng thêm mới dịch vụ phù hợp với nhu cầu phát triển hiện này thì sẽ rất khó để trụ vững. Trong số 32 nền tảng của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai trong năm 2022, Bưu điện Việt Nam cần triển khai hiệu quả và thành công 2 nền tảng: Sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Nền tảng địa chỉ số. Bên cạnh các giải pháp đã đề ra, Bưu điện Việt Nam cần lưu ý phải có sự thay đổi đặc biệt về nguồn nhân lực, bổ sung nhân sự chất lượng cao.