(Tổ Quốc) - Ngày 9/3 (tức ngày 29 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại những cánh "rừng thiêng" của 3 thôn Bản Tát, Ba Khuy, Trung Tâm (xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã đồng loạt diễn ra Lễ cúng rừng. Đây là nghi lễ truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với đồng bào Mông Nà Hẩu.
Tết rừng hay còn gọi là Lễ cúng rừng chứa đựng trong đó tín ngưỡng thờ Thần rừng của đồng bào Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ở tất cả các thôn bản của xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm - rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần rừng với những quy định "bất khả xâm phạm".
Theo quan niệm của người Mông, những cánh rừng xanh, rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh cái gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm. Cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu "rừng cấm, rừng thiêng" của thôn để cùng tổ chức "lễ cúng Thần rừng". Lễ Cúng rừng là nghi lễ truyền thống quan trọng bậc nhất của người Mông, để cầu mong Thần rừng sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản, đây cũng là dịp để nhân dân trong bản lên kế hoạch cho việc bảo vệ rừng cho cả năm.
Theo tập tục của người Mông, sau lễ cúng rừng các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần Rừng. Cũng trong ba ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo…
Một điều đặc biệt trong lễ cúng rừng của người Mông ở Nà Hẩu, các gia đình sẽ cử người trong nhà cùng với các hộ khác trong thôn bản cùng nhau nấu đồ ăn ngay tại cánh rừng thiêng của thôn, sau khi lễ diễn ra, các gia đình sẽ cùng nhau ăn cơm trên những chiếc bàn tre tự làm ngay tại bìa rừng.
Trong khuôn khổ lễ hội, xã Nà Hẩu đã tổ chức thi đấu và biểu diễn các trò chơi dân gian, tiết mục văn hóa văn nghệ của người Mông như: Đánh quay, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ. Trò chơi nảy pao, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, đá cầu, kéo co, bắt cá bằng nơm trên ruộng… và các tiết mục kèn môi, kèn lá, múa khèn, múa gậy sênh tiền, hát đối của người Mông; Tổ chức các hoạt động triển lãm ảnh với chủ đề đất và người Văn Yên, hoạt động tham quan du lịch, trải nghiệm mô hình rèn cơ khí truyền thống của người Mông; mô hình thêu thổ cẩm trang phục người Mông; Săn mây đỉnh Ba Khuy; thác Bản Tát, thác Tiên, Hang Dơi, Hang Vàng, rừng nguyên sinh…; thưởng thức các món ẩm thực: mèn mén, cá tầm, gà đen, lợn bản địa, ốc dạ, rau cải, rau đắng…
Đồng thời Nà Hẩu đã tổ chức Hội Chợ quê người Mông quy mô 20 gian hàng với các sản phẩm đặc trưng của người Mông như hàng nông sản gồm: chè shan, các sản phẩm quế, gạo cẩm, gạo nếp nương, thảo quả, sa nhân, các loại rau củ quả… Cơ khí thủ công: dao, cuốc, sẻng, thuổng, búa...Trang phục: Các loại áo, váy, vòng đeo cổ, yếm của người Mông… Đạo cụ: khèn, sáo, gậy sênh tiền, vạc của người Mông…
Tết rừng là phong tục người Mông xã Nà Hẩu truyền từ đời này cho đời khác. Tết rừng đã trở thành một tập quán lâu đời để người Mông nơi đây nhớ về cội nguồn, nhắc nhau cùng chung tay xây dựng một cuộc sống ấm no, an toàn giữa đại ngàn xanh thẳm. Tết rừng cũng là dịp để mỗi nhân dân, du khách thêm trân trọng từng cây xanh, từng cánh rừng và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cuộc sống xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc.
.