• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Độc đáo lễ hội Báo bản ở Ninh Bình với loại bánh dân dã đặc trưng

Thực hiện: Minh Ngọc | 03/02/2023

(Tổ Quốc) - Lễ hội Báo bản Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) có mục đích là đền ơn báo đáp lại nguồn gốc, công ơn của các tiền nhân theo câu "uống nước nhớ nguồn".

Dù có đi đâu, ở đâu đi nữa thì mỗi năm cứ đến ngày 13 và 14 tháng Giêng Âm lịch, trong ngày Hội làng, con cháu dòng dõi của làng đều cố gắng về quê tham dự Lễ hội.

Hàng nghìn người về làng Nộn Khê xem lễ Báo bản

Theo ghi nhận, ngay từ đêm 12, hàng nghìn người đã tập trung về làng, tất cả các con đường đều chật kín các phương tiện, hàng quán đông nghịt. Điều đặc biệt, dù đây là lễ hội của làng nhưng thu hút rất đông du khách thập phương, món bánh đúc là món ăn không thể thiếu đối với những người đến thăm quan và mua về làm quà.

Loại bánh đặc biệt xuất hiện trong lễ hội Báo bản ở Ninh Bình - Ảnh 2.

Ông Bùi Hưng Biển - trưởng ban khánh tiết lễ hội

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hưng Biển - trưởng ban khánh tiết lễ hội cho biết, đây là lễ hội truyền thống, có ý nghĩa là đền ơn báo đáp lại nguồn gốc, công ơn của các tiền nhân theo câu "uống nước nhớ nguồn".

Lễ hội có từ lâu đời do các tiền nhân truyền lại, thời gian mai một, giai đoạn bị gián đoạn: "Đến năm 1982, các cụ đã khôi phục lễ hội này và duy trì đến tận bây giờ, chỉ có 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19 mới không tổ chức. Kinh phí cho lễ hội này hoàn toàn do các con cháu của làng đóng góp về, không có bất kì nguồn tài trợ nào".

Đêm 12 tháng Giêng đã có hàng nghìn người về dự lễ hội làng

Trong ngày diễn ra lễ hội, người dân địa phương đã tập trung về Đình làng để không chỉ dâng hương để tưởng nhớ các vị bậc tiền nhân đã có công khai phá, lập Làng, mà còn dâng hương để tưởng nhớ đến các liệt sĩ con cháu của làng đã hy sinh anh dũng trong các cuộc chiến tranh trường kì, bảo vệ quê hương, đất nước.

Theo trưởng ban khánh tiết, lễ hội này với sự tham gia của các người con quê hương còn có sự háo hức của nhân dân thập phương (nhất là các huyện lân cận) năm nào cũng chờ đợi về gặp gỡ giao lưu, thưởng thức các món ăn, vì có 2 buổi chợ đêm Cổng Đình (vào tối 12 và tối 13 tháng Giêng).

Bánh đúc, riêu cua là món ăn không thể thiếu đối với mọi tầng lớp

Điều ngạc nhiên, bánh đúc vốn dĩ là món ăn rất thuần túy nhưng không thể thiếu trong các hàng quán, ai ai cũng đặt hàng mang về.

Ông Biển, cho hay, ngoài bánh đúc còn có riêu cua và giò trứng là những món ăn khiến du khách thập phương khó quên.

"Ngày xưa quê hương này chủ yếu làm nghề thủ công, nghề thủ công thì nhàn hơn nghề nông nên có thể làm được cả đêm. Ngày xưa ở đây có chợ Cổng Đình, sau khi làm đêm thì bà con dẫn nhau ra ăn, phù hợp với túi tiền, vừa rẻ mà lại mát ruột, đến bây giờ các gia đình vẫn duy trì làm món này", ông Biển cho biết lý do món bánh đúc trở thành thương hiệu đặc biệt của làng và hàng ngày vẫn được các nơi đặt mua hàng.

Lễ hội diễn ra vào ngày 13, 14 tháng Giêng tại Đình làng Nộn Khê

Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê có nét đặc biệt khi còn liên kết các nét sinh hoạt văn hóa rất độc đáo. Đây là thời khắc để trình diễn các bài thơ ca do chính những người dân trong làng sáng tác.

Những con cháu của làng nếu do đi xa không về được nhưng có thể gửi thơ về và cũng được ban tổ chức cho người ngâm đọc hoặc chuyển thể lại thành các làn điệu dân ca để hát.

Mỗi năm, đêm ngày 13 tháng Giêng, làng tổ chức ngâm thơ và ca múa nhạc trong Dạ hội văn nghệ "Tiếng hát quê hương".

Ngày 14 tháng Giêng là ngày mà các sinh hoạt Lễ hội sôi động được diễn ra, bao gồm như rước kiệu, múa rồng, múa lân, võ vật, tổ tôm điếm, thi tay nghề... cùng với các hoạt động thể thao, như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng...

Phần lễ gồm: lễ tế nhập tịch, tế nữ quan, rước kiệu và múa rồng, tế cổ điển, lễ dâng hương, lễ tạ… Phần hội có dạ hội văn nghệ, các trò chơi dân gian, cờ tướng, tổ tôm điếm… Trong đó, hấp dẫn nhất là chợ đêm cổng Đình với các món ăn dân dã như: bánh đúc, bánh nùng…

NỔI BẬT TRANG CHỦ