Độc đáo lễ hội đập trống của người Ma Coong
(Tổ Quốc) - Khi già lang tuyên bố bắt đầu lễ hội, những chàng trai, cô gái người Ma Coong ở Thượng Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) được lựa chọn bắt đầu gõ chiêng và đánh trống. Tiếng trống vang lên cho đến khi mặt trống vỡ, những đôi trai gái yêu nhau có thể hẹn hò, tìm nơi tự tình trong men say quấn quýt.
Người Ma Coong thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều, chủ yếu cư trú ở xã Thượng Trạch và một bộ phận sống xen cư với người A Rem (thuộc dân tộc Chứt) ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch. Sinh sống lâu năm trong những bản làng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Ma Coong còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng độc đáo, trong đó Lễ hội đập trống được xem là lễ hội quan trọng nhất trong năm.
Xuất phát từ truyền thuyết dùng tiếng trống xua đuổi một con khỉ ác ra khỏi bản làng để người dân được sống bình yên, Lễ hội đập trống của người Ma Coong biểu hiện lòng thành đối với các vị thần linh, tưởng nhớ tổ tiên và cầu cho bốn mùa mưa thuận gió hòa, nương rẫy tươi tốt, dân bản được ấm no.
Lễ hội quan trọng này được chuẩn bị từ trước hàng tháng trời, với sự góp sức của toàn thể dân bản. Trống được làm từ cây Chi-Cúp, mặt trống bịt da bò hoặc da trâu, dùi trống được làm từ những đoạn mây rừng. Lễ vật cúng Giàng của người Ma Coong thường có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn mây và một khúc thân cây đoác.
Hằng năm, từ khoảng tháng 5 âm lịch, đồng bào đã tiến hành ngăn đập trên con suối Aky. Đến ngày diễn ra Lễ hội đập trống, người ta bắt cá ở đó để cúng Giàng. Khi lễ hội diễn ra, già làng là người đầu tiên được phép xuống khu vực cấm để thả lưới bắt cá cúng thần, sau đó dân bản mới xuống đánh bắt.
Khi trăng lên đỉnh đầu, tỏa rạng khắp núi rừng, khắp bản làng là lúc vào giờ khai lễ. Già làng mở đầu lễ tế cúng Giàng, cúng tổ tiên và khấn cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu Giàng và tổ tiên phù hộ cho dân bản sống yên lành, khỏe mạnh, đoàn kết, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu. Sau đó, các thành viên khác của ban lễ hội lần lượt thay nhau cầu khấn.
Kết thúc phần lễ, già làng tuyên bố bắt đầu lễ hội đập trống. Bà con dân bản, đại biểu và du khách cùng uống rượu mừng mùa trăng mới, cùng tham gia đập trống. Tới khi mặt trống vỡ thì những đôi trai gái yêu nhau có thể hẹn hò, tìm nơi tự tình trong men say quấn quýt.
Lễ hội đập trống là dịp quan trọng để người Ma Coong thể hiện lòng tôn kính và cầu nguyện cho các thần linh. Trong lễ hội, người dân diện trang phục truyền thống, tham gia các nghi lễ đặc biệt.
Lễ hội đập trống của người Ma-Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019. Ngày nay, không chỉ giới hạn trong phạm vi bản làng của đồng bào, Lễ hội đập trống Ma Coong còn là điểm hẹn thu hút nhiều du khách thập phương tìm về tham dự.