• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Độc đáo lễ hội đền Măng Sơn

Văn hoá 19/01/2023 10:01

(Tổ Quốc) - Có thể nói, lễ hội liên quan đến tục thờ Tam Vị Tản Viên Sơn Thánh là một trong những lễ hội lớn ở phía Tây kinh thành Thăng Long, nay là Hà Nội. Không ở nơi nào, lễ hội liên quan đến các Ngài lại đậm đặc và có quy mô như ở vùng núi Tản - Xứ Đoài.

Lễ hội đền Măng Sơn - Nam Cung Điện ( xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) xưa kia được tổ chức trong 07 ngày, (từ ngày 06 đến 12 tháng Giêng), ngày nay, do điều kiện kinh tế nên lễ hội chỉ được tổ chức gọn trong 02 ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng, nhưng những lễ tiết quan trọng vẫn được tôn kính, gìn giữ. Đáng lưu ý là trong lễ hội này, việc tế lễ, rước thánh giữa các di tích đền Măng Sơn, đình Sơn Trung và đình Sơn Đông có mối quan hệ mật thiết với nhau. Các đình đều tổ chức rước kiệu về đền để tế lễ.

Độc đáo lễ hội đền Măng Sơn - Ảnh 1.

Cứ ba năm một lần, nhân dân nơi đây lại tổ chức đại hội. Vào ngày hội, 5 thôn trong tổng Tường Phiêu xưa gồm: Sơn Đông, Sơn Trung, Tường Phiêu, Trạch Lôi, Thuần Mỹ đều cử các đại diện mang lễ tập trung ở đình Sơn Trung. Lễ vật là một hộp quả hình lục lăng chồng 8 tầng do 4 người khênh. Khi trai đinh các thôn về đông đủ ở đình Sơn Trung, các cụ cắt cử họ rước 3 cỗ kiệu trong đặt long ngai bài vị của Tam vị Đức Thánh Tản (Tản Viên, con ông bác và hai anh em Cao Sơn, Quý Minh, con ông chú) lên đền Măng Sơn. Cứ 8 người đóng một kiệu, đi ngoài một người cầm lọng, một người cầm cờ múa dẫn đường, một người đánh trống khẩu dẹp đám, thành một cỗ. Riêng kiệu Thánh Tản Viên có thêm hai quạt vả lớn che hai bên. Đây là 3 cỗ kiệu hiếm có ở trong vùng. Việc trang trí quần áo cho 3 cỗ ngai cũng khá đặc biệt. Cả Tam vị đều đội mũ Kim Ngạc, quần áo vóc trắng, choàng áo vóc đỏ, ngoài là áo hoàng bào màu hoàng yến, thắt đai lưng cổn long, đi hia hổ túc. Mỗi năm rước kiệu là dịp để nhân dân chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy, cao siêu của dung nhan các vị thánh do nhân dân tưởng tượng, sáng tạo ra.

Một nghi lễ lớn bày tỏ tấm lòng thành kính của dân thôn toàn tổng được tổ chức tại đền. Các xã đều có đại diện vào tế. Chủ tế là một cụ già của làng Sơn Đông. Bên cạnh chủ tế là ba bồi tế, một đọc văn, năm người dẫn rượu, năm người dẫn đèn. Thường là người cao tuổi, vợ chồng song toàn, con cháu đầy đặn, lại có phẩm hạnh mới được chọn làm vai tế. Người dân Sơn Đông quan niệm việc tế là rất hệ trọng, ảnh hưởng đến phúc lành của mọi nhà nên không thể tùy tiện chọn người vào vai tế. Để chuẩn bị lễ hội, các thành viên Ban tế gồm 11 người đảm nhiệm các vị trí khác nhau như Chủ tế, chủ văn, bồi tế, đi đăng,... Các thành viên ở ban tế đã được dân làng lựa chọn cẩn thận với các tiêu chí vợ chồng con cái đề huề, gia đình không vướng bụi (tang), phải trên 50 tuổi. Theo cụ thủ đền, xưa kia các cụ khi được bầu vào Ban tế phải ra đền ăn ở hàng tháng cho chay tịnh. Còn đối với những người rước kiệu phải là trai chưa vợ, ngoan ngoãn.

Điều đáng lưu ý là có một mâm ngũ quả dâng lên thờ thần, trong đó bày các thứ quả sẵn có trong vùng và một loại quả không thể thiếu là mít xanh đặc trưng ở Sơn Đông có loại mít ra quả sớm, dân gọi là mít chiêm. Sau quả mít là quả dứa non, quả bưởi, quả chuối, quả cam hoặc quả quýt… Ngoài ra, mâm cỗ tế thần không thể thiếu thịt thú. Tương truyền: Xưa kia là loại thịt thú rừng săn bắt được để khô. Sau này, việc săn bắt thú rừng khó người ta thay thế bằng ba miếng thịt lợn sống. Quá trình cử tế, ông chủ tế thay mặt cộng đồng, diễn lại nghi thức dân làng hưởng lộc do Đức Thánh Tản săn bắt được thú cho dân. Khi văn tế đọc đến câu ẩm phước, chủ tế dừng lời, trân trọng nâng chén nhà ngài nghiêng người sang một bên giả uống. Đến đoạn thụ tộ thì ông thành kính nâng chén đặt vào mâm lễ. Văn tế đọc tiếp đến thù tạc, chủ tế dùng đũa gắp lật đi lật lại 3 miếng thịt coi như đã hưởng lộc ngài.

Cuộc tế thần ở đền Măng Sơn xong, 1 giờ chiều, dân hàng tổng rước ba cỗ kiệu từ đền về bãi dộc Thày, hạ kiệu xếp ngay ngắn, sau đó toàn dân tỏa ra bãi tổ chức các sinh hoạt vui chơi của ngày hội. Tại đây, nam nữ hát ví đúm giao duyên. Các đô vật của các xã tham gia vật giải. Ngoài bãi có bắn nỏ, đánh đu cây. Cuộc vui chơi suốt chiều hôm đó. Tối đến đốt đuốc ca vui đến nửa đêm, sang đến giờ Tý (quá nửa đêm) mới tổ chức rước kiệu ba ngài về đình. Đèn đuốc sáng trưng. Dọc đường về qua xóm có cây đa ở cổng làng đã trồng sẵn cây đuốc lớn (gọi là cây đình liệu), tiếp lửa đốt lên để đón kiệu ngài cho đám rước càng lung linh, huyền ảo. Tương truyền rằng: Dân làng làm vậy để diễn lại sự tích Đức Thánh Tản đi săn, diệt được thú, nghỉ đêm ở bãi Thày, dân các xã mang rượu tới ca hát, vui chơi mừng thắng lợi. Sau khi rước về đến đình Sơn Trung, đưa các ngài vào yên vị, nhưng lễ hội Tản Viên ở cụm di tích này vẫn chưa chấm dứt; các bô lão trong làng còn phải tế trực vào các buổi tối đến ngày 12 tháng giêng âm lịch mới tế giã.

Sang ngày 8 tháng Giêng, đình Sơn Đông cũng tổ chức lễ tế Thánh Tản như ở đình Sơn Trung hôm 6 tháng Giêng nhưng không dừng ở bãi Thày mà về thẳng đình và quy mô cũng nhỏ hơn.

Ngoài những ngày lễ hội ra, vào những tuần rằm, mùng một, ngày ra hè vào hè, ngày hạ điền thượng điền, ngày sinh, ngày hóa của thành hoàng, tại đền Măng Sơn, Ban quản lý di tích đền (gồm 4 cụ ông và 5 cụ bà) cũng mở cửa và chuẩn bị lễ vật chu đáo để đón nhân dân và khách hành hương vào lễ tế, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong và ngoài địa phương.

Độc đáo lễ hội đền Măng Sơn - Ảnh 2.

Có thể nói, thông qua lễ hội truyền thống ở cụm di tích đền Măng Sơn – Nam Cung Điện, đình Sơn Đông và đình Sơn Trung, con người cùng gặp nhau náo nức và thành kính dâng lên Tam vị đại vương những vật phẩm và mong cầu Tam vị đại vương ban cho sức khỏe, vạn vật tươi tốt. Trong cơ cấu tổ chức lễ hội đó, đền Măng Sơn trở thành trung tâm của cộng đồng làng xã, là nơi giao lưu, ứng xử giữa con người với con người, những hiềm khích tự nhiên biến mất và thay vào đó sự hân hoan tươi mới... Lễ hội ở cụm di tích đền Măng Sơn, đình Sơn Đông và đình Sơn Trung đã cho thấy đây không chỉ là nơi để cộng đồng vui chơi sau một năm làm ăn vất vả, thông qua các nghi thức tế lễ, mà còn là nơi để mọi người có thể gửi gắm ước vọng, mong cầu Thần ban phúc cho mùa màng bội thu, vạn vật tươi tốt. Qua đó, nhân dân vững tin vào tương lai và sống có trách nhiệm hơn, ứng xử tốt hơn trong cộng đồng. Câu ca: "Dù ăn cơm độn sắn khoai/ Cũng không bỏ hội Xứ Đoài Đền Măng" nói lên điều đó./.

Đô Tình

NỔI BẬT TRANG CHỦ