Độc đáo Lễ hội "Mừng lúa mới" của đồng bào dân tộc Cơ Tu
Thực hiện: Lê Chung | 19/05/2022
(Tổ Quốc) - Lễ hội "Mừng lúa mới" là một nghi lễ quan trọng trong đời sống của người dân đồng bào Cơ Tu (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhằm thể hiện sự biết ơn đối với các thần linh đã che chở mang lại cuộc sống ổn định, bản làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Ngày 18/5, tại sân nhà Gươl - Phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đã diễn ra chương trình tái hiện Lễ hội "Mừng lúa mới" của người dân đồng bào Cơ Tu.
Đây là một hoạt động văn hóa đặc sắc nằm trong khuôn khổ của "Ngày hội VHTT&DL các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022".
Theo BTC, Nam Đông là một trong 2 huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đây người dân đồng bào Cơ Tu chiếm 43% dân số toàn huyện. Từ xưa, người dân đồng bào Cơ Tu đã hình thành nên những nét đẹp văn hóa độc đáo và lâu đời, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Một trong những lễ hội truyền thống, nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc được người dân đồng bào Cơ Tu lưu giữ là Lễ hội "Mừng lúa mới", trong tiếng Cơ Tu là "Cha ha ro tơ me".
Lễ hội "Mừng lúa mới" là một nghi lễ quan trọng trong đời sống của người dân đồng bào Cơ Tu nhằm thể hiện sự biết ơn đối với các thần linh đã che chở mang lại cuộc sống ổn định, bản làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Theo người Cơ Tu (huyện Nam Đông), từ xa xưa đến nay cây lúa luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Tuy nhiên với đặc thù núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn, do đó lễ hội "Mừng lúa mới" ra đời như là cách để người dân thể hiện sự mong ước về sự no đủ.
Lễ hội "Mừng lúa mới" là sự phản ánh ở bên sâu tâm hồn của người Cơ Tu, mong ước về vụ mùa bội thu, về một năm mới đầy hứa hẹn để cho cuộc sống ổn định, no ấm.
Để chuẩn bị cho Lễ hội "Mừng lúa mới", các cô gái Cơ Tu cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong... Bằng sự tỉ mỉ, khéo léo, những khối củi thật khô được chọn chẻ nhỏ và xếp vào gùi. Những dòng nước sạch được đựng vào ống tre. Những chiếc lá dong dày đẹp được hái mang về bản làng.
Tận dụng lợi thế thiên nhiên núi rừng, các chàng trai Cơ Tu khỏe mạnh cầm cung, nỏ, lao... đi bắt cá, bắt cua, kiếm mật ong.. để làm lễ vật cho mâm cúng lễ thêm đầy đủ, trang trọng.
Các chàng trai, cô gái Cơ Tu chuẩn bị lễ cúng. Nữ chuẩn bị chén gạo, nam bắt lợn, gà trống làm vật tế.
Các vật tế sống sẽ được các già làng trình báo trước với thần linh.
Mâm cúng lễ "Mừng lúa mới" của đồng bào dân tộc Cơ Tu (Nam Đông).
Tái hiện nghi lễ đâm trâu trong Lễ hội "Mừng lúa mới" (hiện nay mô hình trâu giả được sử dụng thay trâu thật trong các lễ tái hiện). Nghi lễ đâm trâu của người Cơ Tu xưa chỉ được tổ chức vào những ngày trọng đại như mừng lúa mới, đám cưới hay mừng nhà Gươl mới... Đây là dịp để đồng bào chung vui, gặp gỡ nhau và dâng đầu trâu để tế thần linh nhằm thông báo tình hình buôn làng mình.
Người đâm trâu phải là người có uy tín trong làng, có sức khỏe tốt với những nhát đâm vô cùng chính xác. Con trâu cũng là con vật may mắn mới được chọn để làm vật tế, giúp dân làng thể hiện được tình cảm với thần linh, mong thần linh phù hộ cho dân làng một vụ mùa mới tiếp tục ấm no, hạnh phúc.
Sau khi mâm cúng đã được chuẩn bị là lúc già làng, người lớn tuổi uy tín trong bản thực hiện các nghi thức cúng bái. Theo nghi lễ truyền thống sẽ cúng thần lúa, thần trời, thần sông suối, thân cây cối để tạ ơn một năm mưa thuận, gió hòa.
Sau phần lễ là phần hội. Lúc này, tiếng cồng chiêng, tiếng trống của các chàng trai kết hợp với điệu múa của các cô gái Cơ Tu càng làm tô đậm thêm rực rỡ và đầy tính truyền thống của lễ hội.
Theo ông A Lăng Kơ Lói (80 tuổi), để tái hiện được Lễ "Mừng lúa mới" một cách nguyên bản, những người tham gia đã lấy ý kiến của các già làng, trưởng bản và tập luyện hơn 2 tháng. "Thông qua việc tái hiện, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến mọi người về lễ hội của dân tộc mình. Qua đó cũng góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc Cơ Tu trên địa bàn", ông A Lăng Kơ Lói nói.
Ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết: "Việc tổ chức tái hiện Lễ "Mừng lúa mới" cũng nhằm sưu tầm, phục dựng lại nguyên bản một cách sống động giá trị lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Qua đó, đánh giá giá trị nghệ thuật của loại hình này, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị. Thông qua lễ hội này cũng giới thiệu đến với du khách những nét văn hóa tiêu biểu, độc đáo của các dân tộc trên địa bàn huyện Nam Đông".