• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Độc đáo lễ hội Rằm tháng ba

Văn hoá 15/04/2022 14:28

(Tổ Quốc) - Với người dân Minh Hóa, từ bao đời nay, lễ hội Rằm tháng ba là lễ hội đã đi vào tâm thức của người dân Minh Hóa và trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kết tinh nét văn hóa đặc sắc của vùng quê sơn cước này. Và người Minh Hóa vẫn dặn lòng với nhau rằng: "Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ Hội rằm tháng ba".

Huyền tích thác Bụt

Tương truyền, Hội rằm tháng ba ở Minh Hóa có nguồn gốc từ chuyện 2 anh em người làng Yên Đức, xã Yên Hóa đi tìm mật ong trên lèn Ông Ngoi. Khi họ lên đến đỉnh thì gặp một giếng nước trong vắt, bên cạnh có cây quýt rất nhiều quả, dưới tán cây có 12 hòn đá giống hình ông Bụt và có bàn đá bằng phẳng và có những quân cờ bằng đá.

Hai anh em họ nghỉ ngơi, hái quýt ăn rồi trầm trồ về những cảnh vật xung quanh. Khi hai người xuống núi thì mang theo 1 hòn đá giống tượng Bụt, đến thác Cúi họ đặt tượng đá xuống để tắm. Thật kỳ lạ, lúc tắm xong, người anh đến lấy tượng đá thì không sao nhấc lên nổi.

Độc đáo lễ hội Rằm tháng ba - Ảnh 1.

Thực cảnh "Huyền tích thác Bụt" được xây dựng lại ở bối cảnh thực tế, thể hiện câu chuyện dân gian được lưu truyền trong mỗi người dân Minh Hóa cho đến bây giờ

Người anh bực tức nên dùng rựa chém sứt môi tượng đá. Một điều trùng hợp là từ đó về sau, những người trong dòng tộc của họ sinh ra đều có 1 người bị khiếm khuyết về môi. Từ khi tượng đá xuất hiện ở thác Cúi, làng Yên Đức bỗng dưng xảy ra nhiều dịch bệnh, mùa màng bị chim muông, thú dữ về phá hoại. Gia súc, gia cầm của người dân nuôi cũng bị thú dữ bắt đi nên dân làng bèn lập đàn khấn vái, tự nhiên có người ứng xưng là Bụt ở thác Cúi và mong muốn người dân lập bàn thờ.

Dân làng nghe thế liền làm theo. Từ khi lập đàn thờ Bụt, mọi tai ương dần biến mất. Từ đó, câu chuyện lan truyền, gây sự chú ý khiến nhiều người đến khấn vái Bụt. Dần dà, người dân quen gọi là Thác Bụt như tên gọi ngày nay. Hàng năm, cứ đến rằm tháng ba âm lịch, người dân lại đến đây dâng hương cúng Bụt cầu mưa thuận gió hòa, cầu tài lộc, sức khỏe và dự hội chợ rằm.

Độc đáo lễ hội Rằm tháng ba - Ảnh 2.

Khi lập bàn thờ ở nơi hòn đá hình Bụt, người dân ở đây có cuộc sống bình yên, ấm no và luôn may mắn trong cuộc sống

Người dân Minh Hóa quan niệm rằng, vào ngày rằm tháng ba, người dân Minh Hóa hàng năm, ai cũng tranh thủ đến chợ rằm, nếu không, xem như cả năm đó kém may mắn. Ở phiên chợ đó, người dân và du khách được mua bán các mặt hàng nông sản, hàng hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Minh Hóa và nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa như: ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn...

Hiện nay, Thác Bụt - Giếng Tiên vẫn đang là điểm du lịch được du khách tìm đến nhiều, đặc biệt là vào dịp Hội rằm tháng ba âm Minh Hóa hàng năm và các ngày Tết, lễ. Những ngày đó, khách du lịch đến đây rất đông để dâng hương Bụt, vãn cảnh, cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Và nếu được các nhà đầu tư quan tâm, chắc chắn nơi đây sẽ sớm trở thành những điểm đến hấp dẫn của du lịch Minh Hóa nói riêng và Quảng Bình nói chung.

Độc đáo lễ hội Rằm tháng ba - Ảnh 3.

Dân làng lập bàn thờ sau khi được gặp tiên ông

Khu du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn

Câu chuyện huyền thoại về thác Bụt đến bây giờ không chỉ in đậm trong tâm của mỗi người dân và được lan truyền muôn phương. Hàng năm, mỗi khi đến lễ hội Rằm tháng ba, người dân thập phương đổ về thác Bụt để thắp hương và cầu xin cho bản thân, gia đình mình một điều ước tốt đẹp nhất trong năm. Những giá trị về tâm linh tùy thuộc vào mỗi người và chẳng thể nào đánh giá được giá trị thực của nó nhưng với người dân, du khách mỗi lần đến với Minh Hóa, đến với thác Bụt khi trở về luôn mang một tâm trạng vui vẻ trong lòng.

Độc đáo lễ hội Rằm tháng ba - Ảnh 4.

Hòn đá gắn với truyền thuyết tồn tại bao đời nay ở khu vực Thác Bụt linh thiêng

Với những giá trị về văn hóa, tâm linh và cảnh quan thiên nhiên ban tặng, huyện Minh Hóa lập quy hoạch khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Thác Bụt-Giếng Tiên và đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt.

Trong khu quy hoạch có lèn Ông Ngoi là một trong những điểm dừng chân lý thú. Lèn nằm sát quốc lộ 12A, trên đỉnh lèn có chỗ đá bằng phẳng và một cái giếng nước rất trong mát, quanh năm không bao giờ cạn. Cạnh bên giếng có tảng đá to, hình dạng giống cây cam. Xung quanh khu vực này là những cánh rừng, có nhiều loại cây quý hiếm tỏa bóng mát quanh năm…

Độc đáo lễ hội Rằm tháng ba - Ảnh 5.

Cuộc sống ấm no của người dân Minh Hóa ở khu vực Thác Bụt - Giếng Tiên

Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: Minh Hóa may mắn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh về hang động, khe suối, thác nước, rừng nguyên sinh. Ngoài hệ thống hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa và hang Rục Mòn ở xã Hóa Sơn; Thác Mơ ở xã Hóa Hợp đã được các nhà đầu tư đưa vào khai thác du lịch và hiện đang trở thành những điểm đến hấp dẫn.

"Minh Hóa còn rất nhiều danh lam, thắng cảnh vẫn đang nằm dưới dạng tiềm năng, trong đó, Thác Bụt-Giếng Tiên là một tiềm năng lớn. Ngoài cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi cao, dòng suối mát trong lành, nơi đây còn mang trong mình một giá trị văn hóa tâm linh rất đặc biệt. Từ rất lâu, Thác Bụt-Giếng Tiên đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Minh Hóa, bởi nơi đây là cội nguồn của lễ hội rằm tháng ba truyền thống"… ông Việt khẳng định.

Độc đáo lễ hội Rằm tháng ba - Ảnh 6.

Huyền thoại về Thác Bụt - Giếng Tiên

Theo ông Nguyễn Bắc Việt, sau khi lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến khảo sát, tìm hiểu. Tuy nhiên, năm 2019, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động du lịch ở Minh Hóa đều bị "đóng băng". Trong thời gian tới, khi dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, huyện Minh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến để kêu gọi các nhà đầu tư vào địa phương.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ