Độc đáo lễ hội rước lợn tại Hà Nội
Thực hiện: Thu Thương | 04/02/2023
(Tổ Quốc) - Tối ngày 3/2, 17 "ông lợn" nặng trên dưới 200 kg đã được người dân làng La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) rước tới đình làng để tế thành hoàng làng trong lễ hội truyền thống đầu năm. Từ lâu, lễ hội này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân nơi đây.
Hằng năm, vào ngày 13 tháng Giêng, người dân La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại tưng bừng mở hội rước lợn để tưởng nhớ công ơn thành hoàng làng Tĩnh Quốc Tam Lang thời Hùng Duệ Vương thứ 6.
Theo tương truyền, mỗi lần chuẩn bị lên đường đánh giặc, ông lại mổ lợn khao quân. Mỗi lần như vậy, người dân trong làng mang lợn đến dâng. Sau này, người dân La Phù tôn ông làm thành hoàng làng và vẫn giữ tục dâng tế lợn để tưởng nhớ ông.
Theo ông Đặng Trường Hùng – người dân trong làng La Phù cho biết: "Để chuẩn bị cho hội rước, ngay từ năm trước, cả xóm sẽ chọn ra một gia đình để nuôi "ông lợn". Lợn được các gia chủ chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận, cho ăn bằng những thức ăn sạch, tắm rửa hằng ngày và chuồng trại để nuôi lợn cũng phải thật sạch sẽ. Thậm chí nếu có dịch hay muỗi gia chủ còn căng màn cho lợn để đến ngày tế lễ, "ông lợn" phải thật to, béo, khỏe".
Vào ngày diễn ra hội rước, các "ông lợn" sẽ được dân làng tắm rửa sạch sẽ, sau đó làm thịt rồi đặt lên kiệu và trang trí thật đẹp. Đặc biệt, việc mổ các "ông lợn" là phải bóc thật khéo léo lớp mỡ màng. Lớp màng này sẽ được dùng để làm áo choàng cho các "ông lợn" khi dâng tế.
Đến giờ lành, những "ông lợn" của các xóm được rước về đình để chuẩn bị cho lễ tế. Mỗi đoàn rước sẽ gồm 3 kiệu chính: bàn lộc, mâm xôi và "ông lợn". Trước mỗi đoàn là một phường kèn trống.
Lễ rước "ông lợn" sẽ kéo dài trong 2 giờ, đi qua các con đường dẫn tới đình làng
Các em nhỏ trong làng mặc những bộ quần áo đầy màu sắc đi dự lễ hội.
Anh Nguyễn Tuấn Việt – người dân La Phù chia sẻ: "Sau 2 năm dịch bệnh Covid-19 địa phương không tổ chức lễ hội nên hôm nay được tham gia tôi rất vui và phấn khởi. Lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân để người dân tỏ lòng thành kính với thành hoàng làng cũng như đón chào năm mới đến nhằm giúp mọi người phấn đấu hơn trong công việc. Lễ hội của làng rất độc đáo nên hằng nằm đều thu hút được đông đảo du khách thập phương đến tham gia và trải nghiệm lễ hội".
Đúng 21 giờ, các "ông lợn" được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của các cụ cao tuổi
Do các "ông lợn" đều rất nặng nên những người khiêng vác đều phải là thanh niên trai tráng
Các "ông lợn" lần lượt được đưa vào trong đình
Việc tế lễ thành hoàng làng sẽ được thực hiện từ lúc 21 giờ đến 1 - 2 giờ sáng. Sau khi tế lễ xong, tới sáng 4/2, 17 "ông lợn" sẽ được đưa về các thôn, xóm để chia cho người dân
Lễ hội rước "ông lợn" không chỉ thu hút đông đảo người dân trong làng mà còn được nhiều du khách thập phương đến tham gia.