(Tổ Quốc) - Đến với ngày hội, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp rực rỡ của hoa muồng, thưởng thức tiếng cồng chiêng, văn hóa ẩm thực và tham gia các trò chơi dân gian.
Hoa muồng vàng ở thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: Phan Nguyên/Báo Gia Lai
"Ngày hội hoa muồng vàng năm 2019" sẽ được huyện Chư Prông, Gia Lai tổ chức trong 2 ngày (5 và 6/10) tại thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn. Đây là lần đầu tiên huyện Chư Prông tổ chức ngày hội hoa muồng vàng nhằm tôn vinh mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa của nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và kêu gọi đầu tư để từng bước phát triển du lịch huyện nhà.
Lễ khai mạc "Ngày hội hoa muồng vàng năm 2019" sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 5/10, tại sân bóng đá thôn Tây Hồ. Ngày hội được tổ chức gắn với các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/9/1954-15/9/2019) và hướng tới kỷ niệm 54 năm Chiến thắng Plei Me (19/11/1965-19/11/2019). Trong đêm khai mạc, du khách sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp và cùng sinh hoạt đốt lửa trại, tham gia các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt, đập niêu, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, bịt mắt bắt cá, nhảy bao bố...
Ngoài ra, Ban tổ chức bố trí, sắp xếp 20 gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công và các đặc sản như: thổ cẩm, đan lát, cà phê, chè, trái cây..., giúp khách thoải mái tham quan, mua sắm. Du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của đồng bào địa phương như: cơm lam, gà nướng, rượu ghè, lá mì, cà đắng, thịt nướng lồ ô...
Những năm gần đây, Bàu Cạn đã trở thành một điểm đến quen thuộc với nhiều du khách yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên. Thời điểm này, Bàu Cạn cực kỳ quyến rũ bởi sắc hoa muồng vàng xen giữa đồi chè xanh mướt bạt ngàn, cùng với đó là hệ thống hồ nước trong xanh quanh năm dịu mát, soi bóng mây trời, cỏ cây hoa lá. Du khách đến đây cũng sẽ được chiêm ngưỡng thác nước cao 25 m trên dòng suối Ia Púch, đá phủ rêu phong qua hàng trăm năm. Nơi này còn có nhà máy thủy điện cổ nhất vùng Tây Nguyên, được xây dựng từ năm 1950; hệ thống đồn điền, nhà xưởng, máy móc chế biến chè được người Pháp xây dựng từ năm 1923.