Độc đáo nghề dệt Dèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi
Thực hiện: Lê Chung | 07/07/2022
(Tổ Quốc) - Mỗi sản phẩm dệt Dèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa của đồng bào dân tộc Tà Ôi.
Dệt Dèng là một nghề truyền thống của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghề dệt Dèng có từ lâu đời và là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo từ thời xa xưa, được truyền từ đời này sang đời khác.
Những tấm Dèng là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào Tà Ôi ở vùng cao A Lưới.
Với đồng bào người Tà ÔI, mỗi sản phẩm dệt Dèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc.
Sợi dệt truyền thống của Dèng được sử dụng là những sợi bông khai thác từ thiên nhiên để tạo sợi và các sắc màu vàng, đen, xanh cho quá trình dệt cũng như tạo hoa văn.
Nét độc đáo riêng biệt của kỹ thuật dệt Dèng là người thợ dệt đưa các hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm để tạo nên hoa văn, không chỉ tạo bằng chỉ màu như dệt vải thổ cẩm ở những nơi khác.
Chèn cườm là một công đoạn phức tạp đòi hỏi nghệ nhân có tay nghề cao mới thực hiện được. Người phụ nữ vừa dệt vừa phải xếp những hạt cườm vào những điểm cần tạo.
Việc xuất hiện cả hoa văn bằng sợi lẫn hoa văn bằng cườm khiến cho các sản phẩm từ Dèng hết sức độc đáo.
Những tấm vải dệt Dèng thổ cẩm của người dân tộc Tà Ôi mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với khoảng 76 loại hoa văn khác nhau, mô phỏng những con suối dốc cao, cây cỏ, chim rừng, đồ vật, con người và những ngôi sao trên bầu trời…
Hoa văn dệt Dèng thường thể hiện 3 loại hình là hình tam giác, hình thoi và hình đường thẳng với phức hệ hoa văn về thực vật, động vật, đồ vật, con người và thế giới xung quanh có ý nghĩa đối với văn hóa tâm linh, khao khát về sự giao hòa giữa trời đất và con người.
Trong đời sống tinh thần của người Tà Ôi, Dèng không chỉ đơn thuần là trang phục để mặc, Dèng còn được xem là tài sản quý thể hiện quyền quý, giàu sang, tâm thế và vị thế của người sở hữu. Dèng còn để làm lễ vật hồi môn của nhà gái dành cho nhà trai; cho ông bà thông gia; cho chàng rể quý. Dèng còn dùng để trang trí, làm đẹp tổ ấm, làm đẹp nhà Rông, làm đẹp nơi linh thiêng của gia đình, họ tộc và khi dâng lễ cúng Giàng hay các lễ hội trọng đại của làng. Dèng cũng là của cải để trao đổi hàng hóa, giao lưu, buôn bán, làm cho gia đình ấm no, bản làng giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc.
Với những giá trị của mình, năm 2016, Nghề dệt Dèng (thổ cẩm) của người Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL. Đây là niềm tự hào, vinh dự của đồng bào dân tộc Tà Ôi nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
Hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới có 4 HTX dệt Dèng hoạt động thường xuyên, tạo ra những sản phẩm Dèng không chỉ mang giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Tà Ôi mà còn góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho gia đình, bản làng.
Các sản phẩm dệt Dèng của A Lưới đã có mặt trên toàn quốc và một số nước.
Nhiều nhà thiết kế đã chọn Dèng để xây dựng tạo mẫu thời trang, giới thiệu quảng bá ở các sàn diễn lớn trong nước và quốc tế.
Trình diễn dệt Dèng và trang phục từ Dèng tại Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019.