Độc lạ cây cầu có hình thuyền nan úp ngược tại Hà Nội
Thực hiện: Thu Thương | 10/02/2023
(Tổ Quốc) - Với thiết kế độc đáo, vừa là cầu, vừa là nơi thờ tự, cầu Khum (làng Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) từng là con đường độc đạo đóng vai trò như cổng đi vào làng. Tuy bây giờ cầu Khum không còn nhiều giá trị về giao thông nhưng vẫn là một địa điểm văn hóa quan trọng của người dân địa phương.
Cầu Khum nằm ở phía Đông của làng Yên (xã Thạch Xá, Thạch Thất, TP. Hà Nội) tiếp giáp với trục đường giao thông liên xã Thạch Xá - Hữu Bằng.
Cầu có thiết kế dạng "thượng gia, hạ kiều", tức trên là nhà, dưới là cầu, hình dáng tựa chiếc "thuyền nan úp ngược". Đây là kiểu kiến trúc cổ đặc trưng của Việt Nam, hiện còn lại khá ít ỏi.
Theo ông Phạm Văn Tý - người được Ban quản lý di tích văn hóa Làng Yên giao nhiệm vụ trông coi nơi này cho biết: "Người dân trong làng đều không biết cây cầu có từ bao giờ, chỉ biết rằng trước đây cầu được làm bằng gỗ, không có mái che. Đến năm 1935, cầu bị hỏng và được người dân làm lại như ngày nay".
"Phần trên mặt cầu là thượng gia, dài hơn 12m được xây dựng giống như kiến trúc một ngôi nhà, chia làm 5 gian, gian giữa dài 3,5m, các gian biên dài 2m. Phía dưới hạ kiều có 3 cống vòm được cuốn bằng đá ong, rất chắc khỏe. Ngày xưa, mùa nước thấp, những chiếc thuyền nhỏ có thể lướt qua một cách dễ dàng" – ông Phạm Văn Tý cho biết thêm.
Đi qua hai gian là tới gian giữa của cầu, đây là gian thờ "thần linh", gian giữa cao, thấp dần ra hai đầu hồi. Vào ngày rằm, mùng một hàng tháng, người dân trong làng đều đến thắp hương cầu bình an.
Phần mái của gian nhà được thiết kế theo lối kiến trúc xưa
Cửa cầu phía Tây đi từ trong làng Yên ra cầu, ngày xưa là con đường đất duy nhất đi sát nhà dân như hiện nay, đi qua cầu mới tới xã Hữu Bằng, trên đốc cầu có khắc 3 chữ nho dịch ra là "Xuất Tắc Cát", như một lời chúc mọi người ra khỏi làng gặp nhiều điều tốt lành.
Ông Phạm Văn Tý chia sẻ: "Trước kia, cầu Khum là con đường duy nhất đi vào làng Yên và cây cầu đóng vai trò như là cổng làng. Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, thông thương của dân làng đều đi qua cây cầu này. Về sau, đời sống người dân phát triển hơn, bắt đầu có xe cộ đi lại, cảm thấy con đường không còn phù hợp nữa, họ mới bắt đầu làm đường ngoài. Nhưng người dân chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ di sản kiến trúc - giao thông quý giá mà cha ông đã để lại".
Cầu Khum bắc qua ao Đền quanh năm nước chảy êm đềm.
Năm 1948, giặc Pháp càn quét qua, đốt cầu, dân làng đến dập lửa cứu chữa, các vết cháy xám đen còn lại đến nay.
Phần tường được xây bằng đá ong cổ kính, phần mái được lợp ngói vẩy cá.
Hiện nay, cầu Khum không còn nhiều ý nghĩa về mặt giao thông nhưng nó vẫn là điểm đến thường xuyên của khách vãng lai cũng như người dân quanh vùng.
Đồng thời, đây còn là một công trình kiến trúc rất độc đáo cần được gìn giữ và bảo tồn nhằm làm phong phú thêm vẻ đẹp văn hóa lịch sử của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.