(Toquoc)- Sỹ quan Biên phòng đẹp kiêu hãnh như tài tử xi nê - đại úy Thái Nam Long - Đội trưởng đội Vũ trang ở đồn Biên phòng Làng Mô - Trường Sơn tỏ vẻ lo ngại khi biết trong đoàn công tác của Đồn lên bản Dốc Mây có tôi.
(Toquoc)- Sỹ quan Biên phòng đẹp kiêu hãnh như tài tử xi nê - đại úy Thái Nam Long - Đội trưởng đội Vũ trang ở đồn Biên phòng Làng Mô - Trường Sơn tỏ vẻ lo ngại khi biết trong đoàn công tác của Đồn lên bản Dốc Mây có tôi: “Ồ! Khó lắm đấy. Đường đi rất hiểm trở. Trước nay chưa có người phụ nữ nào vào Dốc Mây cả”. Nhưng hình như đọc được sự quyết tâm của tôi, anh nhượng bộ với những lời căn dặn khá kỹ về kinh nghiệm đi rừng của cánh lính biên phòng. Và tôi đã đi Dốc Mây bằng ý chí bản thân cùng niềm tin của những người đồng hành.
Những dấu chân vẽ nên một con đường
Tôi có thể kể như thế nào về con đường vào Bản Dốc Mây? Vạch lá rừng trên một lối nhỏ hẹp và cheo leo, qua một thung lũng cạn, vượt một ngọn đồi thoải cả đoàn đứng trước dòng suối. Đây là suối Rào Mây. Con suối sau cơn bão số 6 nước còn dâng cao, chảy ầm ầm như thác đổ. Cách xa cả ngọn đồi đã nghe tiếng nước xối ào ạt vào vách đá. Đá nửa chìm nửa nổi lô nhô thách thức. Nước suối chảy tràn ước chừng cuốn phăng ý chí của tôi. Tôi tần ngần nhìn con nước “Đường ở đâu?”. Thiếu tá Trần Hữu Chung nói với tất cả “Chúng ta theo con suối này”. Trong tôi một thoáng bất lực và sợ hãi lướt qua “Vượt dòng nước đang ầm ầm xối này ư?” Nhưng khi Trần Hữu Chung chìa bàn tay chắc khỏe của anh ra, tôi gần như trở lại tâm thế cũ, bước rất vững lên mõn đá đầu tiên… mõn đá tiếp theo và tiếp theo… Lúc này niềm tin đã trở lại, trở lại bắt đầu từ bước chân, trở lại từ thái độ bình thản của những người lính biên phòng dẫn đường. Tuy nhiên tôi vẫn rất bối rối khi chọn cho mình điểm đặt chân thật vững chãi nếu không có các anh. Đọc được suy nghĩ ấy, đại úy Hoàng Thành hướng dẫn “Chị hãy nhìn vào dấu cũ mòn trên đá, dấu lõm sâu vào đất, đó là chỗ tốt nhất để đặt bàn chân của mình vào. Dấu chân bà con dân bản đi từ bao đời nay mà thành đấy. Lính biên phòng tụi em cũng theo bà con dân bản thôi.” Tôi nhìn Thành tin tưởng và tiếp tục cất bước…
Từ bản Long Sơn điểm đầu tiên bắt đầu chặng đường vào Dốc Mây, chúng tôi vượt khe Biệt kích men theo suối Rào Mây mất chừng 5 km, tiếp đến là hai dốc cao. Dốc Sơn Gù do con đường vắt qua dốc được một thương lái tên là Sơn mở ra để vận chuyển mây. Dốc Là A do đây là con dốc dẫn vào bản Là A. Nay bản La A đã giải tán ghép vào các bản khác vì thiếu nước sinh hoạt. Lính biên phòng bước phăm phăm trên mọi loại địa hình. Có cảm giác như họ thuộc vị trí từng hòn đã, từng hẻm nhỏ, những cành cây, bụi cỏ trên đường. Rẽ đá mà đi. Rẽ nước mà đi. Rẽ cây rừng mà đi. Còn tôi, quờ quạng chiếc gậy trong tay trên những dòng suối nhỏ, níu lấy lưng biên phòng lẫm chẫm như trẻ lên ba trong những cú đổ dốc nghiêng trời. Trên hành trình vào bản Dốc Mây hôm đó chúng tôi phải vượt suối, vượt thác 15 lần, có nhiều đoạn nước ngập sâu đến ngực, chảy với vận tốc cao và ồ ạt, bộ đội biên phòng phải dùng dây vắt qua dòng suối để níu giữ từng người. Trong tôi không còn tư tưởng thoái chí ban đầu mà đã dần hứng khởi bởi những cú vượt suối ngoạn mục như thế và lòng cảm động vô cùng khi nhìn vào gương mặt bình thản của mấy anh lính đi cùng. Rừng sau cơn mưa ẩm ướt thâm u. Vượt tầm nhìn qua khỏi tầng cây sẽ thấy một khung trời cao rộng nhưng rừng lúc nào cũng nhờ nhờ tranh tối tranh sáng. Đó là không gian thuận lợi của vắt rừng. Ngửi thấy hơi người, vắt bắn ra như tên. Tôi mắt trước, mắt sau, mắt trên mắt dưới dè chừng. Những con vắt dài độ ngón tay, nhỏ như que tăm, nâu bóng, đu bám lên chân và hối hả tìm nơi hút máu. Tôi khiếp đảm khi lần đầu tiên trong đời nhìn thấy loại sinh vật ấy và gần như quên hết những khó khăn vừa trải qua, tập trung đề phòng những con vắt… Với vận tốc 1,5km/giờ, 6 tiếng đồng hồ sau bản Dốc Mây mới hiện hữu trước mắt tôi, lẻ loi giữa thâm sơn cùng cốc. Thấy bộ đội lên, đặc biệt trong đoàn có thiếu tá Trần Hữu Chung, lũ trẻ trong bản ùa cả ra đầu dốc. Có nhiều đứa vui quá hét vang “Thầy Chung”. Một cảm giác ấm áp lan tỏa trong chúng tôi. Có lẽ trong đời mình tôi chưa bao giờ được đón tiếp hồ hởi như ở Dốc Mây.
Cuộc sống ở bản Dốc Mây
Chuyện người thắp lửa bản Dốc Mây
Theo những người cao tuổi, bản Dốc Mây được hình thành tự phát trong quá trình du canh du cư của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Một bộ phận do chiến tranh tràn từ Lào xuống, một bộ phận di cư từ các bản lân cận sang, cố kết thành cụm dân cư nhỏ giữa rừng. Từ 4 hộ gia đình đầu tiên định cư năm 1969 đến năm 1986 Dốc Mây mới chính thức trở thành đơn vị hành chính của xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Toàn bản có 17 hộ với hơn 80 nhân khẩu. Bản nằm cách xa trung tâm xã hơn 10 km đường rừng, qua nhiều dốc cao, suối sâu và hiểm trở. Đặc điểm địa hình cư trú xa xôi và biệt lập là thiệt thòi lớn cho đồng bào. Đặc biệt trong vấn đề giáo dục. Những năm 2000 trở về trước, ngành giáo dục ở đây vẫn chưa đủ mạnh để có giáo viên về tận bản, sự học ở Dốc Mây được đưa vào kế hoạch nhưng vẫn là bản trắng giáo viên. Dân bản mù chữ 100%. Thực trạng này chỉ được chấm dứt kể từ ngày Thiếu tá Trần Hữu Chung và các đồng đội của anh trong quá trình vận động quần chúng đã phát hiện ra bản nhỏ đang tồn tại với “không có gì”. Anh là người đầu tiên xung phong đến nơi này để thực hiện sứ mạng của người thầy. Cùng lúc gánh vác hai trọng trách thiêng liêng: vừa vận động nhân dân giúp BĐBP bảo vệ chủ quyền biên cương TQ vừa dạy chữ cho nhân dân, Trần Hữu Chung đã vượt qua rất nhiều khó khăn của bản thân và những rào cản khách quan để làm tròn lời thề của người lính “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”.
Thiếu tá Trần Hữu Chung bắt đầu thực hiện công việc dạy chữ xóa mù cho đồng bào các dân tộc từ năm 1999. Sau gần 10 năm mang ba lô đi hết bản gần đến bản xa, năm 2007 anh đạp đá tai mèo, vượt những con dốc dựng đứng lên Dốc Mây “căm bản” với ước vọng mang ánh sáng văn hóa đến cho bà con dân tộc Vân Kiều. Đây là địa bàn xa nhất và cũng là bản duy nhất của xã Trường Sơn chưa có giáo dục. Dẫu đã quá quen với cuộc sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều nhưng ở Dốc Mây những ngày đầu tiếp xúc với đồng bào thật khó. Một cuộc sống lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên và bản năng, ăn của rừng, uống nước suối, ốm đau thì cúng bái, ngôn ngữ bất đồng, đồng bào chưa hiểu, chưa tin lời bộ đội. Vậy nhưng bằng kinh nghiệm vận động quần chúng đúc kết được trong hơn 10 năm trời và tấm lòng yêu thương thực sự, Trần Hữu Chung đã dành được niềm tin yêu của đồng bào. Anh về bản, đồng bào biết xây dựng bản làng, biết ăn ở vệ sinh ngăn nắp và đặc biệt toàn bộ dân bản đều được học chữ. Anh tắm giặt, cắt tóc gội đầu, khâu lại vạt áo rách, sắm từng cuốn vở, quyển sách, chăm chút mỗi đứa trẻ lúc ốm đau bệnh tật với tình thương ấm áp của người cha. Thấu hiểu được tình cảm của Chung, tin lời Chung dân bản ủng hộ anh, coi anh như người của bản. Nhờ đồng bào góp sức, Trần Hữu Chung có một nơi làm lớp học, dù chưa cao ráo khang trang cũng níu giữ anh ở lại với bản nhỏ mấy năm ròng rã. Những yếu tố cơ sở vật chất ban đầu để mở lớp tạm ổn nhưng vấn đề cốt lõi lại ở nơi những đứa trẻ. Hành trình đưa lũ trẻ đang chạy nhảy tự do ngoài sân vào ngồi yên trong lớp, dẫn từng cháu nhỏ đang nằm co ro trong góc nhà bước xuống cầu thang để đi học cái chữ tưởng rất ngắn lại quá dài. Chiều dài này không được đo bằng đơn vị tính mà bằng khoảng cách nhận thức. Chung đội mưa đội gió vượt qua đêm đen gõ cửa từng nhà, sẵn sàng làm thay những công việc mà trước nay lũ trẻ phải làm như trông em, hái củi… để lũ trẻ có thời gian đến lớp, đã vượt núi băng rừng đến tận từng rẫy lúa, nương ngô vừa lao động sản xuất với bà con vừa động viên từng người mẹ người cha xóa tan suy nghĩ “cái chữ không làm no cái bụng” mà cho con đi học. Sau mấy tháng trời kiên trì vận động, lớp học của Trần Hữu Chung có đến 25 học trò từ lớp 1 đến lớp 3. Từ ngày đó, trong đêm đen bản Dốc Mây sáng những ánh đèn, trong không gian thâm u miền sơn cước đã vang lên tiếng con trẻ ê a đọc bài . Từ ngày đó bên những lối nhỏ dẫn đôi chân vào rừng săn bắt hái lượm, chặt đốt cốt trỉa kiếm kế sinh nhai, đồng bào được bộ đội BP mở thêm con đường mới trong nhận thức, con đường về với cộng đồng, về với ánh sáng văn hóa. Trong lòng đồng bào dân tộc Vân Kiều bản Dốc Mây, ngày BĐBP lên cắm bản thực sự là dấu mốc không thể nào quên.
Với những cống hiến thầm lặng, Thiếu tá Trần Hữu Chung đã nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng của Bộ Quốc phòng, bộ GDĐT, của BTL BĐBP trong công tác xóa mù chữ phổ cập giáo dục tiểu học. Nhưng đó cũng là thời điểm cuộc đời anh gặp khúc quanh nghiệt ngã. Ngày Chung đang dạy học ở Dốc Mây, vợ anh qua đời đột ngột do bạo bệnh để lại 2 đứa con thơ dại. Những đứa con cần anh. Dân bản cũng cần anh. Hai vai trĩu nặng nghĩa phụ tử, tình quân dân, Chung quyết định đưa hai con trở lại Trường Sơn tiếp tục đồng hành cùng... Dốc Mây. Ban ngày dạy chữ cho lũ trẻ, ban đêm dạy chữ cho người lớn. Cứ như vậy trong gần 2 năm cắm bản, Trần Hữu Chung xóa mù cho 100% đồng bào ở đây. Dẫu âm sắc còn có phần ngọng ngịu, dẫu nét chữ vẫn chưa ngay hàng thẳng lối nhưng từ chỗ chỉ nói tiếng Bru Vân Kiều để giao tiếp, bà con dân bản biết nói tiếng Kinh, lũ trẻ biết đọc sách, biết múa hát tập thể. Lứa học trò đầu tiên của Chung học hết lớp 3, nhiều em chịu khó cõng sách ra trường trung tâm học tiếp cái chữ, có người giờ là trưởng bản, phó bản, đứng mũi chịu sào lo lắng cho đời sống đồng bào mình. Và đặc biệt chính từ sự khởi đầu đầy hiệu quả của Chung, ngành giáo dục đào tạo huyện Quảng Ninh đã có những quyết định đầu tư xứng đáng nhằm đẩy mạnh quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc Vân Kiều trên dọc dãi biên giới Việt Lào. Hôm nay, Dốc Mây có trường mới cao ráo khang trang, có thầy giáo chuyên trách ngày hai buổi miệt mài cùng lũ trẻ học chữ. Một ngày gần đây, chúng tôi theo chân thiếu tá Trần Hữu Chung trở lại Dốc Mây. Vẫn con đường gập ghềnh đá núi, vẫn những con thác nghiêng trời đổ nước, Dốc Mây khác xưa, người Dốc Mây khác xưa. Trong đời sống dân bản thấp thoáng bóng dáng miền xuôi. Hằng đêm, khi trưởng bản đến nhắc nhở từng nhà, lũ trẻ đã tự giác tìm sách vở để học bài. Bản còn lập được cả quỹ khuyến học để phát thưởng động viên những gia đình có con học tập đều đặn, khuyến khích những cháu có thành tích học tập cao. Đồng bào cũng biết biến nước thành điện để thắp sáng, có ti vi để xem, có đài để nghe nhạc. Ánh sáng văn hóa đã về với Dốc Mây bắt đầu từ ngọn đèn đêm đêm thiếu tá Trần Hữu Chung thắp lên từ hơn 5 năm trước. Trong lòng đồng bào dân tộc, thiếu tá Trần Hữu Chung là đứa con của mọi nhà, là thầy của dân bản.
Dốc Mây khác
Ngày chúng tôi đến, Dốc Mây sau cơn mưa quang quẻ tinh tươm đến không ngờ. Bản kề lưng vào con dốc phủ đầy mây trắng, bồng bềnh như trong cổ tích. Cô tịch, thơ mộng. Đầu bản, nhà ai mở catsset, loa thùng vỗ vào tim như trống dục “Đưa nhau lên tàu về quê ta sống vui hơn… .”. Cảm giác khác lạ khi nghe bài hát này giữa núi rừng Trường Sơn dâng lên trong tôi. Thấy Bộ đội Biên phòng đến, đồng bào tụ tập cả lại nhà Phó bản Hồ Hải và tổ chức nghi lễ đón tiếp người có ơn với bản dành cho Thiếu tá Chung. Lễ gồm một be rượu nhỏ và hai chén mắt trâu. Người cao tuổi nhất bản và thiếu tá Chung được mời ngồi ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà sàn. Trước linh hồn tổ tiên, trời đất, vị già làng lầm rầm khấn vái, đại ý cầu mong cho Thiếu tá Chung chân cứng đá mềm mà đi lại thường xuyên với dân bản, cầu cho dân bản bình yên no ấm và học được nhiều cái chữ. Hai chén rượu được già làng rót ra và làm phép. Thiếu tá Chung nâng cao ngang mặt rồi uống cạn. Một nghi lễ đơn giản nhưng lại ấm áp và cảm động vô ngần. Vỡ ra rằng, chẳng phải ở đời phú quý mới sinh lễ nghĩa như người ta thường nói. Ở cái bản nhỏ heo hút chốn góc rừng này, lễ nghĩa là nét văn hóa làm tôi bất ngờ- Thứ lễ nghĩa sinh ra từ tấm lòng, tồn tại lâu bền trong đời sống. Không như kiểu trả ơn có qua có lại, nặng về vật chất, lạt lẽo tình thân như ta thấy rất nhiều trong đời sống ngày nay. Sau nghi lễ nhỏ, dân bản vây quanh Chung. Ai cũng có vẻ rất vui và tất cả đều mang chuyện gia đình mình ra để báo cáo với anh. Mùa này nhà Hồ Hải thu được 15 bao nếp. Nhà Hồ Thế nuôi được mười mấy con bò với cả trăm con gà, già Hồ Thông gần 80 tuổi vẫn tươi da thắm thịt đi rừng lấy mật… Cháu nhà già bản Hồ Hừng nhờ có thuốc bộ đội đã được chữa lành bệnh, giờ chạy nhảy nô đùa với lũ trẻ ngoài sân. Chuẩn bị năm học mới, bọn trẻ đã có đủ sách vở để đến trường… Những đôi mắt sơn cước to tròn và sâu thẳm lấp lánh ánh cười, lấp lánh niềm biết ơn bộ đội.
Đêm ấy, bên bếp lửa nồng đượm và ấm áp, tôi được bà Hồ Thị Mai hát cho nghe những bài dân ca cổ của người Vân Kiều. Tiếng hát người đàn bà hút thuốc, trầm đục và u buồn rót vào đêm rừng thăm thẳm, ngấm vào máu thị người nghe. Tiếng hát cho tôi thấy trong dằng dặc kiếp người nương tựa rừng sâu núi cao để đánh tan cảm giác cô độc, vô hình chung con người ở đây đã tìm được cho mình cảm hứng bát ngát của tự do. Tôi bàng hoàng nhìn thấy trong đôi mắt chập chờn lửa ma mị và nghe tiếng hát củ kỹ, khê nồng của bà Mai một thứ âm thanh nổi tôi chưa từng thưởng thức.: “Bóng em lấp lánh như sao mới mọc/ Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu/ Ta đi tìm em, em ơi!/ Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy/ Ta đang lần tìm đến người, người ơi…”. Tim tôi rung theo điệu hát. Tiếng hát đưa tôi đi… đi như bị mộng du vào những đêm đi sim của trai gái bản. Lại nhận ra một thứ văn hóa khác của đồng bào dân tộc, văn hóa tỏ tình đắm đuối mà tế nhị, chân thực mà không thô thiển… Đêm Dốc Mây, dọng hát khê nồng của người đàn bà hút thuốc không lẻ loi. Tiếng con dế rừng ri ri ri ri, tiếng con bó cái gõ móng dưới sàn, tiếng bầy lợn con khụt khịt chen chỗ nằm, tiếng bầy gà lích rích trong cánh ả mái mơ… và tiếng những đứa trẻ ú ớ khóc mớ tìm vú mẹ. Trong ánh lửa bập bùng thức suốt đêm, tôi nhìn thấy bầu vú trẻ hồng rực như than đỏ, cứ ngỡ mặt trời đang mọc lên từ ngực người mẹ. Dưới mái nhà của đồng bào dân tộc Vân Kiều, đôi vú thây lẩy của người mẹ nuôi con là hình ảnh mang tính nhục thể duy nhất có thể tồn tại. Ngực trinh nữ chỉ được phô phang nơi suối vắng. Những cuộc mây mưa thuộc về bản năng sinh tồn chỉ diễn ra đâu đó ngoài thiên nhiên. Thiếu tá Trần Hữu Chung đã quá thông thuộc tập quán sinh hoạt của người Vân Kiều cho tôi biết “Đời sống tình cảm của người Vân Kiều rất phóng khoáng nhưng nề nếp. Trai gái bản phải lòng nhau, có thể đi sim qua mấy đêm liền, tuyệt nhiên không xảy ra quan hệ tình dục. Đó là luật tục bất thành văn của bản. Nhưng khi đã nên vợ nên chồng thì sự phóng khoáng mới trỗi dậy. Mối quan hệ vợ chồng của người Vân Kiều không bài bản đến cứng nhắc như chúng ta mà rất thú vị và phong phú. Mỗi đứa con ra đời trong một bối cảnh tạo tác thơ mộng. Suối… Rẫy… Rừng… Bất kể ở đâu nhưng không phải trong nhà. Ngôi nhà là chốn thiêng!
*
Dốc Mây lãng đãng khói trời. Tôi rời Dốc Mây khi con suối Rào Mây đã rút cạn. Con nước hung hãn uốn lưỡi sóng trắng chồm qua những mõm đá tai mèo hôm qua giờ chỉ là một dòng xanh miên man và nhu mỳ. Dốc Mây trở lại không gian tịch mịch và an phận với đơn côi giữa rừng.
Trở về thành phố tôi đem chuyện Dốc Mây kể với bạn tôi. Anh ấy hỏi :
- Vấn đề là đến rồi đi, có gì để nhớ?
- Bếp lửa của người Vân Kiều ở nơi ấy. Những bếp lửa không bao giờ tắt!
Những bếp lửa không bao giờ tắt! Cho nên dẫu xác xơ vì nghèo đói, dẫu tối tăm vì thiếu con chữ, tôi vẫn thấy trong mắt người Dốc Mây bao giờ cũng bập bùng ánh lửa. Cám ơn Dốc Mây đã cho tôi biết, dù gì thì gì, nếu trong mình không có lửa thì không thể sống được giữa đời một cách tử tế đúng nghĩa./.
Trương Thu Hiền