• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đọc "Những kỷ niệm tưởng tượng" từ tâm thức hiện sinh

20/04/2012 17:32

Thơ Trương Đăng Dung có thể xem như là một dạng thức của triết- thi. Lấy thơ để truy nguyên về căn bản nhận thức luận, bóc tách từng nhánh của phả hệ tri thức thì đó là quá trình Trương Đăng Dung tự- tư duy- lại Trương Đăng Dung.

Thơ Trương Đăng Dung có thể xem như là một dạng thức của triết- thi. Lấy thơ để truy nguyên về căn bản nhận thức luận, bóc tách từng nhánh của phả hệ tri thức thì đó là quá trình Trương Đăng Dung tự- tư duy- lại Trương Đăng Dung.

Để kiểm sai nhận thức luận của mình, con người thường sản sinh ra một ý niệm mới về hiện hữu nhằm phản tư với nhận thức đã qua. Một sự phản tư trở thành sự phê phán, là quá trình nhận thức về nhận thức, là sự bóc tách của tri thức về tri thức, của phá vỡ và hồi quy. Cũng là kiểm sai, cũng là hồi quy nhận thức, nhưng Trương Đăng Dung đã lấy thơ [1] để khỏa lấp sự nóng bỏng của lí tính, là phản tư bằng hình tượng nghệ thuật, bằng logic xúc cảm. Điều ấy giúp ông khai phóng nhận thức bằng thực tiễn sáng tạo và bằng sự cô đơn, khiếp sợ với thế giới bị tước bỏ tự do trong hiện hữu. Cũng chính bằng thơ, Trương Đăng Dung làm cuộc hồi quy vĩnh cửu về bản thể của mình, về chốn uyên nguyên lặng lẽ vốn bị thời gian và sự vật ruồng bỏ. Trở về với sự vật cũng là lúc con người được trở về với hữu- bản thể của nhân sinh, là hoàn tất một vòng trong biện chứng của nhận thức. Hãy xem ông làm điều ấy như thế nào?

“Bản thể là thời gian”, hẳn rằng, Heidegger đã cô đơn biết nhường nào khi bị thời gian và tha vật ràng buộc trong ý chí khốn cùng của kinh- hoàng [2], của khiếp sợ, của buồn chán. Ông buồn chán vì thấy tinh thần của mình bị thế giới vật thể “thiến hoạn”, mang nặng cảm giác bị cướp đi cái uyên nguyên tự do. Đọc thơ Trương Đăng Dung, cái bản thể con người nơi ông cũng hao hao như Heidegger, một ám ảnh chạy chốn, của xa lạ, của tha hương và trầm uất. Một nhận thức tìm thấy sự trầm uất của mình, thì điều ấy có nghĩa, họ nhận thấy sự trầm uất và phá sản từ phía tư tưởng người khác: Thôi em đừng khóc .rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi,. một ngày kia hết mọi buồn vui. chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ. bàn tay ta bất động giữa đất dày. bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy.”[3]. Thơ của Trương Đăng Dung có siêu thực không? Tôi thì nghĩ là không, trái lại, thơ ông là một hiện hữu ràng buộc của muôn mặt kiếp người. Nó hiện sinh như dự phóng không ngừng về thực tại, về thời gian, thì sao gọi là “siêu thực”? Trương Đăng Dung đã tự “thiến hoạn” tư tưởng của mình để trở thành hố thẳm nhận thức về cõi đời, về tự do và về mặc khải.

Con người sinh ra vốn đã bị bỏ rơi, bị thời tính làm cho quên lãng, sống trầm buồn, u uất hơn là vui và hy vọng, xây dựng tự do cho mình rồi lại tự mình cầm tù chính tự do ấy. Tại sao vậy?, vì “Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời. sông trả lời anh sông chỉ biết trôi,. anh hỏi ngọn núi. núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi,. anh hỏi con người. người trả lời anh bằng nước mắt rơi!” [4]. Con người im lặng, vì nó không muốn tiếp tục bị sự vật cướp đi dự phóng, không muốn mình bị “ném” ra bên ngoài, hòa chung cùng tha thể. Nhưng bi kịch thay, con người sinh ra đã tràn đầy ước nguyện, trở thành một hiện hữu hiểu biết. Vì là hiện hữu hiểu biết nên con người không ngừng dự phóng, khoác tinh thần của mình về phía người khác để họ hội nhập vào hiện hữu, và trở thành nhân thể bị vong bản- tinh thần. Con người càng hy vọng với thế giới lý tưởng của mình bao nhiêu thì con người lại càng xa cái hiện hữu uyên nguyên của mình, do đó con người lại kinh hoàng về hiện tại bấy nhiêu. Trương Đăng Dung đã biến nỗi đau của tha thể trở thành cuộc hành xác với chính mình. Thơ ông “buồn” nhiều hơn là “vui” và “hy vọng”. Vì sao vậy? Ông bi quan ư? Không. Một cá nhân biết buồn nhiều hơn vui và hy vọng là một cá nhân biết hướng về người khác, để họ hiện hữu nhưng cũng là để mình tự cô đơn. Nhưng khi cô đơn là khi con người đang tìm kiếm một lối thoát, một lối thoát u uất cho người và cũng là cho mình. “Buồn” không gì hơn là một trạng thái “phi đồng điệu” với lí tưởng của mình, là lý tưởng bị giam hãm trong hiện tại. Càng lý tưởng bao nhiêu, con người càng trượt dài với nỗi buồn và cô đơn bấy nhiêu. Vì sự vật và thời gian đã lấy hết dự phóng của con người, mà lý tưởng đã trở thành ngụy trá che đậy sự gặm nhấm của hiện hữu với sự thật tâm hồn. Mình càng ném mình để hòa chung vào thế giới, thì con người càng nhanh chóng nhận ra họ đã bị thế giới “hoạn thiến” không ngừng: “Có phải chúng ta đang bị tự nhiên lừa” [5].

Con người nhận ra sự kinh hoàng bên mình cũng là lúc nỗi sợ hãi bị đẩy lên cùng cực. Phải chăng con người bị “hăm dọa”? Thời gian đã hăm dọa con người hay con người đang tự hăm dọa chính mình. Nếu con người tự hăm doạ mình thì khác nào con người đã tìm cho mình điểm dừng chân của hiện hữu? Con người tự hăm dọa mình cũng có nghĩa con người tự quy giản mình vào uyên nguyên bản thể, vào cô đơn và sống trong cô độc. Khi con người cô độc cũng là khi con người chiêm nghiệm nhưng khi chiêm nghiệm con người lại kinh hoàng nhận ra thực tế của sự chiêm nghiệm. Vậy là, con người lại bị chính thế giới được chiêm nghiệm có trong mình cầm tù lại tự do ý thức của nó: Thấy không em đường chân trời trước mặt?. anh đã từng đến đó trong mơ.. có khi như Jésu đi trên mặt nước. lòng anh cao thượng, sáng trong,. có khi như một tên tội phạm. anh bước đi uất hận trong lòng,. có khi như một đứa trẻ hân hoan, ngơ ngác, chờ mong...” nhưng cuối cùng lại là “chúng ta nằm trên cỏ. sợ hãi trước chân trời.” [6]. Trương Đăng Dung đã thể thời gian vẩn quấn lấy mình, chịu đớn đau và xót xa trước thế tính đang bị “cướp đoạt”.

Thời gian là “mô thức tiên thiên” hay “thời gian bị đồng quy làm một với tiên thiên”? Sự tranh cãi này cũng vô ích như người ta từng tranh cãi về sự xuất hiện của siêu nhân, dù có thiên- hữu hay thiên- tả thì con người cũng bị thời gian làm cho khổ ải. Vì thời gian đã biến con người thành hiện hữu- hiểu biết, thành một dự phóng bất tận trên tha vật, cho nên thời gian đã phá hủy cái uyên nguyên ngây thơ, được sống trong lòng tự do của họ, nó hăm dọa mọi bước tiến độc lập về tư tưởng nhân loại, đồng thời cũng hăm dọa nhân tính sơ khai: Anh không biết dòng sông trôi về đâu. bốn mươi sáu ngàn năm nữa.. Có thể em vẫn nhớ một ô cửa của con tàu nơi anh đứng,. và bàn tay thấp thoáng vẫy trong đêm.. Có thể em vẫn nhớ những vầng trăng thức trắng. lá rơi thảng thốt trước thềm.. Có thể em vẫn nhớ một bóng hình, giọng nói. đã tan trong sương khói những kiếp người” [7]

Con người bị thời gian hăm dọa vì con người đang sợ hãi. Nhưng vì sao con người lại sợ hãi nếu như không có cái để sợ hãi? Vậy cái làm cho con người sợ hãi là gì nếu như chẳng phải sự lo âu. Thời gian đã bắt con người phải lo âu và chạy chốn khỏi chính mình, nhưng con người càng chạy chốn thì con lại càng vướng bận vào sự lo âu. Vì thế giới bao giờ cũng là thế giới được khai phóng, một thế giới được khai phóng là thế giới đã tràn đầy các ý niệm. Con người hiện hữu là khi con người muốn gạt bỏ các ý niệm tràn đầy để có một hố thẳm cho tư tưởng neo đậu, nhưng làm gì có hố thẳm để neo đậu trong cái thế giới hàng ngày phải đối mặt liên miên với những xung đột ý niệm, từ xung đột ý niệm chính trị, đến xung đột ý niệm khoa học, từ xung đột ý niệm nhân thế đến xung đột ý niệm tự tại. Và rồi con người nhận ra thực tế, họ đi ra hiện thể từ lo âu này rồi lại vượt biên ý thức để vướng vào lo âu khác, cả cuộc đời lặn ngụp trong lo âu, sợ hãi “muốn bay không cất nổi mình mà bay”: “ Ở New York chiều chiều. những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông. cứu những con chim sẻ. Ở Paris trước cửa Viện bảo tàng. người nằm ngáp. trâu xếp hàng mua cỏ… Khắp nơi

những đôi mắt. dính trên cổ những người không có mặt. những tiếng kêu. phát ra từ miệng những người không có cổ. những bàn chân. càng bước càng lún sâu vào đất.”
[8]. Công bằng mà nói, căn nguyên của lo âu có nguồn cội từ sợ hãi, nhưng sợ hãi, thì con người sợ hãi cho ai hay con người sợ hãi cho chính nó? Theo tôi Trương Đăng Dung sợ hãi cho người đời hơn là sợ hãi cho mình. Bởi vì, sợ hãi cho mình thì không khó, chỉ cần con người ích kỷ và tư hữu thì chẳng phải là con người đã sợ hãi cho mình sao? Nhưng sợ hãi cho mình thì làm gì có sáng tạo, làm gì có cái để đời. Sợ hãi cho người khác và vì người khác mới là căn nguyên của mọi đau khổ khó nói. Trương Đăng Dung đã để những điều khó nói trong tác phẩm của mình, để tự nó tâm sự với cuộc đời và để nó hiện hữu với cuộc đời. Ông sợ cho tha nhân, đồng thuận với nó, là tự mình sáng tạo tâm thể của mình, để tâm thể ấy cùng hướng về phía con- người- kia mà cùng lo âu với lo âu của họ, thì đó là mục đích nhận chân cuộc đời: “Sáng nay em gái tôi đột ngột ra đời. khi nhìn thấy tôi mẹ tôi cười đau khổ,. (mẹ ơi mẹ sinh em đâu phải là tội lỗi). em tôi nằm mặt cau có đầy nhăn. giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn.” mà căn nguyên “ngày ta sinh là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện. các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời. họ lấy nhau của mẹ ta làm đồ nhắm rượu. các nữ y tá nhìn ta. kinh nguyệt chảy màu máu còn tươi rói.không có bông, họ lấy tà áo choàng lau vội.” [9].

Sợ hãi sản sinh ra kinh hoàng, vì kinh hoàng là tổng hồi kết của tha- hương tinh thần, của việc ném mình vào vạn vật, của mặc cảm bất tín về thực tại. Hành nhân tinh thần ướm đặt khai phóng của mình vào những “tâm tình hoàn cảnh”, nhưng tâm tình rồi lại thấy phá sản trong nhận thức, cảm thấy mình sa đọa vào đối thể, và “buồn nôn” trước đối thể. Nhưng sa đọa lại là trạng thái hồi hương nhân tính, là xúc cảm về cố hương là suy xét thực tại bị tha hương hóa về nhận thức. Hồi hương tinh thần là giây phút hành nhân khổ ải tìm về chính mình, suy nghiệm và cắt nghĩa thực tại khai phóng vốn đã bị bóp méo, làm cho sô lệch. Tìm về chính mình là tìm về cảm xúc trinh nguyên, là dự phóng- thiếu vắng- dự phóng, là tự do không bị xâm hại, là trẻ thơ, là người điên không vướng bận suy tư. Đó là không gian cho sáng tạo, là thời gian tiên nghiệm hóa thực tại: “Anh không thấy thời gian trôi. thời gian ở trong máu, không lời. ẩn mình trong khoé mắt, làn môi. trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất. thành lời. về kiếp người ngắn ngủi.”[10].

Thời gian đã phá hủy tất cả tháp ngà của lí tính, nhưng nó lại giúp con người đồng quy cảm xúc về trạng thái ngưng đọng của nó, là giây phút họ được sống là mình, được hồi ức và tưởng tưởng. Con người tưởng tượng nhưng rồi lại bị ném trả lại hiện thực để đau khổ và sống cho đau khổ, vì con người vốn dĩ sinh ra đã là một-thân- phận, một thân phận lo âu và sợ hãi: “Tôi lớn lên ngơ ngác cõi người. tình thương, thù hận, buồn, vui. hun hút đường xa cát bụi. người đi không biết về đâu.”[11].

Nhưng xét đến cùng, mọi căn nguyên của khổ đau, chán trường, sợ hãi, khiếp đảm, ghê tởm với buồn nôn chẳng phải nằm ở ý niệm của con người hay sao? Chẳng phải là tạo hóa đã bắt họ chơi với diễn ngôn của họ sao? Con người vốn dĩ là một hiện hữu đau khổ, nhưng cái làm con người đau khổ lại đi ra từ chính con người, với những ước đoán đặt để, gán nghĩa, năng sản, vẽ vời, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là đau khổ cho mọi đau khổ. Và nguyên nhân ấy không nằm xa xăm huyền nhiệm ở những nương náu của tư tưởng mà nằm trong cái giúp con người tư tưởng: ngôn ngữ. Trương Đăng Dung đã chọn cho mình một diễn ngôn riêng biệt về bản thể luận, nhưng quan trọng hơn cả, ông đã chỉ ra căn nguyên khiến con người tự đồng quy với bị kịch của chính nó ở “những hiểu lầm” đáng sợ từ “trò chơi ngôn ngữ”. Trò chơi ngôn ngữ là một trạng huống của trò chơi thế sinh. Thế sinh bận bịu, gian nan, khổ ải là do con người hàng ngày đã giam mình vào những ràng buộc ảo hóa của ngôn ngữ: Ngôn từ kết nối. phân chia.. Một người nói một người nghe. một người nói nhiều người nghe. nhiều người nói một người nghe. nhiều người nói nhiều người nghe.[12]. Nhưng cũng chính ngôn ngữ giúp điều hòa thực tại sống con người, chuyển hóa chiến tranh thành hòa bình, cái chính là cách thức con người tiến hành cuộc chơi ấy. Trương Đăng Dung đã giải quyết mối bất đồng của ngôn ngữ bằng chính ngôn ngữ-của-những bất đồng: Người nghe lặng lẽ nghe. người nói thản nhiên nói. người nghe tự hiểu. người nói tự im. và ngôn ngữ. tự do tạo nghĩa.. Thế giới không thuần nhất. bấp bênh. những ý nghĩa thoả thuận.”[13]…và rồi con người nhận ra, trên tất cả mâu thuẫn: hạnh phúc/ khổ đau, tình yêu/ sự chết, dựng xây/phá hủy đều trở thành vô nghĩa, duy chỉ còn sự “im lặng” là thánh giá cho mọi cứu vớt, bởi vì “chúng ta đều sợ sự thật” [14].

 

Thơ Trương Đăng Dung có thể xem như là một dạng thức của triết- thi. Lấy thơ để truy nguyên về căn bản nhận thức luận, bóc tách từng nhánh của phả hệ tri thức thì đó là quá trình Trương Đăng Dung tự- tư duy- lại Trương Đăng Dung. Tư duy lại không đồng nghĩa với xét lại, vì xét lại là một hoạt năng thuộc động cơ phản- tiến bộ. Trong khi đó, tư duy lại là hướng về phía trước để thấy mình đang đi đến đâu ở phía sau, là vận động trong sự vận động, là nhận thức trong sự nhận thức. Do đó, tư duy luận lí-nghệ thuật của ông không bị nguội lạnh theo thời gian và theo những biến chuyển nhận thức, giống như quả lắc tư duy sau mỗi lần hướng về phía trước lại trở nên mạnh mẽ hơn khi sải bước về phía sau, luôn kiêu hãnh trước những gì vốn bị xem là lạc hậu, đồng thời không ngại ngần khi tiếp nhận những khả thể tiến bộ.

Ngô Hương Giang





[1] Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, NXB Thế giới, H.

[2] Gs. Lê Thành Trị đã gọi triết lí của Heidegger là triết lý về kinh hoàng: Lê Thành Trị (1969), Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài gòn, tr. 352.

[3] Ảo ảnh”: Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Sđd.

[4]Ảo ảnh” : Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Sđd.

[5] Anh chiếm chỗ bóng đêm”: Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Sđd.

[6] Chân trời”: Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Sđd.

[7] Có thể”: Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Sđd. 

[8] Giấc mơ của Kafka”: Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Sđd.

[9] Những kỉ niệm tưởng tượng”: Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Sđd.

[10] Anh không thấy thời gian trôi”: Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Sđd.

[11] Chúa đã ra đi”: Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Sđd.

[12] Thoả thuận”: Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Sđd.

[13]Thoả thuận”: Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Sđd.

[14] Nietzsche, F (1970), Tôi là ai?, NXB Phạm Hoàng, Sài Gòn, tr. 102 – 108 -109.

Tôi không thấy có thế kỷ nào ở quá khứ mà mình có thể vớt lên được bao nhiêu nhà tâm lý vừa thẩm thấu vừa tế nhị như ở Paris hiện nay… Có ai hiểu được Hamlet không? không phải sự nghi ngờ mà chính điều chắc chắn xác thực đã xô đẩy người ta đến chỗ điên loạn. Nhưng mình phải là sâu thẳm, phải là một hố thẳm, một triết gia thì mới cảm được như vậy. Tất cả chúng ta đều sợ sự thật”

NỔI BẬT TRANG CHỦ