(Tổ Quốc) - Phan Văn Chánh – gã độc thủ với biệt danh "vua tre"- hàng tháng kiếm gần cả trăm triệu đồng vẫn khao khát làm một mái nhà bằng gốc tre độc nhất vô nhị.
Ngã rẽ 22 năm trước
Ngôi nhà bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng ở thôn Hanh Đông (xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) hằng ngày vẫn vang lên những âm thanh quen thuộc từ tiếng đục đẽo, tiếng máy khoan. Ít ai ngờ rằng, âm thanh đó lại vang lên từ một lão “nghệ nhân” chỉ có một cánh tay, lại là cánh tay trái. Lão là “vua tre” Phan Văn Chánh, nay đã bước qua cái tuổi 50.
Nhấp chén trà ông Chánh kể, hồi năm 1985, gia đình ông vẫn còn nghèo khổ. Sau khi lập gia đình, ông làm bao nhiêu cũng không đủ ăn. Hồi ấy, ai kêu gì thì làm nấy miễn là có tiền nuôi vợ con. Trong một lần làm thuê cho cơ sở ép cây mía lấy đường, ông không may bị máy ép nghiền nát cánh tay phải.
Tai nạn ấy giống như một ngã rẽ buồn của cuộc đời ông, từ một thanh niên khoẻ mạnh, trụ cột chính trong gia đình, bỗng chốc bị mất cánh tay đã khiến cuộc sống ông Chánh rơi vào tuyệt vọng. Đã nhiều lần nghĩ đến những điều không hay, nhưng rồi nghĩ đến vợ con, Chánh không đành lòng.
Ông Phan Văn Chánh - mọi người thường gọi “vua tre”. |
Khi tư tưởng đã dần ổn định, ông bắt đầu đi làm lại. Tuy nhiên, vì chỉ còn một tay nên không ai thuê ông nữa. Khoảng thời gian đó, Chánh chuyển sang đan lát, làm những sản phẩm từ tre như thúng, rổ, nơm…để bán kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Đến năm 2006, huyện Đại Lộc hứng chịu một trận lũ lụt lớn khiến hàng tre dọc bờ sông Thu Bồn bật gốc, trơ trọi. Nhìn thấy những gốc tre cong veo, sần sùi, lộ thiên ra ngoài, ý tưởng về một sản phẩm độc đáo hiện lên trong đầu Chánh.
“Nghĩ là làm, ngay đêm hôm ấy tôi lên ý tưởng rồi vẽ ra giấy. Thức trắng đêm tôi mới phác hoạ xong bộ bàn ghế mà nguyên liệu chính chỉ làm từ gốc tre. Người hai tay làm đã khó rồi, mình một tay mà làm việc với những dụng cụ mộc này với gốc tre thì khó càng thêm khó”, Chánh kể.
Các công đoạn để biến gốc tre thành sản phẩm. |
Chánh cho biết, để hình thành một sản phẩm như một chiếc bàn, chiếc ghế ban đầu thì ý tưởng là cái quan trọng nhất. Sau khi đã có ý tưởng thì phải tìm dụng cụ phù hợp để chế tác. Và ông tự mày mò để chế ra các dụng cụ mà…chỉ mình ông dùng được.
Kiếm trăm triệu từ… gốc tre
Bộ bàn ghế sofa đầu tiên của ông Chánh được khách hàng mua với giá gần 30 triệu đồng. Chỉ riêng từ đầu năm 2017 đến nay, ông Chánh đã bán được cả chục bộ bàn ghế, bộ thấp nhất 20 triệu, cao nhất 32 triệu đồng. Ông bảo, một bộ như vậy mất một tháng để hoàn thành, đó là chưa kể tốn rất nhiều thời gian để đi tìm những gốc tre có độ cong và cân xứng với nhau.
“Giờ cái gì cũng muốn làm bằng tre cả, vừa độc lạ vừa sang trọng mà chưa ai có được. Những sản phẩm tôi làm ra, các đại gia từ mọi miền thi nhau mua mà không có hàng để bán cho họ. Giờ người ta thấy đồ độc thì tranh nhau đặt mua trước, chỉ cần sản phẩm chứ không quan tâm giá”, ông Chánh khoe.
Ông Chánh tự mày mò chế biến bằng một tay với các dụng cụ tự chế. |
Thế nhưng, kể về hành trình làm ra một sản phẩm bằng gốc tre độc đáo, Chánh bảo mình chỉ có một tay lần mò từng chi tiết chứ không ai giúp được. Vì ý tưởng là của mình, nhưng mình chỉ có một tay. Cái khó nữa là giờ muốn làm phải có gốc tre có hình dạng tương đương, mà nhờ người đi tìm gốc tre thì cũng khó vì không ai chịu đi tìm cả dù trả giá cao.
“Lúc mới bắt tay vào làm, cứ vài ngày tôi lại chở cả xe bò toàn gốc tre xù xì về chất trong nhà. Nhiều người thấy vậy nói tôi bị điên… Mỗi gốc tre cong mỗi kiểu nên phải tỉ mỉ chọn những gốc tre khớp với nhau để khi ráp lại sẽ được một cái ghế, cái bàn liền mạch, cứng cáp. Một bộ bàn ghế hoàn thành cần khoảng 40 gốc tre để chọn được vài gốc", ông bộc bạch.
Ông Chánh chia sẻ, vì gốc tre cong tự nhiên, bền, nếu biết cách sử dụng sẽ cho ra một bộ bàn ghế sofa với kiểu dáng bắt mắt. Và để thực hiện ý tưởng của mình, ông Chánh bắt đầu đi khắp nơi tìm những gốc tre mà người dân bỏ đi. Hay nghe tin ở đâu người dân bán tre thì ông chạy đến xin hoặc mua lại.
Các sản phẩm độc đáo làm từ gốc tre của ông Chánh được nhiều người săn lùng... |
Không chỉ làm bàn ghế sofa, “nghệ nhân làng” Phan Văn Chánh còn tạo nhiều sản phẩm khác như nôi, giường, bàn thờ, tủ trang điểm…Và dĩ nhiên, tất cả các sản phẩm của ông đều làm từ…gốc tre. Giờ đây, hàng của ông làm ra đã được nhiều người ở các nơi như Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Nẵng…tìm đến hỏi mua.
Dự định của người đàn ông này là trong thời gian tới có thể kiếm đủ gốc tre để làm ngôi nhà độc nhất vô nhị bằng tre. Tuy vậy, cái khó nhất bây giờ theo ông Chánh là, không tìm được những gốc tre ưng ý để thỏa lòng đam mê chế tác của mình.
“Tôi sẽ tiếp tục lên ý tưởng và ngày càng làm nhiều hơn những sản phẩm bằng tre để phục vụ mọi người. Bây giờ trong nhà tôi đa số mọi thứ đều bằng gốc tre rồi, như bàn thờ, ghế, nôi, giường…và sắp tới ý định tôi sẽ làm ngôi nhà của mình bằng chất liệu tre”, ông Chánh chia sẻ.
Phương Vy