(Tổ Quốc) - Sáng 29/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Đổi mới công tác giám sát của Quốc hội, HĐND
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp…
Về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang đổi mới tư duy xây dựng pháp luật mà đổi mới tư duy xây dựng pháp luật này yêu cầu vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện vừa là đòi hỏi bắt buộc các lĩnh vực khác có liên quan phải cùng tham gia vào.
Quốc hội có 3 chức năng cơ bản là xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vậy công tác đổi mới tư duy xây dựng pháp luật thì đòi hỏi giám sát phải đổi mới theo và việc quyết định các vấn đề cơ bản của đất nước cũng phải đổi mới theo. Do đó, đại biểu thống nhất lựa chọn phương án 1 trong dự thảo là Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 của Điều 3: Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.
Về quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo, đại biểu lựa chọn phương án 1 trong dự thảo luật. Theo nữ đại biểu tỉnh Thái Bình, việc chuyển thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận một số báo cáo từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp giữa năm sẽ giúp điều hòa hợp lý, giảm tải khối lượng công việc rất lớn của Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm; đồng thời tạo thuận lợi để Chính phủ; bộ, ngành trong quá trình thống kê, xây dựng báo cáo tổng hợp đầy đủ tình hình, số liệu trong 1 năm, làm cơ sở cho việc đánh giá toàn diện kết quả công tác trong năm của cơ quan chịu sự giám sát, khắc phục tình trạng các cơ quan phải lấy số liệu nhiều lần phục vụ xây dựng báo cáo trình Quốc hội , gây lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung trình tự, thủ tục để Ban của Hội đồng nhân dân đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Đảm bảo tính khả thi về việc giao cơ quan tham mưu giúp UBTVQH trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kiến nghị của cử tri
Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý về việc giao cơ quan tham mưu giúp UBTVQH trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kiến nghị của cử tri, đại biểu đề nghị dự thảo Luật này cần quy định để đảm bảo tính khả thi và hiệu lực các vấn đề liên quan đến nội dung này.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, việc giao UBTVQH quy định cơ quan tham mưu trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kiến nghị của cử tri thì có thể linh hoạt chỉ định cơ quan phù hợp với yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ ở mỗi giai đoạn khác nhau với các chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị được phân công, đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả của giám sát.
Về nội dung sửa đổi quy định trách nhiệm, chế tài trong thực hiện kiến nghị của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhận thấy, quy định trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của chủ thể giám sát đối với các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát là cần thiết. Đại biểu cho rằng, nếu chỉ đề cập chung chung là xem xét trách nhiệm thì chưa rõ và khó thực hiện khi Luật sửa đổi được ban hành.
Để đảm bảo tính ràng buộc, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cần bổ sung rõ ràng hơn các hình thức xử lý vi phạm, chẳng hạn như xử lý về hành chính, bãi nhiệm, hoặc là quy trình xử lý cao hơn theo từng cấp độ vi phạm của chủ thể chịu sự giám sát.
Đối với các hình thức về chế tài xử lý, đại biểu cho rằng, cần bổ sung nội dung cho phép các cơ quan giám sát kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp đề nghị báo cáo và đề nghị cấp ủy quyết định áp dụng các hình thức, biện pháp kỷ luật. Quy định như vậy sẽ khả thi hơn vì gắn trách nhiệm của cấp ủy đối với người đứng đầu theo các quy định hiện hành.
Đồng thời cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định về thời hạn để cơ quan chịu sự giám sát thực hiện kết luận giám sát là bao nhiêu ngày kể từ khi cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nhận được kết luận của cơ quan chủ thể và giám sát các nội dung. Bởi vì thực tiễn trong thời gian qua, mỗi Đoàn giám sát theo dõi và giám sát việc thực hiện là khác nhau.
Cho nên, trong lần sửa đổi này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị là nên quy định cụ thể (ví dụ như 15 ngày, 30 ngày, 40 ngày hoặc một thời gian cụ thể nào đó) để việc thực hiện này đảm bảo tính khả thi và người đứng đầu cơ quan chịu sự giám sát phải báo cáo giải trình lý do nếu không thực hiện đảm bảo theo thời gian đó.