• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối ngoại thể hiện rõ bản sắc của ngoại giao cây tre Việt Nam

Thời sự 18/01/2023 13:21

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông tin về hoạt động ngoại giao trong năm 2022 và những phương hướng trọng tâm năm 2023.

Ảnh BT Bùi Thanh Sơn.jpg

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG.

Một số đóng góp nổi bật của ngành ngoại giao trong năm 2022

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ngành ngoại giao Việt Nam trong năm 2022 có một số đóng góp nổi bật là:

Đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội, phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch Covid-19 với phương châm "lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước. Chúng ta đã quản lý tốt biên giới trên bộ, trên biển, giữ gìn đường biên hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đồng thời tăng cường đàm phán, đối thoại giải quyết tranh chấp, tăng cường hợp tác biển, củng cố tin cậy với các nước; kịp thời trao đổi, xử lý các vi phạm trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Về đối ngoại song phương, tiếp tục tăng cường, củng cố quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Chúng ta đã tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, trong đó, nhiều hoạt động mang tầm chiến lược và có ý nghĩa lịch sử, nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngoài ra, ta đã nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc lên "Đối tác chiến lược toàn diện" nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đưa tổng số nước có quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" với Việt Nam lên 04 nước; thiết lập quan hệ ngoại giao với quần đảo Cook, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại giao lên 190 nước.

Về đa phương, thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ghi nhiều dấu ấn quan trọng với việc được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77; trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025; trúng cử Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026.

Triển khai linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hoạt động ngoại giao vaccine, giúp Việt Nam có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Đây là kết tinh tổng lực, quyết liệt từ các cấp, các ngành và từ trong đến ngoài nước.

Làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Công tác bảo hộ công dân được triển khai thường xuyên, nhanh chóng, hiệu quả. Trong năm 2022, ta đã tiến hành bảo hộ cho khoảng 21.500 trường hợp công dân Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, ta đã cơ bản hoàn tất việc sơ tán an toàn khoảng 6.000 công dân, kiều bào khỏi khu vực chiến sự; phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại đưa 1.400 người lao động Việt Nam bị lừa đảo sang làm việc bất hợp pháp ở Campuchia về nước; tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân và đưa 700 ngư dân Việt Nam về nước.

Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa cả về nội dung và hình thức, tận dụng sức mạnh của công nghệ số; góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế và vận động quốc tế công nhận những di sản văn hóa giá trị của Việt Nam, nâng cao sức mạnh mềm quốc gia.

Thể hiện bản sắc rõ ràng của ngoại giao cây tre Việt Nam

Đánh giá về bản sắc của ngoại giao Việt Nam trước những biến chuyển lớn của thời đại, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết đối ngoại Việt Nam ngày càng thể hiện rõ ràng bản sắc để bảo vệ vững chắc và phát huy mạnh mẽ lợi ích của đất nước.

Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển".

Gốc vững chính là truyền thống tự lực, tự cường, là lợi ích quốc gia – dân tộc, được dẫn dắt bởi nền tảng tư tưởng của Đảng. Thân chắc chính là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn, là những cốt lõi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong thời kỳ Đổi mới đã được thực tiễn kiểm chứng và vun đắp hơn 36 năm qua. Cành uyển chuyển là ứng xử "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Tình hình càng phức tạp, thì càng kiên trì về nguyên tắc, càng linh hoạt về sách lược. Đối ngoại Việt Nam dựa vào cái bất biến là bản sắc đối ngoại, đường lối đối ngoại để ứng phó với cái vạn biến của thế giới, vì lợi ích quốc gia – dân tộc, lẽ phải, chính nghĩa, phù hợp với những giá trị chung của nhân loại, đóng góp vì một thế giới hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển.

Phương hướng trọng tâm của ngoại giao Việt Nam trong năm 2023

Đánh giá bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2022, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết trong năm 2023, ngành ngoại giao sẽ tập trung vào triển khai 6 ưu tiên sau:

Một là, tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại ổn định, hòa bình và thuận lợi để phát triển; đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác đi vào chiều sâu, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích; đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương; tham gia tích cực vào ASEAN, tiểu vùng Mê Công, Liên hợp quốc; tranh thủ hiệu quả các sáng kiến phát triển, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các khuôn khổ luật lệ, tiêu chuẩn mới; thúc đẩy ngoại giao phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…; ứng xử chủ động, linh hoạt, hiệu quả với các sáng kiến về liên kết mới ở khu vực, phù hợp với lợi ích, an ninh quốc gia của đất nước.

Hai là, góp phần vào duy trì ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo có nguy cơ suy thoái. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển. Chủ động nắm bắt và tham mưu các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, thị trường và đối tác nhập khẩu.

Ba là, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, nắm sát tình hình Biển Đông và biên giới trên bộ, vừa chủ động thúc đẩy hợp tác với các nước liên quan, vừa kịp thời tham mưu đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của Việt Nam; thúc đẩy đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và chủ động, linh hoạt và kịp thời trong đấu tranh nhằm phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc nhằm phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ, kích động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Bốn là, thúc đẩy nền ngoại giao hiện đại, toàn diện, trong đó tăng cường hiệu quả phối hợp giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tất cả các trụ cột, lực lượng làm công tác đối ngoại.

Năm là, phát huy vai trò của đối ngoại trong thúc đẩy bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của tình hình mới. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, nhất là các vấn đề tác động trực tiếp, lâu dài đến an ninh và phát triển của đất nước.

Sáu là, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, bản lĩnh và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách, phương pháp làm việc, có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Đẩy mạnh hiện đại hóa, chuyển đổi số ngành ngoại giao.


An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ