• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng phát triển ngày càng mạnh

06/06/2018 07:41

(Cinet) - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, hoạt động văn học-nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố.

(Cinet) - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, hoạt động văn học-nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Nhiều tác phẩm văn học Đà Nẵng đạt giải thưởng của hội nhà văn Việt Nam. Ảnh: drt.danang.vn

Nghị quyết 23-NQ/TW đi vào nhận thức văn nghệ sĩ

Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương về việc kiểm tra, khảo sát, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” trên địa bàn thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh: Để Nghị quyết số 23-NQ/TW đi vào thực tiễn, trong 10 năm qua, cấp ủy, chính quyền thành phố cùng các sở, ban, ngành đã tập trung triển khai quán triệt và thực hiện các nội dung của Nghị quyết. Từ đó, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân thành phố về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của VHNT được nâng lên và có sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt: quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật; nghiên cứu, phát triển lý luận văn học, nghệ thuật; củng cố, đổi mới hoạt động của các hội VHNT.

Nhìn chung việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả góp phần làm phong phú thêm đời sống VHNT cho nhân dân; các hoạt động VHNT của thành phố được nâng lên; năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ thành phố được phát huy; đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố phát triển ngày càng mạnh; vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành, Hội đồng Nghệ thuật, Hội đồng Khoa học của các Hội chuyên ngành ngày càng phát huy hiệu quả; tác phẩm VHNT ngày càng đạt nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan cấp khu vực, quốc gia, quốc tế; các chế độ chính sách cho văn nghệ sĩ được cải thiện... Qua đó khẳng định Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) đã đi vào nhận thức văn nghệ sĩ, đồng thời tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ, nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của VHNT trong đời sống xã hội. 

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong phát triển VHNT của thành phố: VHNT chưa phản ánh đúng những thành tựu công cuộc xây dựng đổi mới đất nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng; chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo của giới văn nghệ sĩ ở địa phương; việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở chưa tương xứng với phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; đội ngũ sáng tác có nguy cơ thiếu hụt lớp kế thừa.

Thành phố Đà Nẵng đã đầu tư có trọng điểm việc tổ chức các hoạt động văn hóa, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đi đôi với phát triển phong trào VHNT quần chúng. Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN)

Nâng cao nhận thức về văn học - nghệ thuật

Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW trên địa bàn thành phố cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý VHNT đã có nhiều chuyển biến tích cực. UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai công tác quy hoạch, xây dựng các công trình văn hóa. Cụ thể đã ban hành Quyết định số 2558/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao, Liên hiệp các Hội VHNT thành phố phối hợp tổ chức khá tốt các hội nghị, hội thảo, thẩm định tác phẩm VHNT; tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, giới thiệu nhiều tác phẩm VHNT đến với công chúng; tham mưu UBND thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của VHNT, khuyến khích văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, như: tái thành lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT thành phố, nâng cao chất lượng Đoàn ca múa nhạc - Nhà hát Trưng Vương và hoạt động của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục đầu tư có trọng điểm việc tổ chức các hoạt động văn hóa, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đi đôi với phát triển phong trào VHNT quần chúng; tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về VHNT đã được phê duyệt trong chương trình phát triển văn hóa, VHNT của thành phố; tạo điều kiện để quỹ sáng tạo VHNT thành phố hoạt động hiệu quả; đề xuất xây dựng nhà sáng tác cho văn nghệ sĩ thành phố; xây dựng chính sách khuyến khích sáng tạo và phổ biến tác phẩm, đặt hàng cho văn nghệ sĩ; có chính sách khuyến khích các tập thể và cá nhân đưa tác phẩm đến phục vụ công chúng miền núi, vùng sâu vùng xa; tăng cường đổi mới, phát triển lĩnh vực nghiên cứu, phê bình VHNT; mở rộng giao lưu VHNT với các tỉnh thành và nước ngoài;…

Điểm nhấn trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW là hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện phát triển đa dạng VHNT thành phố thông qua 2 nguồn quỹ: Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT của Trung ương và Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT của thành phố hỗ trợ văn nghệ sĩ xuất bản, giới thiệu tác phẩm đến công chúng.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tổ chức các hoạt động, hội thi, hội diễn cấp khu vực, quốc gia, quốc tế nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hoạt động VHNT thành phố. Ảnh minh họa (nguồn: Báo Văn hóa)

Từ kết quả đạt được, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW trong thời gian tới trên địa bàn thành phố là: tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về VHNT; chú trọng đến đội ngũ cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lí trên lĩnh vực VHNT; rà soát lại những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch số 1991/KH-UBND-VX chưa được triển khai hoặc triển khai nửa chừng thì tiếp tục triển khai thực hiện; Củng cố Ban Chấp hành, Hội đồng Nghệ thuật, Hội đồng Khoa học các Hội chuyên ngành theo hướng trẻ hóa, có năng lực quản lí điều hành trong công tác Hội để theo kịp với sự phát triển VHNT trong thời kỳ đổi mới; Đồng thời, nâng cao chất lượng bài vở của Tạp chí Non nước, Trang tin điện tử Văn nghệ Đà Nẵng ngày càng đáp ứng nhu cầu thông tin về các hoạt động VHNT; tổ chức các cuộc thi văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh… qua đó phát hiện những tài năng trẻ, đồng thời giới thiệu các tác phẩm có chất lượng đến với công chúng; đẩy mạnh hoạt động lý luận, phê bình VHNT, nâng cao chất lượng nghiên cứu nhằm đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, các quan điểm sai trái trong lĩnh vực VHNT; tổ chức các hoạt động, hội thi, hội diễn cấp khu vực, quốc gia, quốc tế nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hoạt động VHNT thành phố...

Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ:

Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Văn học, nghệ thuật Việt Nang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch.

Tài năng văn học, nghệ thuật và vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc.

Lan Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ