• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối thoại mỹ thuật Việt Nam với tranh khắc gỗ Nhật Bản

Văn hoá 23/01/2024 18:56

(Tổ Quốc)- Các tác phẩm mỹ thuật mang hơi thở thời đại, những nét đặc sắc trong văn hóa Việt trên nguồn cảm hứng từ những yếu tố tinh hoa của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản, đang được trưng bày trong không gian nhà Thái Học khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Ngày 23/1, triển lãm “Đối thoại với tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” do nhóm nghệ sĩ thuộc dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” thực hiện, với sự hỗ trợ của Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Quỹ Văn hóa Nhật Bản (Japan Foundation), đã khai mạc tại khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Đối thoại mỹ thuật Việt Nam với tranh khắc gỗ Nhật Bản - Ảnh 1.

BTC cắt băng khai mạc Triển lãm

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển, giảng viên hướng dẫn dự án cho biết, dự án “Đối thoại với tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” được thực hiện với mong muốn tiếp tục nối dài những cuộc đối thoại với nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, cụ thể là dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e, hay còn được gọi dưới cái tên Phù thế hội (những bức tranh của thế giới phù du hư ảo). Có thể nói, dòng tranh Ukiyo-e mang được đầy đủ giá trị tinh hoa trong sáng tạo cũng như tinh thần Nhật Bản.

“Dự án muốn đi xa hơn khi tạo nên những cuộc đối thoại xuyên văn hóa, xuyên quốc gia, với hy vọng sẽ viết tiếp và thúc đẩy những thực hành nghệ thuật thị giác lấy cảm hứng từ các giá trị văn hóa, giá trị mỹ thuật truyền thống của Việt Nam cũng như của các nền văn hóa khác. Đồng thời, dự án cũng khích lệ các hoạt động thực hành sáng tạo truyền thống, động viên các họa sĩ trẻ mới tốt nghiệp có thêm động lực và cảm hứng nuôi dưỡng đam mê sáng tạo nghệ thuật”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ.

Đối thoại mỹ thuật Việt Nam với tranh khắc gỗ Nhật Bản - Ảnh 2.

BTC tặng hoa các họa sĩ

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam- Nhật Bản. Triển lãm cũng là một món quà đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 dành cho công chúng Thủ đô và du khách, đồng thời góp phần xây dựng khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám thành một không gian sáng tạo của Thủ đô.

Triển lãm “Đối thoại với tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” giới thiệu 38 tác phẩm của 34 tác giả là các họa sĩ trẻ từng và hiện đang theo học tại Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm tạo hình mang hơi thở của thời đại, phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Việt qua những sáng tạo cá nhân trên nguồn cảm hứng học hỏi, nghiên cứu từ những yếu tố tinh hoa của dòng tranh khắc gỗ Ukiyo-e.

Những tác phẩm như “Đám cưới chuột, “Làng”, “Công thành danh toại”, “Tháng Giêng bất tận”, “Vũ điệu sắc màu”, “Người con gái hái dâu”, “Chuyện ngày thường”, “Đêm hè”, “Xinh”, “Trùng điệp”… là sự kết hợp mượt mà, nhuần nhụy giữa dòng tranh Nhật Bản với các chất liệu mỹ thuật truyền thống của Việt Nam là lụa, sơn mài, giấy dó, giấy giang... để kể câu chuyện về đời sống đương đại và sự giao thoa văn hóa.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 12/3.

Đối thoại mỹ thuật Việt Nam với tranh khắc gỗ Nhật Bản - Ảnh 3.

Kĩ thuật khắc gỗ của Nhật Bản (ukiyo-e) bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỉ XVII ở kinh đô Edo (Tokyo ngày nay) với các mẫu in đơn sắc. Sau đó từ giữa thế kỉ XVIII, tranh in màu nở rộ với sự xuất hiện của hai bậc thầy trong lĩnh vực này: Katsushika Hokusai và Utagawa Hiroshige. Đối tượng trong tranh chủ yếu là kĩ nữ, geisha, võ sĩ sumo hay các diễn viên kịch kabuki. Đề tài được khai thác trong tranh ban đầu là cuộc sống đầy lạc thú giữa chốn phồn hoa, điều này làm cho tranh khắc gỗ phần nào bị đánh giá thấp ở trong chính đất nước Nhật Bản thời bấy giờ.

Tuy nhiên, cảnh thiên nhiên, chim muông và cỏ cây bắt đầu nở rộ trong giai đoạn phát triển về sau của tranh khắc gỗ Nhật nhờ sự đóng góp to lớn của Hokusai và Hiroshige. Nếu Hokusai nặng về mặt hình thức thì Hiroshige lại chú trọng hơn vào việc diễn tả tâm trạng thông qua các tác phẩm của mình. Ukiyo-e sẽ mãi là báu vật của riêng Nhật Bản nếu không có sự mở cửa thương mại với phương Tây vào năm 1853.

Sau khi Hokusai và Hiroshige qua đời và sự Âu hóa trong cuộc cải cách Minh Trị năm 1868 khiến ukiyo-e trở nên suy giảm về cả chất lượng và số lượng. Trong khi kĩ thuật tranh của Nhật Bản trở nên lỗi thời trong nước thì ở phương Tây, nghệ thuật truyền thống ấy bắt đầu trở thành một cơn sốt bởi nét đặc trưng về mặt nội dung và kĩ thuật mang tính khác biệt vô cùng lớn.

Một số tác phẩm tại triển lãm:

Đối thoại mỹ thuật Việt Nam với tranh khắc gỗ Nhật Bản - Ảnh 4.

"Làng" - tranh sơn khắc của Nguyễn Hà Anh.

Đối thoại mỹ thuật Việt Nam với tranh khắc gỗ Nhật Bản - Ảnh 5.

"Trùng điệp" - tranh lụa của Nguyễn Thanh Thủy.

Đối thoại mỹ thuật Việt Nam với tranh khắc gỗ Nhật Bản - Ảnh 6.

"Chuyện ngày thường" - tranh lụa của Đặng Mỹ Linh.

Đối thoại mỹ thuật Việt Nam với tranh khắc gỗ Nhật Bản - Ảnh 7.

"Người con gái hái dâu" - tranh lụa của Trần Thị Hội lấy cảm hứng từ câu chuyện của nguyên phi Ỷ Lan

Đối thoại mỹ thuật Việt Nam với tranh khắc gỗ Nhật Bản - Ảnh 8.

"Vũ điệu sắc màu" - tác phẩm sắp đặt tranh sơn mài và tranh đa chất liệu của Bùi Kim Hiền và nhóm học sinh.

Đối thoại mỹ thuật Việt Nam với tranh khắc gỗ Nhật Bản - Ảnh 9.

"Đám cưới chuột" - tranh màu nước trên giấy giang của Hoàng Thúy Quỳnh (trên).

Đối thoại mỹ thuật Việt Nam với tranh khắc gỗ Nhật Bản - Ảnh 10.

"Đương thì tam mỹ nhân" - tranh chuyển thể sơn mài của Lê Thị Hải Yến.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ