(Tổ Quốc) - Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Năm 2016 là một năm đầy dấu ấn đối với ngành Du lịch; vất vả nhưng nhiều cảm xúc và đạt nhiều thành tựu. Năm 2016, ngành Du lịch đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Ngành Du lịch đã nỗ lực vượt qua những tác động không thuận lợi, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra.
“Ngành Du lịch đã có những bước tiến. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều ngổn ngang, hạn chế cần khắc phục. Cần phải cầu thị, nhìn thẳng vào vấn đề để tiếp tục khắc phục, đổi mới”.Tổng cục trưởng nói.
Năm 2016, Du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế, tăng 25,4% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015. Ngày 16/12, Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến về đề án “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; đồng thời nhất trí ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về thực hiện đề án trong tháng 12. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về nội dung dự thảo Luật Du lịch sửa đổi và cho phép bổ sung, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV. Tháng 8/2016, tại Hội An, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ; tại đây Thủ tướng đã chỉ đạo về các vấn đề then chốt nhằm tháo gỡ khó khăn, là tiền đề để tạo sự chuyển biến cơ bản cho phát triển du lịch trong thời gian tới.
TCDL họp báo về hoạt động du lịch năm 2016 |
Công tác quản lý nhà nước về lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. TCDL đã tổ chức 16 hội nghị quán triệt chủ trương nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú với sự tham gia của 47 tỉnh, thành; tiến hành tổng kiểm tra cơ sở lưu trú tại 22 tỉnh, thành là địa bàn du lịch trọng điểm. Theo Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn, đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 trong công tác quản lý nghiệp vụ của Tổng cục Du lịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Chiến dịch được tiến hành quyết liệt, công khai, minh bạch và nhận được sự đồng thuận của các địa phương, doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú tại Việt Nam; TCDL đã thu hồi quyết định công nhận hạng đối với 35 khách sạn phân khúc từ 3 – 5 sao. TCDL cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, nắm tình hình chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành; giám sát hoạt đọng hướng dẫn du lịch vào thời kỳ cao điểm khách du lịch tập trung đến các tỉnh miền Trung. Đồng thời xây dựng các đề án “Tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch”, “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lữ hành và hoạt động của hướng dẫn viên”, “Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch” nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý đồng bộ trên cả nước; tổ chức 22 lớp nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước về du lịch; công tác quy hoạch vùng và khu du lịch quốc gia được triển khai theo đúng định hướng của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật. Hàng loạt hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, khu vui chơi giải trí hiện đại mang tầm quốc tế của Vin Group, Sun Group, Mường Thanh, FLC… được đưa vào hoạt động nhằm gia tăng giá trị, hiện đại hóa cơ sở vật chất tại nhiều địa phương trong cả nước. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch cũng là một điểm nhấn trong năm 2016. Ngành Du lịch đã tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và triển khai các chiến dịch e-marketing nhằm nâng chất lượng truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam. Tham gia 10 hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức roadshow giới thiệu du lịch Việt Nam tại 16 thành phố của Trung Quốc và tại nhiều quốc gia khác. Tổ chức thành công các sự kiện du lịch quan trọng trong nước như Hội chợ VITM Hà Nội, BMTM Đà Nẵng; ITE TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao với việc thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về Du lịch và Thể thao vì sự phát triển bền vững… Bộ VHTTDL phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam triển khai thực hiện chương trình quảng bá về du lịch “VTVtrip – Du lịch cùng VTV”.
Công tác liên kết, phát triển sản phẩm du lịch mới được chú trọng. Năm Du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long đạt được nhiều kết quả tích cực với số lượng khách và tổng thu du lịch trong vùng đều tăng 20% so với năm 2015. Nhiều địa phương đã nỗ lực gắn kết, phát huy tiềm năng du lịch, tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách. Đặc biệt, TCDL đã hỗ trợ các tỉnh miền Trung khôi phục các hoạt động du lịch sau sự cố môi trường biển thông qua 2 hội nghị kích cầu du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch miền Trung tại Thái Lan, tổ chức 2 đoàn khảo sát đến các tỉnh miền Trung để chứng kiến môi trường đã được phục hồi, an toàn cho khách du lịch nhằm thu hút khách đến với các địa phương này.
Với những kết quả quan trọng đạt được trong năm 2016, cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 66 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 460 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Trong khuôn khổ buổi họp báo, lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã trao đổi với các phóng viên về đề cải thiện chất lượng cơ sở lưu trú du lịch; cơ cấu thị trường nguồn mục tiêu của Du lịch Việt Nam; định hướng xúc tiến quảng bá năm 2017, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của các đơn vị kinh doanh du lịch; triển khai visa điện tử… Các phóng viên cũng đã tiến hành bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Du lịch trong năm 2016.
Ngày 25/12, Ngành Du lịch sẽ đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu đến Việt Nam
Theo đại diện TCDL, lễ đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu đến Việt Nam sẽ được tổ chức tại Cảng hàng không quốc tế trên đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Sự kiện do Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang, Tổng công ty hàng không Việt Nam tổ chức, với sự hỗ trợ của Vietravel, Vntrip, Vinpearl, Mường Thanh...
Vị khách quốc tế thứ 10 triệu mang quốc tịch Anh, sẽ đến Cảng hàng không Phú Quốc trên chuyên bay VN1815 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam. Lãnh đạo ngành Du lịch sẽ tặng kỷ niệm chương cùng quà của các nhà tài trợ cho vị khách này. Đồng thời, các vị khách thứ 9.999.999 mang quốc tịch Đức và 10.000.001 mang quốc tịch Thụy Điển cũng sẽ được lãnh đạo ngành Du lịch tặng kỷ niệm chương và quà lưu niệm. Cả 3 vị khách đều cùng đến trên chuyến bay VN1815 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, sự kiện đón khách quốc tế thứ 10 triệu đến Việt Nam là một dấu ấn lịch sử, là sự mong đợi của toàn ngành Du lịch trong rất nhiều năm. Đây là mốc son đánh dấu sự thành công của ngành, kỷ lục tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cao nhất từ trước đến nay mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của Du lịch Việt Nam, vươn tới những thành tựu lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Được biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 2 mốc kỷ lục từ trước đến nay: Tổng số lượng khách nhiều nhất trong 1 năm (10 triệu lượt khách) và mức tăng tuyệt đối trong 1 năm nhiều nhất so với năm trước (trên 2 triệu lượt khách). Nhìn lại lịch sử, năm 1994, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vượt 1 triệu lượt; Năm 2000, vượt 2 triệu lượt; Năm 2005, vượt 3 triệu lượt; Năm 2008, vượt 4 triệu lượt; Năm 2010, vượt 5 triệu lượt; Năm 2011, vượt 6 triệu lượt; Năm 2013, vượt 7 triệu lượt; Năm 2015, đạt 7,94 triệu lượt; Năm 2016, vượt 10 triệu lượt.
Báo Du lịch