• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐỒNG NAI – Di Tích Chiến Thắng La Ngà

21/08/2015 09:30

(Cinet-DL)- Chiến thắng La Ngà là một trận phục kích xuất sắc và là sự cổ vũ lớn đối với sự nghiệp kháng chiến đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tổ chức chỉ huy và khả năng đánh vận động chiến của bộ đội chủ lực ta trên chiến trường Nam Bộ.

(Cinet-DL)- Chiến thắng La Ngà là một trận phục kích xuất sắc và là sự cổ vũ lớn đối với sự nghiệp kháng chiến đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tổ chức chỉ huy và khả năng đánh vận động chiến của bộ đội chủ lực ta trên chiến trường Nam Bộ.

1. Tên di sản/Di tích: Di tích chiến thắng La Ngà.



2. Thời gian: Trận đánh diễn ra lúc 15 giờ ngày 01/3/1948, do đồng chí Hoàng Minh Chánh chỉ huy.

3. Năm công nhận: Ngày 22/12/1986, căn cứ theo quyết định số 235/VH.QĐ, Bộ văn hóa thông tin quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia cho di tích chiến thắng La Ngà.

4. Vị trí/Địa hình: Di tích chiến thắng La Ngà nằm tại km số 104-113 trên quốc lộ 20 đi Đà Lạt, trực thuộc xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Từ thành phố Biên Hòa theo Quốc lộ 1A (hướng Bắc - Nam) tới ngã 3 Dầu Giây rẽ trái theo Quốc lộ 20 (hướng Đà Lạt) đến km 104 - 113 nhìn bên trái là đến di tích.  

5. Thổ nhưỡng: Tỉnh Đồng Nai có địa hình vùng đồng bằng và bình nguyên với những núi sót rải rác, có xu hướng thấp dần theo hướng bắc nam. Có thể phân biệt các dạng địa hình chính như sau:

- Địa hình đồng bằng gồm 2 dạng chính.

- Địa hình trũng trên trầm tích đầm lầy biển.

- Dạng địa đồi lượn sóng.

- Dạng địa hình núi thấp.

Nhìn chung đất của Đồng Nai đều có địa hình tương đối bằng phẳng, có 82,09% đất có độ dốc < 8o, 92% đất có độ dốc <15o , các đất có độ dốc >15o chiếm khoảng 8%. Trong đó: Đất phù sa, đất gley và đất cát có địa hình bằng phẳng, nhiều nơi trũng ngập nước quanh năm. Đất đen, nâu, xám hầu hết có độ dốc<8o, đất đỏ hầu hết<15o. Riêng đất tầng mỏng và đá bọt có độ dốc cao.

6. Khí hậu: Đồng Nai nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa tương phản nhau là mùa khô và mùa mưa.

Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Kết thúc mùa mưa thường vào khoảng đầu tháng 10 đến tháng 12.

Nhiệt độ trung bình từ 25 -27oC, nhiệt độ cao nhất khoảng 20,5oC .

Số giờ nắng trong năm khoảng 2.500 - 2.700 giờ.

Độ ẩm trung bình khoảng 80% - 82%.

7. Dân cư: Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, toàn tỉnh Đồng Nai có đủ 54 dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống. Trong đó dân tộc kinh có 2.311.315 người, người hoa có 95.162 người, người Nùng có 19.076 người, người Tày có 15.906 người, người Khơme có 7.059 người còn lại là những dân tộc khác như mường, Dao, Chăm, Thái...Ít nhất là người Si La và Ơ Đu chỉ có 1 người...

Dân số toàn tỉnh Đồng Nai đạt gần 2.665.100 người, mật độ dân số đạt 451 người/km²

8. Tóm tắt nội dung: Diễn Biến:

Sau thất bại của cuộc tiến công lên căn cứ địa Việt Bắc (Thu Đông 1947) thực dân Pháp tập trung lực lượng vào Nam Bộ, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn đánh phá các căn cứ nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta.

Hạ tuần tháng 2 - 1948, qua những thông tin mà ta nắm được, đầu tháng 3 địch sẽ tổ chức một cuộc họp quan trọng ở Đà Lạt bàn kế hoạch đẩy mạnh càn quét bình định Nam Bộ. Để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cuộc họp này, chúng sẽ đưa một lực lượng lớn hành quân bằng cơ giới theo đường bộ từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Bộ tư lệnh Nam Bộ giao nhiệm vụ cho Chi đội 10 (tương đương trung đoàn) được tăng cường Liên quân 17 (tương đương tiểu đoàn) và một số phân đội trinh sát, công binh, trợ chiến tổ chức tiến công tiêu diệt đoàn xe của địch.

Qua nghiên cứu, trinh sát, tìm hiểu tình hình, chỉ huy Chi đội 10 quyết định chọn đoạn đường từ La Ngà đến Định Quán để tổ chức trận địa phục kích. Đoạn đường dài khoảng 7km chạy quanh co theo các cánh rừng; điều kiện địa hình cao hơn mặt đường từ 1 đến 1,5m, nhiều chỗ cao hơn tới 5 đến 6 mét; đặc biệt, điểm cao 206 có thể khống chế toàn bộ khu vực. Đoạn đường xung yếu này được lực lượng tại chỗ của địch ở hai đồn La Ngà và Định Quán bảo vệ.

Do tổ chức phục kích trên đoạn đường khá dài, nên Ban chỉ huy Chi đội 10 quyết định chia làm ba khu vực A, B, C. Tiểu đoàn Xuân Lộc (thiếu đại đội 5) bố trí ở khu vực A (từ km 111 đến km 113) có nhiệm vụ chặn đầu diệt xe thiết giáp và lực lượng hộ tống. Liên quân 17 bố trí ở khu vực B (từ km 108 đến km 111) có nhiệm vụ diệt đoàn xe vận tải. Tiểu đoàn Tân Uyên bố trí ở khu vực C (từ km 105 đến km 108) có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng đi phía sau đồng thời sẵn sàng chặn đánh địch từ phía sau lên ứng cứu. Đại đội 5 (thuộc tiểu đoàn Xuân Lộc) được giao nhiệm vụ phối hợp với du kích các địa phương Hồ Hải, Trảng Bom, Bàu Cá quấy rối địch từ xa, nhằm làm chậm tốc độ hành quân của chúng, nhưng không được đánh đến mức địch lo ngại, dừng cuộc hành quân đã định sẵn. Ban chỉ huy Chi đội còn phái một phân đội trinh sát phối hợp với lực lượng quân báo Sài Gòn-Gia Định nắm chắc mọi hoạt động của địch ngay từ khi xuất phát. Sáng ngày 1-3, mọi công tác chuẩn bị chiến đấu của ta đã hoàn thành.

15 giờ ngày 1-3, sau khi cho máy bay trinh sát dọc theo trục đường, không thấy dấu hiệu khả nghi, đoàn xe hơn 60 chiếc của địch, có xe thiết giáp và một đại đội lính Âu Phi hộ tống tiến vào khu vực phục kích của quân ta. Đoàn xe lần lượt vượt qua các khu vực C, B. Vừa hành quân, địch vừa dùng hỏa lực trên xe bắn ra hai bên đường để trấn an tinh thần hòng nhanh chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Đúng 15 giờ 10 phút, bộ phận chặn đầu (khu vực A) nổ mìn diệt chiếc xe thiết giáp đi đầu. Ngay sau đó ở khu vực A và B, theo lệnh của chỉ huy, bộ đội ta bắn mãnh liệt vào đội hình xe địch, đồng thời ào ạt xung phong chia cắt, tiêu diệt từng chiếc xe của địch. Bị đánh bất ngờ, quân địch không kịp phản ứng, đội hình rối loạn, hàng chục chiếc xe đâm sầm vào nhau. Quân địch nhảy ra khỏi xe, phần lớn bị bộ đội ta tiêu diệt, số còn lại tháo chạy vào rừng.

Ở khu vực C, sau khi nghe thấy tiếng địa lôi của bộ phận chặn đầu, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tân Uyên lập tức cho nổ mìn diệt ba xe chở quân của địch, đồng thời ra lệnh cho đơn vị xung phong. Một số xe phía sau của địch thấy phía trước bị đánh liền dừng lại ở phía đông cầu La Ngà tổ chức lực lượng lên ứng cứu. Tiểu đoàn Tân Uyên dùng hỏa lực ngăn chặn, đồng thời chia thành nhiều mũi đánh vào hai bên sườn địch, bẻ gãy hai đợt phản kích của chúng, bảo đảm cho chi đội tiêu diệt đoàn xe địch rồi rút về Thành Sơn an toàn.

Chỉ sau ít phút chiến đấu, bộ đội ta đã phá hủy 59 chiếc xe các loại của địch, tiêu diệt tại chỗ 150 tên, trong đó có đại tá Pa-ruýt, Tổng tham mưu phó đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và đại tá Đờ Sê-ri-nhê, chỉ huy bán lữ đoàn lê dương thứ 13. Đây là một trận phục kích xuất sắc và là sự cổ vũ lớn đối với sự nghiệp kháng chiến đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tổ chức chỉ huy và khả năng đánh vận động chiến của bộ đội chủ lực ta trên chiến trường Nam Bộ.

* Tượng đài :

Kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, năm 1998 Đảng bộ, chính quyền  và nhân dân Đồng Nai đã xây dựng tượng đài chiến thắng ngay tại cao điểm 100, nơi diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch; tượng cao 15,5m, đặt trên bục 2,5m trong khuôn viên rộng trên 5ha.

Một số hình ảnh của di tích (nguồn: sưu tầm internet)



Hồng Quyên (Tổng Hợp)

Nguồn tài liệu tham khảo:


http://www.dongnai.gov.vn; https://vi.wikipedia.org; http://disandongnai.com

NỔI BẬT TRANG CHỦ