(Tổ Quốc) - Sáng 29/10, tại phường 6, thành phố Cao Lãnh, Lễ khánh thành Tượng đài sự kiện Tập kết 1954; Bàn giao hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ Tập kết, cán bộ đi B; Triển lãm tài liệu lưu trữ "Cao Lãnh – Ra đi để trở về" được tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức, đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm 65 năm 100 ngày Tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (29/10/1954 – 29/10/2019).
Tại buổi Lễ, ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp - chủ đầu tư xây dựng công trình cho biết: Công trình Tượng đài sự kiện Tập kết của điêu khắc gia Ngô Liêm được xây dựng từ tháng 9 năm 2017 trên khuôn viên 12.000m2, ngay tại địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử năm xưa. Tổng mức đầu tư công trình là 49 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Tượng đài và Phù điêu, sân lễ đài, sân đường nội bộ, hoa viên cây xanh, hồ nước, hệ thống cấp nước tưới cây, cấp điện chiếu sáng và chống sét.
Đặc biệt là phần mỹ thuật gồm Tượng đài và Phù điêu có ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng. Điểm nhấn của Tượng đài được tác giả xây dựng hình tượng 02 nhân vật: Người mẹ lưu luyến tiễn con đi tập kết, đứng trên đài sen cách điệu; hai bên tượng đài là 02 bức phù điêu, thể hiện hình dáng con tàu cách điệu ghi lại sự kiện 100 ngày bộ đội, học sinh tập kết tại Cao Lãnh với những hoạt động thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa quân và dân, thể hiện ý chí sắt son ra đi để trở về. Tượng đài cao 11m (không tính bệ tượng), trong đó, 02 nhân vật người mẹ và anh bộ đội cao 6m; đài sen cao 2m, rộng 10m; bệ tượng cao 3m, rộng 1,6 m; 02 bức phù điêu: mỗi bức dài 13 m, cao 4m với tổng khối lượng 500 tấn.
Phát biểu tại buổi Lễ khánh thành, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Công trình Tượng đài sự kiện Tập kết là biểu tượng cho lòng tin yêu, sự tri ân của Đảng bộ chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đối với cán bộ, chiến sĩ tập kết năm xưa. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân Đồng Tháp cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Đoàn Tấn Bửu gửi lời tri ân đến cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải – Người đã dành nhiều tâm huyết giúp tỉnh Đồng Tháp thực hiện nhiều công trình lịch sử văn hóa. Đây là công trình ý Đảng – lòng dân, để đáp đền sự hi sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, ông Bửu đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp và UBND thành phố Cao Lãnh thực hiện tốt việc quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Tượng đài sự kiện Tập kết một cách thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, những tấm gương anh dũng của các cán bộ tập kết, cán bộ đi B cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Tại buổi lễ, đại biểu còn được thưởng thức chương trình văn nghệ chào mừng với chủ đề "Ký ức ngày Tập kết" do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh thực hiện; xem phim tư liệu giới thiệu một số hình ảnh cán bộ đi B.
Trong khuôn khổ Lễ khánh thành Tượng đài sự kiện Tập kết, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Triển lãm tài liệu "Tập kết tại Cao Lãnh năm 1954 – Ra đi để trở về". Triển lãm gồm 4 phần: Hiệp định Giơ – ne – vơ năm 1954 và quy định việc tập kết; Tập kết, chuyển quân – ra đi hẹn ngày trở về; Nghĩa tình đồng đội và Nặng lòng miền Nam.
Cũng nhân Lễ khánh thành Tượng đài, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức bàn giao bản sao những hồ sơ, kỷ vật của các bác, các chú, các cô là cán bộ Tập kết, cán bộ đi B đã tìm được địa chỉ, mà trước đây trước lúc lên đường tập kết và đi B đã gửi lại cho tổ chức cất giữ đến ngày hôm nay. Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa và trách nhiệm của ngành Nội vụ và của tỉnh Đồng Tháp đối với các bác, các chú, các cô đã từng là cán bộ tập kết và cán bộ đi B.
Theo Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, cùng với hai tỉnh là Bình Thuận và Cà Mau, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (tức TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp ngày nay) được chọn làm điểm tập kết chuyển quân ra Bắc trong 100 ngày của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tại thời điểm đó, tỉnh Long Châu Sa đã đón tiếp và đưa tiễn 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam từ các tỉnh Mỹ-Tân-Gò, Long Châu Sa, Gia-Định-Ninh, Phân Liên Khu miền Đông và quân tình nguyện Cao Miên xuống tàu tập kết ra Bắc. Trong đó, toàn tỉnh Long Châu Sa có 2.563 người. Chuyến tàu cuối cùng rời bến bắc Cao Lãnh chở đoàn quân tập kết ra miền Bắc vào ngày 29/10/1954. 100 ngày tập kết chuyển quân là 100 ngày thắm đượm nghĩa tình quân dân đi vinh quang ở anh dũng. Mảnh đất Cao Lãnh đã chứng kiến cuộc chia ly vì nghĩa lớn thiêng liêng và cảm động mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, con tiễn cha, đồng chí, đồng đội tiễn nhau để lên đường tập kết ra Bắc. Với lòng tin sắt đá "hôm nay chia tay để ngày mai gặp lại trong cảnh huy hoàng của Tổ quốc". Trân trọng tình cảm mong mỏi và nguyện vọng của chiến sĩ con em miền Nam những người đã xuống tàu tập kết ra Bắc năm xưa, đồng thời ghi dấu ấn lịch sử to lớn này, tỉnh Đồng Tháp cùng các tỉnh, thành phố có cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam tập kết tại Cao Lãnh năm 1954 gồm: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh tiến hành xây dựng công trình Tượng đài tập kết năm 1954 tại Cao Lãnh sau khi được Chính phủ thống nhất. |