• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đồng Tháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình

19/03/2018 09:44

(Cinet) - Giai đoạn 2014-2017, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ, chính quyền, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào việc xây dựng gia đình phát triển bền vững.

(Cinet) - Giai đoạn 2014-2017, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ, chính quyền, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào việc xây dựng gia đình phát triển bền vững.

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác văn hóa, thể thao du lịch và gia đình tại Đồng Tháp.



Dù tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể, nhưng số vụ việc BLGĐ vẫn còn xảy ra và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống gia đình nói riêng và toàn xã hội nói chung. Giai đoạn 2014-2017, toàn tỉnh có 1.301 vụ BLGĐ (năm 2014 có 489 vụ đến năm 2017 còn 196 vụ giảm 293 vụ).



Nguyên nhân chủ yếu gây ra BLGĐ do tác động của nền kinh tế thị trường, điều kiện kinh tế khó khăn, thất nghiệp, do lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội dễ dẫn đến hành vi bạo lực mà trước hết là đối với các thành viên trong gia đình. Nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế, thiếu tôn trọng, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ làm phát sinh BLGĐ. Nhận thức của người dân và các cấp quản lý ở địa phương còn hạn chế về hậu quả của BLGĐ; tâm lý e ngại, thờ ơ, ít quan tâm đến các trường hợp có nguy cơ và chưa kịp thời can thiệp, xử lý vụ việc BLGĐ…  



Bạo lực gia đình gây ra hậu quả rất nghiêm trọng  gây tổn hại đến các mối quan hệ trong gia đình, là phần lớn nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng nhiều giữa các cặp vợ chồng. Ngoài ra, BLGĐ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và tâm lý của nạn nhân bị bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. (Giai đoạn 2014-2017, trong tổng số 1.301 vụ bạo lực gia đình có 1.237 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em)... Ngoài ra, trẻ em trong gia đình có bạo lực thường bị ảnh hưởng về tâm lý, tác động tiêu cực đến việc hình thành nhân cách… dễ sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. 



Trong thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã củng cố và xây dựng mạng lưới trợ giúp nạn nhân BLGĐ. Các Mô hình PCBLGĐ được duy trì và phát triển nhân rộng qua các năm. Nếu như năm 2013, toàn tỉnh có 434 khóm, ấp triển khai mô hình PCBLGĐ đến năm 2017 tăng lên 559 khóm, ấp triển khai mô hình PCBLGĐ gồm: 559 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, 516 Nhóm PCBLGĐ, 584 Đường dây nóng, 2.566 Địa chỉ tin cậy và 159 Tủ sách pháp luật đặt tại các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn và phát hiện kịp thời các vụ việc BLGĐ, hỗ trợ xây dựng gia đình phát triển bền vững tại các địa phương.



Các Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” ở địa phương thường xuyên lồng ghép những nội dung về gia đình, PCBLGĐ và bình đẳng giới, các kinh nghiệm cần học tập trao đổi trong chăn nuôi, trồng trọt, các mô hình nhân giống mới, các kỹ năng: sống; ứng xử trong gia đình; hoà giải, tư vấn khi có mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong tổ chức sinh hoạt 02 tháng/lần thu hút trung bình gần 12.742 người tham dự đã góp phần hạn chế BLGĐ.



Với các Mô hình PCBLGĐ được duy trì, nhân rộng và phát triển mạnh mẽ thu hút sự tham gia hưởng ứng của người dân, tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng xã hội về trách nhiệm PCBLGĐ và xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững trong thời gian tới sẽ tiếp tục kéo giảm BLGĐ đến mức thấp nhất.



Bên cạnh các kết quả đạt đươc, phòng trào PCBLGĐ còn nhiều khó khăn cần khắc phục như: Một số địa phương còn hình thức hóa công tác triển khai hoạt động, ngán ngại công tác tư vấn và hướng dẫn người dân nắm bắt kiến thức pháp luật, chủ trương mới của Nhà nước, nhất là về công tác gia đình và PCBLGĐ. Đội ngũ cán bộ công tác gia đình cơ sở còn hạn chế về năng lực chuyên môn và nghiệp vụ nên chất lượng tham mưu và hoạt động triển khai Kế hoạch PCBLGĐ đôi lúc chưa cao.



Bên cạnh đó, một vài nơi có hình thức sinh hoạt CLB chưa phong phú; công tác củng cố kiện toàn tổ chức mô hình PCBLGĐ chưa thường xuyên, có nơi không xây dựng được chương trình công tác, kế hoạch hoạt động nên còn bất cập trong tổ chức hoạt động, không duy trì được hiệu quả.



Dù tình hình BLGĐ có xu hướng giảm về số lượng nhưng tính chất và hình thức đa dạng, phức tạp hơn. Cách thức xử lý các vụ việc BLGĐ ở một số địa phương, đặc biệt là các vụ có tính chất nghiêm trọng, truy cứu trách nhiệm hình sự còn lúng túng, do chưa nắm rõ tình hình vụ việc, chưa theo dõi sát diễn biến để đề xuất lên cấp trên có hướng giải quyết dẫn đến các phương tiện truyền thông đưa tin, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội…



Đồng Phú
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ