• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dòng thời gian lấp lánh

Văn hoá 18/06/2021 07:54

(Tổ Quốcc)- Mãi đến năm ngoái, khi cùng tham gia chương trình Ký ức Hoà Bình của VTV1, tôi mới có dịp nói chuyện với NSƯT Kim Cúc, phát thanh viên nổi tiếng trên trên làn sóng của Đài TNVN từ những năm chiến tranh. Đối với thế hệ chúng tôi, tên tuổi và giọng nói của chị và các anh chị nghệ sĩ như Tuyết Mai, Trần Thị Tuyết, Việt Khoa..., đã gắn liên với một thời tuổi trẻ và những ký ức không quên.

Hôm tham gia chương trình, tôi lên muộn vì phần của tôi ở cuối. Chị Kim Cúc lên sớm để giao lưu ở phần đầu tiên. Vì tất cả khách mời đều có mặt ở phần cuối cùng nên chị ở lại chờ. Lúc gặp tôi, chị đang bị mệt, phải ngồi nghỉ ở góc hội trường.Tôi lại chào, chị rất vui và thân thiết như quen biết đã lâu. Ở tuổi 75, chị còn hoạt bát và minh mẫn lắm. Chị bảo :

Chị đọc nhiều bài của em, nhớ nhất là những bài trong chiến tranh tuy chưa có dịp gặp !- Và chị động viên : - Em viết rất tình cảm !

Dòng thời gian lấp lánh - Ảnh 1.

Tôi cũng có dịp bày tỏ tình cảm của mình với chị, người phát thanh viên đã từng chắp cánh cho các bài viết của tôi bay xa. Tôi kể với chị niềm vui khi trên chiến trường, những lần được nghe chị đọc bài viết của tôi, dù là các phóng sự, phản ánh trong chương trình Thời sự hay những truyện ngắn, bút ký trong chương trình Văn nghệ của Đài TNVN. Đối với một phóng viên trẻ như tôi ngày ấy, sự khích lệ động viên ấy thật lớn lao.

Tôi được biết, NSƯT Kim Cúc vốn là một diễn viên văn công quân đội. Chị trở thành một phát thanh viên khá tình cờ và như duyên phận, gắn bó với công việc này suốt đời. Giọng đọc của chị qua hàng ngàn bài báo trong gần nửa thế kỷ đã trở nên quen thuộc với bạn nghe đài trong chiến tranh và hoà bình, trở thành một phần trong ký ức của họ. Chị cùng với một đồng nghiệp nữa là người đã truyền đi bản tin chiến thắng đến đồng bào, chiến sĩ cả nước trưa ngày 30/4/75 lịch sử, một vinh dự nghề nghiệp lớn lao. Mặc dù tuổi đã cao, NSƯT Kim Cúc vẫn gắn bó với công việc đào tạo những thế hệ phát thanh viên mới trên sóng của đài TNVN. Một tấm gương thật đáng khâm phục.

Dòng thời gian lấp lánh - Ảnh 2.

Cùng với NSƯT Kim Cúc, qua sóng phát thanh, tôi cũng có những kỷ niệm không quên với NSND Trần Thị Tuyết và NSND Tuyết Mai. Đầu năm 1972, tôi vào Vĩnh Linh để chuẩn bị tham gia chiến dịch Quảng Trị. Sau khi thăm địa đạo Vĩnh Mốc, tôi có viết bài thơ “Giếng nước dưới địa đạo”, gửi ra HN. Ít tuần sau, các anh ở tổng xã nhắn vào là báo Văn Nghệ có đăng bài thơ này. Tôi chưa có báo nhưng rất vui. Một điều đặc biệt là sau đó ít lâu, khi chiến dịch giải phóng Quảng Trị nổ ra, trên đường hành quân trên đất Gio Linh, một đêm trong chương trình Tiếng Thơ, giữa bốn bề bom pháo vây quang căn hầm nhỏ, tôi được nghe nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm bài thơ này .

Dòng thời gian lấp lánh - Ảnh 3.

Chẳng có bóng cau xoã ngang trời

Những đám mây trôi các cô gái làng đùa nghịch

Chỉ mạch nước ngàn đời trong vắt

Giếng giữa lòng địa đạo hầm sâu ...

Tôi rất xúc động. Tiếng thơ, tiếng lòng của chị sâu lắng, dịu dàng mà vẫn ẩn chứa sức sống mạnh mẽ, kiên cường giữa những âm thanh hỗn loạn của chiến tranh  Ấn tượng ấy suốt đời tôi không bao giờ quên.

Với NSND Tuyết Mai, tôi cũng có những câu chuyện đáng nhớ. Giọng đọc của chị trong những năm tháng đã xa ấy luôn ấm áp gần gũi với mọi người trong các chương trình đọc truyện đêm khuya. Những truyện ngắn hay bút ký của tôi được chị đọc luôn để lại những cảm xúc thật đặc biệt. Nhớ về ngày ấy, ký ức của tôi luôn có hình ảnh các nhà thơ Trần Nhật Lam, Trần Mạnh Thường, Trúc Thông, Trần Nguyên Vấn..., các thành viên chủ chốt của Ban Văn nghệ Đài TNVN, những đàn anh thân thiết ở trong nghề và ngoài đời. Cùng với các chị Tuyết Mai, Kim Cúc, Trần Thị Tuyết, các anh cùng đã giúp cho các bài viết của tôi đến với đông đảo bạn nghe đài.

Năm 1982, kỷ niệm 10 năm Quảng Trị giải phóng, cùng với nhà văn Nguyễn Minh Châu, tôi đã đi khắp hai bờ sông Bến Hải, ra Cửa Việt, Cửa Tùng,l ên Khe Sanh, Lao Bảo... Điều đáng nhớ là sau khi báo Văn Nghệ đăng bút ký “Những đàn cò trắng bên sông Hiền Lương” của tôi, NSND Tuyết Mai đã đọc bài viết này trong chương trình Văn Nghệ. Khi các anh ở Đài nhắn tin, tôi đã báo vào Bến Hải cho anh Phan Chung, Bí thư Huyện uỷ, sau này anh là Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ. Vì anh Phan Chung đã đọc và thích bài viết trên báo Văn Nghệ, anh đã cho Đài phát thanh huyện tiếp âm cho đông đảo người dân Bến Hải cùng nghe. Sau đó, qua điện thoại gọi cho tôi, anh nói, chị Tuyết Mai đọc bài thật tuyệt vời, dân Bến Hải nghe rất cuốn hút.

Dòng thời gian lấp lánh - Ảnh 4.

Chuyện tưởng như vậy thôi, ai ngờ, ít tuần sau anh Phan Chung cho người đem ra Hà Nội một gói quà, gồm một miếng vải và gói mì chính của Thái Lan. Trong thư gửi kèm, anh dặn, miếng vải anh cho tôi may bộ quần áo, còn gói mì chính anh nhờ tôi đem đến biếu chị Tuyết Mai. Theo lời anh, mọi người cảm nhận được tình cảm của chị Tuyết Mai dành cho mảnh đất giới tuyến nhiều thử thách, hy sinh qua việc đọc bài viết đó. Tôi đem món quà đặc biệt ấy đến cho chị Tuyết Mai tại nơi làm việc trên phố Bà Triệu và chuyển lời của Bí thư Phan Chung cảm ơn chị. Tôi còn nhớ vẻ ngạc nhiên và xúc động của chị và lời dặn: “Quý hoá quá em ah. Em cho chị gửi lời cảm ơn anh Phan Chung và mọi người trong ấy nhé . Đây là một kỷ niệm rất đặc biệt đối với chị ! “.

Đối với những người thuộc thế hệ chúng tôi, nhất là với một người làm báo như tôi, những tiếng thơ, giọng đọc ”vàng" của các nghệ sĩ Trần Thị Tuyết, Tuyết Mai, Kim Cúc... và nhiều anh chị nghệ sĩ trên làn sóng của Đài TNVN là những âm thanh mãi sáng lấp lánh trên dòng thời gian và là một phần ký ức không quên về những năm tháng xa xanh ấy.


Trần Mai Hưởng

NỔI BẬT TRANG CHỦ