• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du khách háo hức đến Nhật Bản trải nghiệm dịch vụ đắt đỏ

Du lịch 21/02/2023 10:40

(Tổ Quốc) - Theo Nikkei Asia, ngành du lịch Nhật Bản đang phát triển nhiều dịch vụ hướng đến các khách hàng cao cấp.

Vào giữa tháng 11 năm ngoái, khi James Kent, nhân viên người Anh của một công ty du lịch đã được được trải nghiệm một đêm tại lâu đài của Nhật Bản để sau đó về quảng bá và bán dịch vụ cho khách. Vào thời điểm đó, Kent tự hỏi liệu có khách hàng nào của mình thực sự trả tiền cho những chỗ ở như vậy không vì giá lên tới 1,1 triệu yên (8.400 USD) một đêm cho hai khách.

Trải nghiệm như một lãnh chúa tại Nhật Bản

Với mức giá này, dịch vụ Kent nhận được cũng hoàn toàn khác biệt. Kent được chào đón bằng tiếng tù và cùng tiếng trống vang dội. Một đội samurai mặc áo giáp chào Kent và nhóm của anh, cũng như đối đãi với Kent như những lãnh chúa của lâu đài.

"Thật choáng ngợp," Kent nói và nhớ lại khung cảnh lúc đó, giống như trong phim samurai.

Lâu đài Kent là một pháo đài bằng gỗ đã được khôi phục lại ở Ozu, một thị trấn có khoảng 39.000 dân trên đảo Shikoku. Nơi này mở cửa cho khách qua đêm miễn là họ có đủ tiền mặt. Bất chấp mức giá rất đắt đỏ, đã có tới 11 nhóm khách đặt lịch nghỉ từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Có hai nhóm khách là từ nước ngoài. Cũng còn nhiều người khác đang chờ đợi để được nghỉ ở đây trong mùa hoa anh đào.

Du khách háo hức đến Nhật Bản trải nghiệm dịch vụ đắt đỏ - Ảnh 1.

Du khách sẽ được đối đãi như một lãnh chúa nếu trải nghiệm dịch vụ tại các lâu đài. Ảnh: Nippon Hotel/ Nikkei.

Ở Ozu, nơi từng nổi tiếng là vùng đất của những lâu đài, có rất nhiều ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân. Chính quyền thành phố đã cho thuê hoặc mua lại một số lâu đài và tòa nhà lớn không có người ở, biến chúng thành khách sạn. Mục tiêu là phối hợp với các doanh nghiệp địa phương để tận dụng các tài sản văn hóa của khu vực. Các gói lưu trú ở lâu đài, được tung ra thị trường vào năm 2020, chỉ là một trong những dịch vụ du lịch cao cấp của Ozu.

Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, đã có 1,37 triệu du khách nước ngoài đến Nhật Bản vào tháng 12 năm ngoái, lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu lượt kể từ tháng 2/2020.

Nhật Bản đã mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài từ tháng 10 năm ngoái và khởi động ngành du lịch. Dù vẫn còn ít du khách đến từ Trung Quốc đại lục – nơi vẫn đang nỗ lực vượt qua dịch Covid-19, nhưng nhìn chung, lượng khách từ đây cũng đang phục hồi.

Trước khi đại dịch xảy ra, lượng khách du lịch nước ngoài đến Pháp đã vượt quá 40% dân số nước này; ở Tây Ban Nha, tỷ lệ này là hơn 80%. Nếu Nhật Bản tiếp đón khách du lịch nước ngoài với tỷ lệ tương tự như Pháp, thì nước này sẽ có hơn 150 triệu du khách nước ngoài hàng năm.

Nhật Bản đã chào đón hơn 31 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm 2019, mức cao nhất mọi thời đại. Du lịch Nhật Bản cũng có tiềm năng tăng trưởng cao khi đã tạo được sức hút với du khách quốc tế.

Dịch vụ hướng đến người giàu

Nhiều thập kỷ giảm phát đã giúp xây dựng hình ảnh của Nhật Bản là một điểm đến chi tiêu bình ổn và thu hút được du khách nước ngoài. Hiện tại, họ đang bắt đầu phát triển các dịch vụ hướng đến những khách du lịch giàu có, những người sẵn sàng vung tiền cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ xa xỉ mà hầu hết người Nhật sẽ chùn bước.

Koichi Miyashita, Giám đốc điều hành cấp cao của Nhà máy rượu Sake Miyashita, ở thành phố Okayama phía tây Nhật Bản, muốn bán loại rượu sake junmai daiginjo cao cấp của công ty mình, được gọi là Miyashita Estate, tại các cửa hàng lưu niệm ở sân bay.

Loại rượu sake này có giá 100.000 yên cho một chai 720 ml, chưa bao gồm thuế tiêu thụ. Nguyên liệu là gạo sake nhãn hiệu Omachi, được trồng ở tỉnh Okayama. Gạo được sử dụng trong rượu sake đã trải qua quá trình xay xát và kích thước chỉ bằng 7% so với hạt ban đầu. Gạo cũng được đưa vào Điền trang Miyashita để xay xát đến từng hạt nhằm đảm bảo hương vị tinh khiết.

Kể từ mùa hè năm ngoái, Miyashita đã nhận được nhiều cuộc gọi hơn từ các công ty thương mại và khách hàng về các sản phẩm dành cho những người uống rượu giàu có. Những người này luôn muốn tìm sản phẩm để giải đáp câu hỏi: "Rượu sake nào đắt nhất?"

Một khách hàng ở Trung Quốc đã hỏi ông rằng liệu loại rượu của Miyashita có thể được đựng trong các chai pha lê nếu họ mua vài nghìn chai hay không. Chính vì thế, Miyashita đang nắm bắt cơ hội của mình để bán loại rượu sake đắt tiền cho khách du lịch nước ngoài và thậm chí bán cho họ những kỹ thuật ủ rượu của công ty mình.

Chỗ nghỉ cũng tương tự, đang dần trở nên cao cấp hơn. Palace Hotel Tokyo, nằm gần Cung điện Hoàng gia, cung cấp các dãy phòng lớn với giá từ 280.000 yên trở lên. Hạng mục này đã giúp nâng giá phòng trung bình của khách sạn lên mức cao nhất kể từ khi mở cửa trở lại vào tháng 12 năm ngoái.

Daisuke Yoshihara, Chủ tịch điều hành khách sạn này cho biết: "Chúng tôi không còn nhắm đến tỷ lệ lấp đầy phòng cao nữa. Cạnh tranh đã bắt đầu tập trung vào việc đáp ứng hai loại nhu cầu du lịch: 'Nhật Bản giá cả hợp lý' và 'Nhật Bản đắt đỏ'."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ