(Tổ Quốc) -Năm 2017, khách quốc tế đến TP.HCM đạt 6.3 triệu lượt, tăng 22.88% so với năm trước. Tuy nhiên, doanh thu du lịch lịch lại tăng không tương xứng khi chỉ tăng 12.6% so với cùng kỳ.
Mức tăng trưởng không đều
Theo số liệu báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, trong năm 2017, lượng khách du lịch đến TP.HCM tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, khách quốc tế đến thành phố đạt trên 6.3 triệu lượt, tăng 22.88% so với năm 2016; khách nội địa ước đạt gần 25 triệu lượt, tăng 14.6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng doanh thu ngành du lịch (nhà hàng, lưu trú, lữ hành) của cả năm 2017 chỉ tăng 12.6% so với cùng kỳ, đạt 115.978 ngàn tỷ đồng.
Doanh thu ngành du lịch đến từ những nguồn như nhà hàng, lưu trú, lữ hành, vận chuyển, mua sắm… Thế nhưng, trong thời gian qua, các mảng này không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, thừa nhận có vẻ như khách du lịch đến TP.HCM đang tiêu tiền ít đi hoặc có những kênh buôn bán khác đang diễn ra nhưng lại không đem lại thu nhập cho thành phố.
Trong ảnh là Lễ hội Lân Sư Rồng lần thứ 1 nhưng cũng là lần tổ chức duy nhất. |
Kênh buôn bán ấy, theo ông Vũ là dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb hiện đang phát triển nhộn nhịp với giá phòng ở thấp, mang lại cho du khách nhiều sự lựa chọn. Điều này tăng nguồn thu tốt đối với chủ nhà cho thuê nhưng đang làm cho khách sạn mất đi một lượng khách, mất đi một phần doanh thu.
Ngoài ra, xu hướng khách đặt tour, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn thông qua các trang đặt phòng trực tuyến của các đơn vị nước ngoài như agoda hay booking… khiến doanh nghiệp dịch vụ trong nước và doanh nghiệp lữ hành thất thu lớn.
Ở lĩnh vực mua sắm du lịch, đặc biệt là mua bán hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, sức mua giảm so với những năm trước. “Bây giờ, khách chỉ mua cỡ vài trăm ngàn đồng, thậm chí có người chỉ mua vài chục ngàn đồng”, đại diện một cửa hàng kinh doanh trên đường Nguyễn Trung Ngạn (Q.1), cho biết.
Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, mặc dù con số về lượng khách quốc tế đến TP.HCM tăng nhưng có thể trong số đó mục đích du lịch không nhiều bởi hiện nay chúng ta đang thống kê chung chung, cứ qua cửa khẩu thì được tính là du khách.
Chúng ta chưa phân loại rõ khách đi du lịch, chữa bệnh, công tác hay đi với mục đích khác và cũng chưa biết khách ở lại trong bao lâu dẫn đến việc đánh giá hiệu quả kinh doanh chưa sát với thực tế. Vì thế, dù lượng khách có đông cũng không đem lại doanh thu lớn.
Cần tạo sản phẩm tốt
Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về du lịch TP.HCM năm 2017, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, diễn ra mới đây, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Lã Quốc Khánh cho biết, năm 2018 TP.HCM sẽ chú trọng nâng cao chất lượng điểm đến, phấn đấu tăng trưởng từ 20% - 25% lượng khách quốc tế, tương đương đạt mức 7 - 7,5 triệu lượt so với năm 2017; khách nội địa đạt 29 triệu lượt, tăng khoảng 15,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Phố đi bộ Bùi Viện luôn là điểm thu hút du khách quốc tế mỗi khi đến TP.HCM. |
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng TP.HCM cũng cần quy hoạch lại các sản phẩm du lịch. Nên chuyển hướng khai thác các sản phẩm du lịch vào khoảng thời gian từ 6 giờ tối đến 2 giờ sáng, vì đây là sản phẩm rất hút khách, đem lại nguồn thu cực kỳ lớn, thay vì tập trung vào các sản phẩm hút khách ban ngày như hiện nay.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, doanh thu tăng trưởng thấp là do số lượng khách du lịch thuần túy đến ít hơn so với số liệu thống kê hay là do du khách đã giảm chi tiêu thì việc thành phố phải tìm cách để kích thích du khách chi tiêu, mua sắm vẫn rất cần được thực hiện.
Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, ngành du lịch TP.HCM nếu muốn tăng doanh thu từ du lịch, nâng tỷ lệ đóng góp từ lĩnh vực du lịch lên 20% như kế hoạch đã đề ra thì trong những năm tới TP.HCM cần làm cho sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn nữa.
Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về du lịch TP.HCM năm 2017, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, đã yêu cầu Sở Du lịch xây dựng, thống kê, đánh giá các sản phẩm du lịch đặc trưng trên địa bàn, từ đó có định hướng quảng bá, thu hút du khách phù hợp; giúp du khách quay lại TP.HCM nhiều lần, chi tiêu nhiều hơn.
Hiện tại, TP.HCM đang xây dựng mỗi tháng một sự kiện nhưng hầu hết chỉ mới dừng lại ở sự kiện văn hóa nghệ thuật chứ không phải là sản phẩm du lịch.