(Tổ Quốc) - Australia muốn tận dụng lượng du khách tới nước này để giải quyết thiếu hụt lao động trong nông nghiệp.
Australia ngày 5/11 tuyên bố sẽ gia hạn thị thực diện vừa du lịch vừa làm việc để các du khách trẻ có thể ở lại nước này lâu hơn – động thái giúp giải quyết phần nào tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp.
Sự thay đổi này cho phép khách du lịch -được gọi là muốn xin "visa du lịch ba lô" ở lại Australia tối đa ba năm nếu họ dành ít nhất sáu tháng làm công việc nông nghiệp.
Nhiều khu vực nông nghiệp của Australia đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong mùa thu hoạch. (Nguồn: Shutterstock)
Trước đây, thị thực cho du khách du lịch kết hợp làm việc tại Australia kéo dài 1 năm và đã cho phép khách du lịch ở lại năm thứ hai nếu họ có thời gian làm việc ở Lãnh thổ phía Bắc xa xôi.
Từ tháng 7/2019, thị thực theo diện này có thể kéo dài đến năm thứ ba miễn là họ dành sáu tháng làm việc tại các vùng nông nghiệp bị thiếu hụt lao động đặc biệt nghiêm trọng.
Các quy định mới đã được Thủ tướng Scott Morrison công bố trong chuyến thăm các cộng đồng nông nghiệp ở bang miền đông Queensland, một khu vực quan trọng mà chính phủ liên minh mong manh của ông phải giành lá phiếu trong một cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 5 năm tới.
Trước đó, chính phủ bảo thủ của Australia năm 2017 đã giảm thời gian ở lại của loại thị thực trên như một biện pháp hạn chế nhập cư.
Nhưng ngành nông nghiệp nước này đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong thời gian thu hoạch, đặc biệt là ở vùng nông thôn Queensland, điều đòi hỏi những thay đổi trong chính sách và khiến chính phủ đưa ra tuyên bố hôm thứ Hai vừa qua.
Hơn 200 nghìn thị thực du lịch kết hợp làm việc đã được cấp trong năm 2017-2-2018. Trong số 45 quốc gia có công dân đủ điều kiện tham gia chương trình này, số người đến từ Anh, Đức và Pháp chiếm tỉ lệ đông đảo nhất.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát được công bố bởi Đại học New South Wales tuần trước cho thấy, hầu hết sinh viên và du khách ba lô quốc tế đến làm việc tại Australia chỉ nhận được một phần nhỏ trong mức lương tối thiểu.