(Tổ Quốc) - Dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày là điều kiện lý tưởng để khắp nơi trên cả nước, đặc biệt là những địa danh du lịch nổi tiếng thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Tại Hà Nội, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ ngày 29/4 đến hết ngày 03/5), Thủ đô Hà Nội đón 719.000 lượt khách, bao gồm 69.500 lượt khách du lịch quốc tế và 650.000 lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2,4 nghìn tỷ đồng. Nhiều du khách đã lựa chọn các tour tham quan du lịch tại Thủ đô nhất là du lịch tại các điểm đến di tích di sản, bảo tàng, điểm đến ở khu vực ngoại thành Hà Nội.
Tại một số điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn Thành phố, lượng khách du lịch tăng trưởng mạnh mẽ như: Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám đón khoảng 30.000 lượt khách; Hoàng Thành Thăng Long đón 31.400 lượt khách; Khu du lịch Ao Vua đón 17.250 lượt khách; Khu du lịch Khoang Xanh-Suối Tiên đón 13.569 lượt khách; Vườn quốc gia Ba Vì đón 17.000 lượt khách; Bảo tàng dân tộc học đón 11.000 lượt khách; Làng cổ Đường Lâm đón khoảng 10.000 lượt khách; Di tích Nhà tù Hỏa Lò đón 27.410 lượt khách; Di tích Cổ Loa đón 5.000 lượt khách; Vườn thú Hà Nội đón 130.898 lượt khách; điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân đón khoảng 6.046 lượt khách và tại 03 điểm du lịch: Bát Tràng, Dương Xá, Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm đón 40.000 lượt khách…
Còn tại TPHCM, thành phố sôi động nhất cả nước, theo thống kê chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ này, khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí ước khoảng 950.000 lượt, tăng 126,2% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 420.000 lượt). Khách du lịch nội địa đến TPHCM ước khoảng 320.000 lượt, tăng 71,1% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 187.000 lượt).
Khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước khoảng 180.000 lượt, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 95.000 lượt). Công suất phòng ước đạt khoảng 70%-75%, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 70%)
Khách quốc tế đến TPHCM ước khoảng 48.000 lượt tăng 263,6% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 13.200 lượt). Doanh thu ước đạt 3.130 tỷ đồng, tăng 94,4% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 1.610 tỷ đồng).
Một trong những điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trọng đại của đất nước, bên cạnh 60 sản phẩm du lịch nội đô được các doanh nghiệp khai thác thu hút khách du lịch đến với Thành phố là Chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân TPHCM. Đây là một điểm nhấn đặc biệt quan trọng, lần đầu tiên được tổ chức. Sau 2 ngày tổ chức - Ban Tổ chức Chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân TPHCM đã đón tiếp hơn 1.500 lượt khách gồm người dân Thành phố, du khách trong nước đến từ nhiều tỉnh thành xa như Hà Nội, Hà Giang..., khách quốc tế, văn nghệ sĩ...
Nhiều người dân và du khách rất hào hứng về giá trị văn hóa - lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của Tòa nhà hơn 100 năm tuổi và ủng hộ việc mở cửa Trụ sở cho người dân và du khách tham quan. Chương trình được đánh giá là một hoạt động có ý nghĩa thể hiện sự cởi mở của chính quyền TPHCM trong giai đoạn phát triển mới; khẳng định mong muốn gắn kết ngày càng chặt chẽ với nhân dân và luôn hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ của chính quyền TPHCM.
Tại Thừa Thiên Huế, trong 5 ngày nghỉ lễ, ước tổng lượng khách đến Huế là 99.000 lượt, tăng 80% so với cùng kỳ 2022, trong đó có khoảng 36.300 khách quốc tế, tăng gấp 26 lần so với năm 2022, doanh thu du lịch ước đạt 153 tỷ đồng, tăng 80% so với 2022.
Trong đó, khách lưu trú ước đạt 54.400 lượt tăng 70% so với năm 2022, có 21.600 khách quốc tế, tăng gấp 27 lần so với 2022, công suất buồng đạt 85% (riêng 3 ngày 29/4, 30/4 và 01/5, các khách sạn trên địa bàn thành phố Huế công suất đạt 100%).
Thống kê riêng lượng khách mua vé vào tham quan các điểm di tích thuộc khu di sản văn hóa thế giới trong 4 ngày 29, 30/4, 01/5 và 02/5 đạt 69.031 khách (trong đó có 11.272 khách quốc tế và 57.741 khách nội địa). Ước tính có khoảng 250.000 lượt du khách và người địa phương đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động lễ hội Festival nghề truyền thống Huế trong dịp lễ này.
Tại Sa Pa (Lào Cai) từ ngày 29/4-02/5, ước đạt 95,254 lượt tham quan với tổng doanh thu ước đạt 327,674 tỷ đồng. Ước tính trong cả kỳ nghỉ lễ (hết ngày 03/5), lượng khách ước đạt 103.000 lượt khách, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu ước đạt 335,194 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2022.
Các điểm du lịch và các điểm du lịch cộng đồng cũng đã chuẩn bị chu đáo các hoạt động phục vụ khách du lịch với những sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, tạo được ấn tượng tốt cho du khách. Theo số liệu thống kê, năm nay khách du lịch có xu hướng đi tham quan trải nghiệm nhiều tại các điểm du lịch và du lịch cộng đồng. Đó là một tín hiệu vui về việc phân phối lượng khách trên địa bàn thị xã.
Trong kỳ nghỉ lễ trên địa bàn thị xã Sa Pa đã diễn ra 03 hoạt động chính : Lễ hội hoa hồng và Festival đường phố với chủ đề "Mộng mỵ Sa Pa"; Ngày hội khám phá di sản văn hóa dân tộc Dao năm 2023: Hoàn thiện và đưa vào phục vụ khách du lịch "Không gian trưng bày WOW Sa Pa" nhằm giới thiệu về hành trình 120 năm hình thành và phát triển của du lịch Sa Pa và những bức ảnh đẹp, tiêu biểu gắn với văn hóa, tự nhiên của Sa Pa. Không gian đã được đông đảo du khách đến tham quan để hiểu thêm hơn về lịch sử, văn hóa, tự nhiên và con người Sa Pa.
Tại Ninh Bình, ước tính dịp nghỉ lễ này, du lịch tỉnh Ninh Bình đón 342.708 lượt khách tăng 63,2% so với dịp nghỉ lễ năm 2022, trong đó khách quốc tế đón 24.338 lượt khách, tăng 190,8% so với dịp nghỉ lễ năm 2022; doanh thu ước đạt 320 tỷ đồng, tăng 60% so với dịp nghỉ lễ năm 2022; công suất sử dụng phòng đạt từ 85-90%.
Một số khu, điểm du lịch đón đông khách như: Tràng An 70.700 lượt khách, phố cổ Hoa Lư đón 69.500 lượt khách, chùa Bái Đính 65.600 lượt khách, vườn chim Thung Nham 44.900 lượt khách, Tam Cốc 31.000 lượt khách, vườn quốc gia Cúc Phương 14.810 lượt khách, Cố đô Hoa Lư 5.725 lượt khách. Công tác đón tiếp khách được các sở, ngành, địa phương tổ chức chu đáo, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch, phòng, chống dịch bệnh, giao thông đi lại được đảm bảo, an toàn.
Tại Bình Thuận, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 năm nay (từ 29/4 - 3/5), du lịch Bình Thuận ước đón 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, công suất phòng bình quân khoảng 70-90%, doanh thu ước khoảng 230 tỷ đồng.
Trong đó, lượng khách du lịch đến tỉnh tập trung đông nhất trong 3 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ (29/4-1/5), công suất phòng đạt bình quân từ 90-100% (khách sạn từ 1-2 sao và tương đương đạt công suất xây xỉ 90%, các resort, khách sạn từ 3-5 sao và tương đương công suất phòng đã đạt gần 100%. Đa số là khách du lịch nội địa đến từ TPHCM, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, các tỉnh Tây Nam Bộ, Hà Nội…
Theo đánh giá của ngành du lịch Bình Thuận, dịp lễ năm nay cùng lúc với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thông xe nên khách chủ yếu du lịch theo gia đình, nhóm bạn bè và khách lẻ bằng phương tiện xe cá nhân. Bên cạnh đó, số lượng du khách ít hơn đi theo tour đến Phan Thiết - Bình Thuận qua các công ty lữ hành và đặt phòng qua các trang mạng chuyên bán tour. Ngoài chuẩn bị chu đáo về nhân lực, chất lượng dịch vụ để đón khách, các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch thuộc các khu du lịch trọng điểm của tỉnh còn tổ chức các sự kiện, hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu của mọi đối tượng khách. Như tại The Cliff Resort & Residences, chiều 1/5, đã diễn ra Lễ hội Diều với sự tham gia của hàng trăm du khách trong nước và quốc tế.
Còn tại Bình Định, theo thống kê lượng khách du lịch ước đạt 249.700 lượt khách , tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2022 (dịp lễ 30/4, 1/5 năm 2022 đạt 230.570 lượt khách), tổng doanh thu ước đạt: 257,2 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022: 227 tỷ đồng).
Lượng khách tham quan tại các khu, điểm du lịch tăng cao, ước đón 167.800 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022 (dịp lễ năm 2022 đạt 152.570 lượt khách).
Trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-01/5, UBND tỉnh Bình Định tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Bình Định năm 2023 với chủ đề: " Quy Nhơn-Thiên đường biển-Rực rỡ sắc màu" tối ngày 29/4 đã thu hút 30.000 cán bộ, nhân dân và du khách đến tham quan, thưởng thức đêm nhạc, tăng gần gấp 3 lần so với với năm 2022 (năm 2022 thu hút hơn 10.000 lượt).
Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Du lịch Bình Định phối hợp với Công ty Cổ phần truyền thông Hexa tổ chức Lễ hội khinh khí cầu quốc tế với chủ đề "Quy Nhơn, Bình Định - Thiên đường biển", diễn ra trong 10 ngày từ 25/4 đến 5/5 đã thu hút mỗi ngày khoảng 3.000-4.000 người dân và du khách tham gia Lễ hội;
Tại Cà Mau, tổng lượt khách tham quan, vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh (tính từ ngày 29/4 đến ngày 3/5) có 222.771 lượt khách (trong đó; 195.202 lượt khách tham quan, du lịch; 25.830 lượt khách từ các cơ sở lưu trú du lịch, 1.739 lượt khách từ các Công ty lữ hành), tăng 267,6% so với cùng kỳ 2022 (83.000 lượt khách). Tổng thu du lịch kỳ nghỉ lễ là 163,37 tỷ đồng, tăng 211% so với cùng kỳ 2022 (77,4 tỷ đồng).
Các điểm thu hút du khách tham quan: Khu du lịch Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) với gần 10.500 lượt khách, Khu du lịch Khai Long trên 4.500 lượt khách, Điểm du lịch sinh thái Hương Tràm (huyện U Minh) 8.800 lượt khách; Hội chợ thương mại, Ngày hội Bánh dân gian TP. Cà Mau thu hút hơn 43.700 lượt khách và các điểm khác hàng nghìn lượt khách. Đây là kết quả đáng phấn khởi trong lĩnh vực du lịch của tỉnh Cà Mau.
Nhiều hoạt động văn hóa - thể thao đã được tổ chức, thu hút đông đảo công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia. Đặc biệt, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng tại Đền thờ Vua Hùng (xã Tân Phú, huyện Thới Bình), Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ III được tổ chức tại TP. Cà Mau tiếp tục thu hút hàng nghìn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Sự kiện trên còn kết hợp với việc khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên Cà Mau – Hà Nội, Tàu cao tốc Cà Mau – Nam Du – Phú Quốc,… kết nối du lịch Cà Mau với các khu, điểm du lịch ngoài tỉnh (bằng đường bộ, đường hàng không, đường biển), tạo điều kiện kích cầu, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm và vui chơi, giải trí trong kỳ nghỉ lễ.