(Tổ Quốc) - Nhiều quốc gia đang bắt đầu phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19 thông qua việc nhanh chóng triển khai tiêm chủng hàng loạt và định hướng phát triển trong môi trường bình thường mới, theo nhận định của trang New Straits Times (Malaysia).
Số ca mắc mới ở Đông Nam Á đã giảm xuống dưới 10% so với mức cao nhất và nhiều quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế và mở lại biên giới. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng như khách sạn và du lịch đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Theo công ty tư vấn quản lý quốc tế Roland Berger, trước khủng hoảng, Đông Nam Á đã đón hơn 140 triệu khách du lịch quốc tế và ngành du lịch đã tạo ra hơn 390 tỷ USD cho nền kinh tế vào năm 2019, chiếm hơn 13% tổng GDP của khu vực.
Tại Malaysia, việc đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại đã khiến lượng khách du lịch giảm gần 99%, từ 26,1 triệu vào năm 2019 xuống còn khoảng 0,1 triệu vào năm 2021.
Ngành du lịch ở Đông Nam Á dự kiến sẽ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2024. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia ở Đông Nam Á có nền kinh tế dựa nhiều vào du lịch, chẳng hạn như Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
Trong khi du lịch đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia nhưng cũng tạo ra nhiều ô nhiễm đáng kể, ảnh hưởng đến nhiều điểm nóng du lịch và gây sức ép đối với tài nguyên.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã mang đến một khoảng thời gian tĩnh lại để khu vực Đông Nam Á tái định hình một ngành du lịch bền vững hơn.
"Vượt lên những hệ lụy của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với ngành du lịch của khu vực, Đông Nam Á có cơ hội xây dựng lại và trẻ hóa lại ngành, với trọng tâm là tính bền vững. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ khách hàng của mình trong lĩnh vực này trên hành trình phát triển bền vững của họ", John Low, một quan chức phụ trách khu vực Đông Nam Á của Roland Berger cho biết.
Cấp thiết phát triển du lịch bền vững
Ngành du lịch hiện chiếm khoảng 10% lượng khí thải carbon dioxide gây biến đổi khí hậu. Ở Đông Nam Á, một số điểm đến phải chịu sức ép của tình trạng quá tải du lịch trong khi hệ thống quản lý chất thải còn kém.
Ngoài ra, việc đón quá nhiều khách du lịch cũng đã mang đến một số thiệt hại không thể khắc phục đối với các di sản văn hóa quan trọng, chẳng hạn như Angkor Wat ở Campuchia và Borobudur ở Indonesia.
Nhiều cộng đồng địa phương tại các điểm du lịch nổi tiếng cũng đã phải di dời để nhường chỗ cho việc phát triển thêm cơ sở hạ tầng phục vụ du khách.
Chính phủ và các tổ chức tư nhân đã thực hiện nhiều nỗ lực để giảm bớt những vấn đề này. Nhiều vườn quốc gia ở Thái Lan đã đóng cửa trong một thời gian nhất định để hạn chế khách du lịch và để thiên nhiên có không gian và thời gian phục hồi.
Tương tự, số lượng du khách hàng ngày cũng đã bị giới hạn tại các điểm du lịch nổi tiếng ở Philippines, chẳng hạn như đảo Boracay. Phí vào cửa mới cũng đã được áp dụng để tài trợ cho các nỗ lực bảo tồn.
Dù vậy, những nỗ lực này chưa được thực hiện trên diện rộng và lúc này chính là cơ hội để Đông Nam Á định hình lại các ưu tiên phát triển du lịch của mình. Đà phục hồi sau đại dịch và phong trào toàn cầu hướng tới sự bền vững cũng sẽ thúc đẩy một tương lai du lịch bền vững cho Đông Nam Á.
"Nhu cầu du lịch bị dồn nén và ý thức nhiều hơn của khách du lịch mang đến cơ hội thúc đẩy du lịch bền vững. Đây là thời điểm để Đông Nam Á sắp xếp lại thứ tự ưu tiên và tập trung vào việc xây dựng các điểm đến bền vững lâu dài", Sulina Ka, người đứng đầu Bộ phận Phát triển Kinh tế Đông Nam Á của Roland Berger cho biết.
Khách du lịch có ý thức và thận trọng hơn, không chỉ về các vấn đề sức khỏe và an toàn mà còn về ảnh hưởng và tác động từ các lựa chọn của họ đối với môi trường.
Sự thay đổi nhu cầu từ du lịch đại chúng sang du lịch chất lượng
Tận dụng xu hướng này, Malaysia đã công bố tham vọng phát triển nhiều trải nghiệm du lịch thích hợp hơn trong tương lai với sự nhấn mạnh hơn vào các hoạt động ngoài trời, sản phẩm du lịch gần gũi với thiên nhiên và du lịch nông thôn.
Việc mở lại dần dần các điểm đến cũng cho phép áp đặt các giới hạn và quy định mới tại các điểm du lịch. Hạn chế số lượng du khách hàng ngày, bố trí lại các khu vực dành cho hoạt động thương mại và khoanh vùng các khu vực phát triển tiềm năng mới sẽ giảm bớt áp lực về nhu cầu tại các điểm đến vốn đã nổi tiếng.
Thêm vào đó, ngành du lịch có thể hợp tác với các ngành khác, chẳng hạn như năng lượng và vận tải để hướng tới một tương lai bền vững chung. Ví dụ, ngành du lịch có thể sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện quản lý chất thải, thực hành kinh tế tuần hoàn và triển khai xe điện tại các điểm đến.
Ví dụ, Thái Lan đã đặt mục tiêu có hơn 5 triệu xe điện lưu thông trên đường vào năm 2030, để giảm ô nhiễm không khí tại các địa điểm du lịch trọng điểm như Bangkok.
Ngành du lịch cũng cần thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương để giới thiệu văn hóa và di sản địa phương, đồng thời giúp bảo vệ và bảo tồn môi trường địa phương.
Và trong bối cảnh toàn cầu đang phát triển số hóa, việc xây dựng hệ thống dữ liệu và ứng dụng công nghệ cũng sẽ ngày càng hữu ích trong việc quản lý các điểm đến dựa trên số liệu.
Singapore đang thí điểm sử dụng phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn về mô hình du lịch, đưa ra các đề xuất theo thời gian thực và tác động đến các hoạt động du lịch. Còn Malaysia đang khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ du lịch áp dụng công nghệ vào hoạt động của họ, mang lại trải nghiệm du lịch liên tục, không cần tiếp xúc đồng thời giảm áp lực về dịch vụ và giao hàng tại các điểm nóng du lịch.
Mặc dù quá trình chuyển đổi sang du lịch bền vững của Đông Nam Á chắc chắn vẫn còn nhiều thách thức, nhưng vẫn luôn có nhiều cơ hội và chúng có thể được tận dụng để tạo thuận lợi cho quá trình này. Các chiến lược du lịch và quản lý điểm đến Đông Nam Á trong tương lai cần phải hướng tới mô hình du lịch bền vững mới./.