• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du lịch Hà Nội nhanh chóng thích ứng với chuyển đổi số

Du lịch 02/11/2022 13:01

(Tổ Quốc) - Tới thời điểm này, nhiều đơn vị du lịch của Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tuyên truyền, quảng bá các tour du lịch.

27 đơn vị điểm đến triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh

Theo Sở Du lịch Hà Nội, dịch bệnh COVID-19 khiến mức độ tăng trưởng của ngành du lịch Thủ đô bị sụt giảm nghiêm trọng, gây ra khó khăn, thách thức rất lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Nhiều giải pháp đã được đề ra để đẩy nhanh quá trình phục hồi, trong đó, ngành Du lịch Hà Nội xác định chuyển đổi số là giải pháp căn cơ, tất yếu và lâu dài đặc, biệt trong thời đại công nghệ 4.0 đang phát triển và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội.

"Chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Trên nền tảng những công nghệ mới, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có thể đem đến những trải nghiệm thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho khách du lịch thông qua các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR code, app du lịch... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể gia tăng khả năng tương tác để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu qua đó có thể giới thiệu, quảng bá các sản phẩm phù hợp"- Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho hay.

Du lịch Hà Nội nhanh chóng thích ứng với chuyển đổi số - Ảnh 1.

Từ 13/5/2022, hệ thống vé điện tử và sản phẩm chuyển đổi số như Thẻ du lịch thông minh sẽ đi vào hoạt động phục vụ du khách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hồng Gấm

Thời gian vừa qua, ngành Du lịch Thủ đô đã rất chủ động, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số gắn với du lịch thông minh. Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ không chỉ đối với các cơ quan quản lý nhà nước du lịch mà cả các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Sở Du lịch đã tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai các chương trình kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cũng như triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh nhằm cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ của ngành du lịch, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng tiện ích cho người dân và khách du lịch.

Cụ thể, du lịch Hà Nội tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của Thành phố; bổ sung thêm ngôn ngữ (6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn), vận hành và thường xuyên nâng cấp trang web du lịch Hà Nội để tăng cường và liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; chia sẻ dữ liệu cùng các đơn vị công nghệ phát triển các ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch; Triển khai số hóa các điểm đến du lịch bằng công nghệ 360, FLYMCAM, 3D nhằm mang đến những hình ảnh, thông tin đặc sắc, chọn lọc về các khu, điểm du lịch đến với du khách.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 27 đơn vị điểm đến trên địa bàn Thành phố Hà Nội triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh; Đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng truyền thông mới như: Facebook, Youtube, Tiktok, cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến… Đây là phương pháp truyền thông mới phù hợp với xu hướng mới của thị trường, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Hà Nội cũng triển khai xây dựng và lắp đặt các trạm phát sóng wifi tại các khu vực du lịch trọng điểm, tập trung lượng lớn khách du lịch: khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, khu di tích Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố sách Hà Nội, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, khu vực phố Trịnh Công Sơn, khu vực nhà chờ sân bay Nội Bài,... phục vụ nhân dân và khách du lịch.

Về phía các doanh nghiệp du lịch, điểm đến du lịch, hiện nay các đơn vị cũng rất chủ động, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tuyên truyền, quảng bá các tour du lịch: Tích cực triển khai hệ thống quản lý dữ liệu, thông tin trong hoạt động quản lý, phát triển kinh doanh. Các đơn vị như di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích Hoàng Thành Thăng Long,…hiện nay đã áp dụng hệ thống phần mềm QR code, cửa soát vé tự động, phần mềm quản lý khách…qua đó nâng cao năng lực quản trị của đơn vị; Ứng dụng các công nghệ mới như 360, 3D, FLYCAM, Mapping… trong xây dựng các sản phẩm du lịch mới, không chạm; Đẩy mạnh hoạt động truyên truyền, quảng bá trên không gian mạng thông qua các chương trình xúc tiến, triển lãm, giới thiệu sản phẩm trực tuyến, trên các nền tảng công nghệ mới.

Chưa xây dựng được hệ sinh thái, phần mềm chung

Bên cạnh những tín hiệu tích cực thời gian qua, ngành Du lịch Thủ đô vẫn xuất hiện một số hạn chế trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT. Theo Sở Du lịch Hà Nội, hoạt động chuyển đổi số của các đơn vị còn diễn ra tự phát, nhỏ lẻ chưa có sự thống nhất, đồng bộ; Chưa xây dựng được hệ sinh thái, phần mềm chung, hệ thống dữ liệu lớn áp dụng xuyên suốt, liên thông giữa cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị doanh nghiệp du lịch; Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm hiểu và lựa chọn công nghệ ứng dụng cho sản phẩm của đơn vị.

Du lịch Hà Nội nhanh chóng thích ứng với chuyển đổi số - Ảnh 2.

Trải nghiệm tham quan di tích trên nền tảng công nghệ. Ảnh: Hồng Gấm

Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội đề xuất một số các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch đó là tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với hoạt động du lịch Thủ đô. Đa dạng các hình thức tuyên truyền thông qua các chương trình đào tạo về du lịch, các chương trình, phóng sự trên các kênh truyền thông, hệ thống báo đài của Hà Nội và Trung ương, thông qua hệ thống các trang mạng điện tử, chương trình FM Du lịch…

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong đó, tập trung xây dựng chương trình hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ, lao động hoạt động du lịch trên địa bàn; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tài chính, nhân lực cho các kế hoạch, chương trình chuyển đổi số của đơn vị điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố.

Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các đề án lớn như: Đề án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung của thành phố, xây dựng Bản đồ số du lịch, ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch.

Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch. Chủ động xây dựng các ẩn phẩm xúc tiến điện tử phù hợp với thị hiếu của từng khu vực trọng điểm, tổ chức các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch điện tử, kỹ thuật số. Nghiên cứu sử dụng tư vấn chuyên nghiệp triển khai các hoạt động nghiên cứu, dự báo, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến trong nước và quốc tế./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ