(Tổ Quốc)- Theo ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trong năm 2017, du lịch Huế sẽ chuyển mình thay đổi để khắc phục những khó khăn, thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra.
Thừa Thiên Huế là tỉnh nằm trong vùng bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển. Tuy nhiên, so với các tỉnh Bắc miền Trung thì Thừa Thiên Huế không bị thiệt hại quá nặng nề. Những thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ phục vụ du lịch nằm dọc bờ biển. Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, hoạt động du lịch biển chỉ chiếm khoảng 6,6% hệ thống dịch vụ du lịch toàn tỉnh. Do vậy, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2016, du lịch Thừa Thiên Huế vẫn có nhiều khởi sắc. Theo thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trong 10 tháng của năm 2016, trên 2,74 triệu lượt khách du lịch đến Huế, tăng 12% so cùng kỳ năm trước; trong đó có gần 900.000 lượt khách quốc tế, tăng 3%. Doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 4.583 tỷ đồng.
Để khắc phục khó khăn và đưa du lịch Thừa Thiên Huế tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2017, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế sẽ có nhiều đổi mới trong công tác xúc tiến quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch mới. Ông Lê Hữu Minh – Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc xung quanh vấn đề này.
- Đến thời điểm này, ông đánh giá mức độ thiệt hại của du lịch Thừa Thiên Huế sau sự cố môi trường biển như thế nào?
+ Cho đến nay, theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL, từ tháng 5, chúng tôi đã đi nắm bắt tình hình hoạt động du lịch, ghi nhận những thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra với hoạt động du lịch. Hiện nay, chúng tôi mới nắm bắt con số thiệt hại của các doanh nghiệp du lịch, còn những doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, phụ trợ cho hoạt động du lịch như: bán hàng, xe xích lô, kinh doanh dịch vụ… thì chúng tôi chưa nắm bắt được. .. Họ cũng là những người hoạt động trong ngành du lịch, nhưng hiện tại chưa có quy chuẩn nào để đánh giá mức độ thiệt hại.
Thừa Thiên Huế dự định sẽ gắn du lịch biển với du lịch cộng đồng, với du lịch làng nghề, du lịch MICE, hội nghị hội thảo (Ảnh: ĐSPL) |
-Thưa ông, vậy ngành du lịch Thừa Thiên Huế đề ra những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và từng bước khôi phục hoạt động du lịch biển của địa phương?
+ Chúng tôi đề ra hai loại giải pháp: trước mắt và lâu dài. Giải pháp trước mắt là tìm mọi cách tuyên truyền, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch biển trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ hai, mở rộng, mời gọi hợp tác đối với các doanh nghiệp du lịch ở hai đầu đất nước, cụ thể nhất như Hà Nội và TP HCM và các thành phố lớn như Đà Nẵng, Nha Trang… đưa khách du lịch tới Huế, đặc biệt là vùng biển của Huế. Thứ ba, tổ chức các famtrip, mời các cơ quan truyền thông, chuyên gia du lịch tới khảo sát các sản phẩm du lịch trên địa bàn, để tạo điều kiện để họ tận mắt chứng kiến hoạt động du lịch biển đã được hồi phục như thế nào, biển an toàn ra sao để giúp Thừa Thiên Huế đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp và thu hút khách.
Chúng tôi cũng sẽ tổ chức những hội chợ du lịch, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm du lịch, đồng thời mời các doanh nghiệp du lịch tới trao đổi, làm thế nào để tăng cường ký kết, hợp tác với các doanh nghiệp du lịch ở 2 miền đất nước và các trung tâm du lịch lớn với Huế. Đó là những giải pháp trước mắt.
Về giải pháp lâu dài, chúng tôi sẽ mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gắn du lịch biển với du lịch cộng đồng, với du lịch làng nghề, du lịch MICE, hội nghị hội thảo. Đặc biệt, trong cuộc họp với Bộ trưởng VHTTDL mới đây, chúng tôi đã đề xuất với Bộ, trong năm 2017, tất cả các sự kiện hội nghị, hội thảo, trước hết là của ngành VHTTDL nên ưu tiên tổ chức tại các tỉnh miền Trung.
Sang năm 2017, chúng tôi cũng sẽ đưa vào khai thác rất nhiều sản phẩm du lịch, một số sản phẩm hiện đang thử nghiệm và đã có những thành công bước đầu, một số sắp tới sẽ được thực hiện. Trước đây, khu di tích Đại Nội đóng cửa hàng đêm thì nay sẽ mở cửa hàng đêm để đón khách du lịch. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng sẽ giới thiệu địa điểm mới chính là Lăng vua Gia Long. Lăng vua Gia Long là một trong những lăng tẩm triều Nguyễn đẹp tương đương với lăng vua Từ Đức, Khải Định. Đây sẽ là một điểm tham quan cực kỳ hấp dẫn.
Bên cạnh đó, để đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế còn đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, mang đậm bản sắc Huế như: Không gian dịch vụ văn hoá Lục Bộ, khám phá nơi làm việc của Thượng thư Bộ Học xưa, thuộc khu vực Lục Bộ thời Nguyễn tại cố đô Huế; Du thuyền Cung đình trên sông Hương, tour khám phá dòng sông Hương thơ mộng, ngắm bình minh; ghé thăm phố cổ Bao Vinh, làng cổ Sình, làng hoa giấy Thanh Tiên… bằng thuyền rồng cao cấp Emperor Dragon Boat; tour du lịch sinh thái Thanh Toàn Eco Tour cho khách trải nghiệm một số hoạt động tại Làng Thanh Thủy như đạp xe, chèo thuyền đánh bắt cá trên sông Như Ý, làm nông dân và học nấu ăn tại nhà hàng Thanh Toàn; Trải nghiệm Huế với xe cổ Vespa...
-Những giải pháp nói trên của ngành du lịch Thừa Thiên Huế là nhắm đến thị trường khách trong nước hay quốc tế, thưa ông?
+Chúng tôi hướng tới cả khách nội địa và quốc tế. Sắp tới, trong năm 2017, chúng tôi sẽ tổ chức tham gia các hội chợ ở nước ngoài. Cuối tháng 12/2016, ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ cùng với Tổng cục Du lịch tham gia xúc tiến quảng bá tại Băng Cốc (Thái Lan). Đầu năm 2017, chúng tôi cũng sẽ xúc tiến quảng bá tới các thị trường trọng điểm của Huế như các nước Tây Âu, Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vừa rồi, trong tháng 11, đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh Thừa Thiên Huế đã sang làm việc với một số địa phương của Nhật Bản như là tỉnh Nara, thành phố Kyoto và đã ký được biên bản hợp tác với các địa phương này, trong đó du lịch là một trong những nội dung chủ chốt của bản ký kết.
-Với hàng loạt những đổi mới trong công tác xúc tiến quảng bá cũng như xây dựng sản phẩm du lịch mới, du lịch Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu sẽ đón bao nhiêu lượt khách trong năm 2017?
+Chúng tôi đặt ra kỳ vọng là sẽ đón 3,5 triệu lượt khách năm 2017, năm nay chúng tôi mới đạt 3,3 triệu lượt, nhưng kỳ vọng lượng khách vẫn sẽ tăng lên. So với kết quả năm ngoái thì mức tăng trưởng của du lịch Thừa Thiên Huế năm nay vẫn tăng hơn, lượng khách du lịch đến Huế năm ngoái đạt con số 3,1 triệu lượt./.
-Cảm ơn ông!
Lâm Minh